Trump có thể lãnh hậu quả gì khi công kích thẩm phán Mỹ?

Đăng Nguyễn - New York Times, Bloomberg Thứ hai, ngày 06/02/2017 17:55 PM (GMT+7)
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhanh chóng mở màn cuộc đối đầu cơ quan tư pháp Mỹ, dường như chưa lường hết những hậu quả tiềm tàng trong cả ngắn hạn và lâu dài.
Bình luận 0

img

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) mở đầu cuộc chiến với hệ thống tư pháp Mỹ bằng loạt chỉ trích thẩm phán trên Twitter.

Theo New York Times, sau khi thẩm phán liên bang James Robart ra phán quyết ngừng sắc lệnh cấm nhập cảnh công dân đến từ 7 quốc gia Hồi giáo trong 90 ngày của ông Trump trên toàn quốc, Tổng thống Mỹ đã tung một loạt bình luận trên mạng xã hội Twitter.

Ông Trump công kích nhân ông Robart, hệ thống tòa án Mỹ và thậm chí còn cảnh báo “những hậu quả mà thẩm phán liên bang gây ra”.

"Quan điểm của người được gọi là thẩm phán kia, thứ về cơ bản tước đi khả năng thực thi pháp luật khỏi đất nước, thật lố bịch và sẽ bị thay đổi", ông viết trên Twitter hôm 4.2, trước khi đơn kháng cáo của Bộ Tư pháp Mỹ bị tòa phúc thẩm bác bỏ.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bảo vệ sắc lệnh của ông Trump nhưng đa số luật sư và nhà lập pháp của hai đảng ở Mỹ đều cho rằng, những bình luận của ông Trump phản ánh sự thiếu tôn trọng đối với hệ thống hiến pháp theo mô hình tam quyền phân lập.

"Không thể tin được là một thẩm phán lại đẩy đất nước vào tình thế nguy hiểm như thế này. Nếu có chuyện gì xảy ra, lỗi lầm thuộc về ông ta cũng như hệ thống tòa án. Nhiều người đang tràn vào. Quá tệ", ông Trump tiếp tục công kích thẩm phán Robart vào ngày hôm sau.

Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ chỉ đạo Bộ An ninh Nội địa thẩm tra những người nhập cảnh vào Mỹ "rất cẩn thận" và cáo buộc các tòa án đang "khiến việc tạo công ăn việc làm trở nên rất khó khăn".

Trump phớt lờ hệ thống tư pháp Mỹ

Cuộc chiến pháp lý xung quanh sắc lệnh cấm nhập cảnh trở thành vấn đề tâm điểm trong chính quyền Trump. Với tư cách là một doanh nhân chưa từng có kinh nghiệm chính trị, ông Trump đã thể hiện cách lãnh đạo theo hướng ít quan tâm đến hai nhánh khác quy định trong Hiến pháp Mỹ.

img

Ông Trump đã ký nhiều sắc lệnh gây tranh cãi kể từ khi lên nắm quyền.

Đây không phải là lần đầu tiên Trump công kích một thẩm phán liên bang. Trong chiến dịch tranh cử, tỷ phú Mỹ nhiều lần chỉ trích thẩm phán Gonzalo Curiel, cho rằng người xét xử vụ kiện liên quan đến Đại học Trump này có mâu thuẫn vì ông mang trong mình “nguồn gốc Mexico”.

Tuy nhiên các chuyên gia pháp lý cho rằng, đòn trả đũa mới nhất mà ông Trump nhắm vào thẩm phán Robart có thể gây hậu quả nặng nề bởi tỷ phú Mỹ giờ đã là ông chủ Nhà Trắng. Ông Trump có thể không biết rằng mình đã gây chiến với những quan tòa nắm giữ quyền lực rất lớn.

Charles Fried, cựu trưởng công tố Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan cho rằng, hiếm khi có một tổng thống mới nhậm chức nào lại công khai gây chiến với  các thẩm phán như ông Trump. “Tỷ phú Mỹ đang biến mọi thứ thành ‘bộ phim truyền hình’ với những lời công kích nặng nề nhất, ông Fried nói. "Hành động đó là không thể định nghĩa được, không hề phù hợp, chưa từng có tiền lệ và không mang tính chất của tổng thống".

Cựu cục trưởng tư vấn pháp lý thuộc Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống George W. Bush, Jack Goldsmith  cho rằng, những lời công kích của ông Trump vào quan tòa và hệ thống tư pháp Mỹ sẽ chỉ khiến ông Trump đối diện với hàng loạt những rắc rối". "Sự bất cẩn và quyết liệt của sắc lệnh cấm nhập cảnh cùng những lời công kích vào các thẩm phán sẽ càng tạo động lực để các quan tòa gây sức ép với ông Trump".

Phụ trách Trường đào tạo Luật sư Mỹ, Bartholomew J. Dalton nói, những lời lẽ xúc phạm thẩm phán của Trump là không phù hợp. "Thật sai trái khi người đứng đầu nhánh hành pháp lại công kích một thành viên nhánh tư pháp bằng lời lẽ như vậy. Điều đó hủy hoại sự độc lập của hoạt động tư pháp, vốn là xương sống trong nền dân chủ lập hiến Mỹ”.

img

Tổng thống Mỹ Trump dường như không quan tâm đến hai nhánh quan trọng khác trong HIến pháp Mỹ.

Giáo sư tại Trường Luật Đại học George Washington, John Banzhaf cho rằng, những tuyên bố của ông Trump là "hoàn toàn thái quá" và có thể gây nhiều bất lợi cho Tổng thống Mỹ trong cuộc chiến pháp lý để bảo vệ sắc lệnh của mình.

Muốn khôi phục sắc lệnh hành pháp, ông Trump sẽ phải tiếp tục kháng cáo tại tòa án khu vực và tòa tối cao. "Dù các thẩm phán luôn cam kết xét xử công bằng, họ cũng là con người và sẽ không hài lòng khi một đồng nghiệp bị công kích như vậy. Trong một cuộc biểu quyết căng thẳng, điều này có thể tạo ra sự khác biệt", Banzhaf nhận định.

Trump có thể gặp rắc rối trong Quốc hội

Trong khi đó, các Nghị sĩ đảng Dân chủ và một số Nghị sĩ đảng Cộng hòa nói, hành động của ông Trump có thể khiến cho đề cử Neil Gorsuch làm thẩm phán tòa án tối cao gặp trục trặc và thậm chí là tổn hại quan hệ đối với Quốc hội.

Giới phân tích cho rằng những lời lẽ xúc phạm thẩm phán Robart của ông Trump sẽ tiếp thêm lý do để các Nghị sĩ Mỹ trong Quốc hội bác bỏ đề cử này.

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer cảnh báo rằng sau sự cố trên, các thành viên đảng Dân chủ ở Thượng viện sẽ càng nghi ngờ về đề cử của ông Trump khi phê chuẩn việc bổ nhiệm thẩm phán Gorsuch.

"Với mỗi hành động thử thách Hiến pháp, mỗi lời công kích cá nhân nhắm vào thẩm phán, Tổng thống Trump đang dựng lên hàng rào, khiến cho con đường vào tòa án tối cao của Gorsuch trở nên khó khăn hơn", Schumer tuyên bố.

img

Đề cử thẩm phán Neil Gorsuch (trái) vào tòa án tối cao của ông Trump có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy nói trên Bloomberg rằng, phản ứng của Trump càng khiến cho “việc đánh giá thẩm phán Gorsuch và các thẩm phán khác trở nên quan trọng, về khả năng kiểm soát độc lập, không chịu sự tác động của chính quyền đề cử”.

Để trở thành thẩm phán của tòa án tối cao Mỹ, ứng viên sẽ phải đạt đủ 60 phiếu theo quy định hiện hành. Đảng Cộng hòa có 52 phiếu bầu và đa số được cho là sẽ ủng hộ lựa chọn của ông Trump. Như vậy, thẩm phán Gorsuch vẫn cần thêm sự ủng hộ từ các Nghị sĩ đảng Dân chủ.

Tòa án tối cao là cơ quan tư pháp quyền lực nhất nước Mỹ. Đề cử thẩm phán vào tòa án tối cao là cách để Tổng thống tìm kiếm thêm sự ủng hộ trong nhánh tư pháp. Tuy vậy, có tới 9 thẩm phán trong tòa án tối cao, khiến cho tổng thống Mỹ không dễ dàng thâu tóm quyền lực.

Nếu đề cử Gorsuch thất bại, ông Trump từng nhắc đến khả năng yêu cầu lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện, Mitch McConnell sử dụng “phương án hạt nhân” để bỏ qua quy định yêu cầu ứng viên phải kiếm đủ 60 phiếu ủng hộ (trong trường hợp với các vấn đề quan trọng), thay vào đó chỉ cần 51 phiếu đa số.

“Nếu chúng ta rơi vào thế bế tắc, Nếu có thể, anh chơi hạt nhân luôn đi, Mitch”, New York Times dẫn lời Tổng thống Mỹ Trump ngày 1.2.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem