Trúng đậm cá ngừ đại dương "khủng" trên biển Trường Sa
Trúng đậm cá ngừ đại dương "khủng" trên biển Trường Sa
Thứ bảy, ngày 04/10/2014 18:03 PM (GMT+7)
Hàng chục tàu cá ở Nam Trung Bộ sáng nay (4.10) đã lần lượt cập cảng Hòn Rớ (Nha Trang, Khánh Hòa) với đầy ắp cá ngừ đại dương. Theo ngư dân, trong vòng 3 tháng qua, đây là lần thứ hai họ trúng đậm cá ngừ đại dương từ biển Trường Sa.
Nghề câu cá ngừ đại dương được du nhập và phát triển ở Việt Nam từ những năm đầu thập kỷ 90 và đã trở thành nghề khai thác chủ lực ở vùng biển miền Trung. Hiện nay, có hàng nghìn tàu câu cá ngừ đại dương ở các tỉnh Nam Trung Bộ, trong đó, tỉnh Khánh Hòa là một trong những địa phương đi đầu và phát triển khá mạnh nghề này trong vài năm trở lại đây.
Theo Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang), mấy ngày qua, trung bình mỗi ngày có khoảng 20 đến 30 chiếc tàu câu cá ngừ đại dương cập cảng để nhập cá cho thương lái. Trong vòng 3 tháng qua, đây là lần thứ 2 liên tiếp ngư dân Khánh Hòa trúng đậm cá ngừ đại dương.
Theo ngư dân tỉnh Khánh Hòa, cá ngừ đại dương được đánh bắt ở ngư trường Trường Sa và Nhà giàn DK1. Những tháng qua, sau khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải dương 981 thì việc đánh bắt của ngư dân thuận lợi hơn.
Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương cả nước mỗi năm đạt hàng chục tấn, chủ yếu là cá ngừ mắt to và cá ngừ vây vàng, rất được ưa chuộng trên thị trường các nước Âu, Mỹ và Đông Bắc Á. Được biết, 5 tháng đầu năm 2014, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất sang được 86 thị trường, thêm 16 thị trường mới so với cùng kỳ năm 2013.
Trung bình mỗi tàu có từ 30 đến 40 con cá ngừ đại dương sau khi trở về từ biển Trường Sa; mỗi con trọng lượng từ 40 đến 50kg, tuy nhiên, không ít con cá ngừ đại dương có trọng lượng trên 60kg.
Việt Nam vốn là nước có trữ lượng lớn về cá ngừ đại dương. Tuy nhiên, đây là loài di cư xa, tốc độ di chuyển nhanh, nằm ở độ sâu lớn nên cần phải thay đổi cách khai thác như hiện nay. Mới đây, các chuyên gia, nhà khoa học của trường Đại học Nha Trang cho rằng ngư dân Việt Nam vẫn quá dựa vào sức khỏe cơ bắp của chính mình mà chậm thay đổi cách khai thác, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Do đó, để khai thác hiệu quả thì cần áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, trong đó đặc biệt là cần chú trọng khâu bảo quản sau khai thác thì mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo các chuyên gia thủy sản của Nhật, thân nhiệt cá ngừ bình thường khoảng 18 độ C, khi rượt đuổi mồi tăng lên 50 độ C. Lâu nay ngư dân câu bằng tay nên khi cá cắn câu thì kéo mạnh lên thuyền ngay, thịt cá đang ở thân nhiệt cao nên trắng bạch, không đảm bảo chất lượng. Hiện giá cá ngừ đại dương xuất khẩu vào thị trường Nhật của Philippines và Indonesia là 1.000 yen/kg, trong khi đó giá cá Việt Nam chỉ bằng một nửa.
Hiện nay, Nhật Bản đang phối hợp với Việt Nam để triển khai công nghệ khai thác cá ngừ theo kiểu Nhật. Đó là dự án “Nâng cao thu nhập cho ngư dân và phát triển ngành khai thác cá ngừ Việt Nam bền vững” của Công ty Yanmar (Nhật Bản) và Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thuỷ thuộc Trường Đại học Nha Trang (UNINSHIP) phối hợp triển khai. Hiện Bình Định là địa phương đi đầu thực hiện khai thác cá ngừ theo kiểu Nhật. Đây được xem là hướng đi mới, rất sáng sủa cho bà con ngư dân miền Trung.
Thương lái kiểm tra thịt cá ngừ đại dương ở cảng cá Hòn Rớ, Nha Trang bằng cách làm thủ công.
Hệ thống câu cá ngừ đại dương theo phương pháp của Nhật Bản có 2 bộ phận chính là máy thu câu và máy tạo xung điện. Khi cá mắc câu, hệ thống sẽ tự xả dây khi lực cá lớn và tự thu dây khi lực cá yếu. Khi thu cá về gần mạn tàu, ngư dân sẽ dùng máy tạo xung để làm cá bị tê liệt nhanh chóng trước khi đưa lên tàu và sơ chế, ướp lạnh. Công cụ câu của Nhật Bản có chức năng chủ yếu là làm cho cá ngừ giữ được độ tươi sống đảm bảo chất lượng tốt. Mỗi hệ thống câu này trị giá 200 triệu đồng. Mặt khác, Nhật Bản cũng áp dụng công nghệ bảo quản rất khắt khe để đảm bảo chất lượng cá, giá trị cá. Điều đó, khiến chúng ta không thể không suy nghĩ và học hỏi, khi cách bảo quản của ta bấy lâu nay quá thủ công, lạc hậu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.