Cưỡi “rồng” về Bắc Kinh ăn vịt
Sau 4 ngày gắn bó với nhau, Thẩm A Minh đưa chúng tôi đến ga tàu điện của TP.Tô Châu. Trước khi chia tay, ngoài những lời chúc tốt đẹp và hẹn ngày gặp lại, A Minh còn tiêp thị thêm về chuyến tàu cao tốc mà chúng tôi chuẩn bị đi. Đây là công trình đường sắt hiện đại của Trung Quốc, với mức kinh phí đầu tư 33 tỷ USD, đi qua 7 tỉnh ven biển của Trung Quốc. Tốc độ chạy tàu lên tới 350km/giờ (dự kiến trong năm nay sẽ tăng lên 400km/giờ)... Đây là công trình mà Trung Quốc chỉ thi công trong vòng 3 năm, từ 2008-2011. Mỗi năm tuyến đường sắt cao tốc này có thể vận chuyển 600 triệu hành khách.
Ga Tô Châu cũng là một nhà ga lớn, để lên được tàu ở đây chúng tôi phải có mặt ở ga sớm hơn 2 giờ. Cách thức để lên được tàu cao tốc ở đây cũng giống như việc ta di chuyển bằng máy bay. Trên vé của mỗi người đều ghi rõ số ghế và toa ngồi. Hành lý của hành khách đều bị kiểm tra an ninh nghiêm ngặt, muốn lên được tàu phải xếp cả hàng dài chờ đợi. Tấm vé đi Bắc Kinh của chúng tôi có trị giá khoảng 1,5 triệu đồng.
Vạn lý trường thành luôn tấp nập du khách tham quan, thử sức... ảnh: N.A
Tàu bắt đầu chạy, chỉ vài chục giây sau bảng điện tử gắn đầu khoang đã báo tàu đạt vận tộc 300km/giờ. Tàu chạy rất êm và ít tiếng ồn, chỗ ngồi thoải mái và rất tiện lợi, có ổ cắm điện ngay ghế trước. Mỗi toa tàu được bố trí có vòi nước nóng để khách có thể pha cà phê, ăn mì... Nếu ai không muốn tự phục vụ thì nhân viên ở đây sẵn sàng phục vụ các món ăn một cách nhiệt tình. Trên tàu có hẳn một khoang để bán đồ giải khát, có cả bia với giá 10 tệ/lon. Chúng tôi rủ nhau thử cảm giác đang cưỡi trên con tàu với tốc độ hơn 300km/giờ và đứng uống bia mà không thấy lắc lư, cũng thấy thú vị.
Chúng tôi đến ga Bắc Kinh khi phố đã lên đèn. Một chuyến đi an toàn, ít mệt mỏi - cảm giác thường thấy ở người di chuyển cả ngàn km. Đón chúng tôi tại ga Bắc Kinh là anh Từ Tiến, người Hán chính hiệu, giọng nói đầy hóm hỉnh. Từ Tiến và Bắc Kinh chào đón chúng tôi bằng món vịt quay nổi tiếng. Đầu bếp đẩy xe ra giữa nhà hàng, trình diễn kỹ năng múa dao thái thịt vịt. Từ Tiến thuyết trình: “Ở bên nước các bạn, vịt quay là chặt ra rồi ăn. Nhưng người Bắc Kinh khi ăn vịt phải thái mỏng ra đúng 128 miếng, có đủ phần da và thịt”.
Khi ăn, thịt vịt được gói trong một miếng bánh tráng dẻo mềm, cuộn với dưa chuột, dứa và nhiều loại rau thơm. Bỏ miếng bánh vào miệng nhai từ từ, mọi người đều vỡ òa vì cái vị bùi bùi của vỏ bánh, thơm thơm của các loại rau gia vị và giòn giòn của lớp da vịt quay đặc trưng, và cuối cùng là ngọt ngon. Đúng là món vịt đặc sản Bắc Kinh này, không hổ danh như người ta truyền tụng.
Lên Trường Thành làm hảo hán
Trên Vạn Lý Trường Thành, ngoài những tháp canh, chỗ quân lính tập hợp nghỉ ngơi mà nhiều du khách dừng lại đứng ngắm cảnh và chụp ảnh, có lẽ tấm bia ghi câu “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” (chưa đến Vạn lý trường thành chưa phải là hảo hán) là được du khách chụp ảnh nhiều nhất. Cũng như tôi, rất nhiều người trong đoàn đã đứng cạnh tấm bia để chụp ảnh, với niềm tin “mình đã thành hảo hán”...
|
Đúng hẹn 8 giờ 30 sáng hôm sau, Từ Tiến có mặt để đón chúng tôi đi thăm Vạn lý Trường Thành - di sản thế giới, cách đó 80km. Mở đầu câu chuyện của Từ Tiến là: “Đến Bắc Kinh, chưa tới Trường Thành chưa gọi là tới. Người Trung Quốc chúng tôi ai cũng thuộc lòng câu: Bất đáo Trường Thành phi hảo hán...”.
Thời tiết khá mát mẻ, xe chạy gần hai giờ là đến điểm tham quan. Vừa dẫn chúng tôi qua trạm soát vé, Từ Tiến vừa thao thao: “Với Trường Thành, các anh chị có thể trèo 50m, cũng như trèo 5.000km. Trường Thành được vua Tần Thủy Hoàng cho xây dựng từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, và xây liên tục qua hàng chục đời vua, đến thế kỷ thứ 16 mới thôi không xây nữa. Lý do xây dựng Trường Thành là để ngăn chặn người Mông Cổ, Hung Nô tràn sang cướp phá...”.
Chúng tôi không ngăn được sự phấn khích của mình khi bắt đầu đặt những bước đầu tiên lên Trường Thành. Nhưng mới bước được khoảng 50m thì thấy rằng chinh phục kỳ quan này quả là không dễ. Tuy có bậc lên nhưng có những bậc cao 10cm, cũng có bậc cao đến 40cm, làm cho chân ai cũng cảm thấy run run khi nhấc lên đặt xuống. Với tôi, dù cũng khá mệt nhưng vẫn phấn đấu leo được 3 chặng, đánh dấu bằng 3 đoạn tháp canh.
Đứng trên Trường Thành lộng gió, nhìn xuống hai bên là vực sâu thẳng đứng, cao cả chục mét. Cô Enexa người Kazacstan dẫn đoàn thiếu nhi tới đây tham quan nói với tôi: “Chắc không có nhiều người đi hết được Vạn lý Trường Thành. Nhưng chỉ cần nhìn một góc nhỏ ở nơi này cũng thấy vô cùng kính phục những nhà kiến trúc sư, những nhà quân sự và những người dân đã xây dựng lên bức tường vĩ đại này”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.