Lướt Tây Hồ, “gặp” người xưa
Hàng Châu cách Thượng Hải 180km. Khi còn cách Hàng Châu 30km, đã thấy hai bên đường cây xanh bạt ngàn, mát mắt. A Minh cho hay: “Ở Hàng Châu, tỷ lệ bình quân là 120 cây xanh/người. Có quy định chặt trái phép một cây xanh sẽ bị phạt tù 6 tháng và 30.000 tệ, ước khoảng hơn 100 triệu đồng”.
Mai Công Tử (trái) giới thiệu với du khách về chè Long Tỉnh. Ảnh: N.A
Chúng tôi không thể bỏ qua Tây Hồ - một danh thắng nổi tiếng của vùng Hoa Hạ. Có nhiều điển tích được người đời nghĩ ra để lý giải cho vẻ đẹp của Tây Hồ, như theo A Minh - người dẫn đường của chúng tôi kể thì: “Ngày xưa ở trên trời có một tiên nữ xinh đẹp tuyệt thế, vào một buổi sáng nàng soi gương và vô tình làm rơi chiếc gương xuống hạ giới, gương quý vỡ đôi. Một mảnh nhỏ nằm ở Trung Quốc, là thắng cảnh Tây Hồ rộng 6,3km2, phần còn lại rơi xuống Việt Nam, là Hồ Tây ở thủ đô Hà Nội hơn 18km2”.
Với Tây Hồ, người Trung Quốc đã biết khai thác thắng cảnh này hàng nghìn năm qua. Những công trình nổi tiếng nhất là của nhà kỹ trị Tô Đông Pha, cách đây hơn 1000 năm. Ông cải tạo hồ, đắp đê xây đảo.
Cảm giác ngồi trên thuyền, lướt sóng Tây Hồ, nghe thêm những giai thoại quả là vô cùng dễ chịu. Phải nói rằng, ý tưởng và ý thức làm du lịch của chính quyền và người dân Hàng Châu rất tốt. Thuyền được làm bằng gỗ 100%, đẹp và sạch sẽ. Để giữ gìn môi trường, các thuyền chở du khách ở đây đều trang bị động cơ điện, và một số vẫn dùng mái chèo tay chứ không dùng máy móc chạy bằng xăng dầu. Cứ 33 ngày người ta lại tổ chức thay 90% nước trong hồ. Tất cả các nguồn nước thải sinh hoạt đầu bị cấm đổ xuống hồ.
Tây Hồ trước kia nổi tiếng là một hồ sen khổng lồ, nhưng khi sen tàn sẽ tạo ra một cảnh tượng xấu xí. Nên sau đó chính quyền đã cho nhổ sen, mà mà giờ đây chỉ trồng những khóm nhỏ ở ven hồ, với hơn 40 giống sen quý khắp Trung Quốc được quy tập về để khoe sắc.
Quanh Tây Hồ có muôn vàn chuyện và gia thoại, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là mối tình của Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Ngày nay, cây cầu mà đôi uyên ương nổi tiếng này hò hẹn vẫn còn đó. Ngay cạnh bờ hồ có mộ của Võ Tòng - nhân vật nổi tiếng trong truyện Thủy Hử. Đến Tây Hồ ngắm cảnh đẹp được nâng niu, chăm bẵm hàng nghìn năm qua, nghe những câu chuyện như mơ như thực, thấy mở thêm tầm mắt của mình rộng lớn biết bao.
Xuyên núi đi uống Quốc trà
Cách Tây Hồ chừng 30 phút đi ô tô là Mai Gia Thôn - thôn nhỏ chuyên sản xuất đặc sản chè (trà) Long Tỉnh được gọi là Quốc trà của Trung Hoa. Mai Gia Thôn trước kia đường vào rất khó khăn, phải mất 3 tiếng đồng hồ xe leo núi, nó cũng cản trở việc tiêu thụ chè và thu hút khách du lịch đến đây. Chính vì vậy, 7 năm trước dân trong thôn đã góp tiền để làm đường hầm hiện đại xuyên núi dài 2km, rút ngắn thời gian đến thôn còn vài chục phút. Vì thế bây giờ ngày nào người dân của Mai Gia Thôn cũng đón người dân khắp Trung Hoa và thế giới đổ về thôn này để uống trà.
Hàng Châu ngoài thiên nhiên tươi đẹp còn có một đặc sản khác do con người làm ra rất đáng để khoe với thiên hạ đó là show diễn có tên Thiên tình sử Tống Thành do Trương Nghệ Mưu làm đạo diễn. Khu biểu diễn có 2 rạp với sức chứa 4.500 và 8.600 chỗ. Vào những ngày cao điểm, Tống Thành diễn tới 14 suất/ngày, mỗi suất kéo dài đúng 1 tiếng, giá vé tương đương 1,2 triệu đồng. Trong 1 giờ, tất cả những gì tinh hoa của xứ Hàng Châu đều được tái hiện một cách vô cùng hào hùng và mỹ lệ...
|
Đường vào Mai Gia Thôn đẹp mê hồn, bởi màu xanh của những nương chè nối tiếp nhau trên những triền núi. Đón chúng tôi tại tư dinh kiêm cơ sở sản xuất nhà mình là Mai Công Tử, 32 tuổi, mặt mũi khôi ngô (thôn này 90% dân số mang họ Mai). Mai Công Tử mở ra một bọc chè, loại chè thiếu nữ thượng hạng, cho từng nhúm vào những chiếc cốc thủy tinh rồi rót nước sôi vào. Rất đơn giản, không một chút cầu kỳ. Chưa đầy 3 phút, nước trà đã chuyển sang màu xanh nhạt. Mai Công Tử trong vai chủ nhà mời chúng tôi uống trà.
Tôi chậm rãi nhấp từng ngụm. Thất vọng! Long Tỉnh trà không đậm đà được bằng thứ trà nước 2 của Thái Nguyên ta. Nhưng theo lời Mai Công Tử thì điều đặc biệt của trà Long Tỉnh nằm ở keo trà, có tác dụng thanh lọc cơ thể, thải những độc tố ra ngoài, làm cho người ta trẻ lâu và trường thọ. Vì thế mà tại Mai Gia Thôn, bình quân tuổi thọ người dân là 93 tuổi, ít ai bị bệnh tật và làn da ai nấy rất đẹp, trắng mịn.Từ những búp chè tơ non, người Mai Gia Thôn còn chế ra những loại cao chè, kẹo, bánh...
Quả không hổ danh Quốc trà khi mỗi lạng trà được định giá 350 tệ, tương đương 1,2 triệu đồng. Nên tôi nghĩ trà Long Tỉnh đắt ở thương hiệu chứ không phải ở hương và sắc của nó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.