Trọng Hà (Theo Sixth Tone)
Thứ hai, ngày 17/06/2024 10:30 AM (GMT+7)
Dư luận cho rằng mục đích thực sự của những trại huấn luyện nhân viên mới này không phải để xây dựng tinh thần đồng đội, mà là để xem nhân viên có chịu phục tùng văn hóa làm việc hà khắc của công ty hay không.
Một số công ty Trung Quốc đang bắt nhân viên mới tham gia trại huấn luyện kiểu quân đội để "rèn luyện tinh thần đồng đội". Nhưng liệu việc này có hợp pháp không?
Cuối tháng 4 vừa rồi, nhóm thực tập sinh quản lý của công ty mì ăn liền Jinmailang chắc hẳn đã rất sốc khi buổi định hướng đầu tiên không phải là những trò làm quen hay phổ biến quy định an toàn lao động như thường lệ.
Thay vào đó, họ phải trải qua một "tuần lễ kinh hoàng".
76 nhân viên mới bị đưa đến vùng quê ở tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc, để tham gia khóa huấn luyện quân đội kéo dài một tuần. Ngay ngày đầu, họ bị bắt chống đẩy 80 cái rồi đứng nghiêm dưới nắng hàng tiếng đồng hồ. Mọi chuyện ngày càng tệ hơn. Cuối tuần, các nhân viên đã phải squat hàng trăm cái, hành quân 60 km trên địa hình gồ ghề với ba lô nặng trĩu dưới cái nắng 30 độ, thậm chí còn phải đi xin ăn để "luyện kỹ năng sinh tồn".
Đây không phải lần đầu các công ty Trung Quốc tổ chức những chương trình "nhập môn" khắc nghiệt như vậy. Họ cho rằng đây là cách hiệu quả để xây dựng tinh thần đồng đội. Tuy nhiên, nhiều người lao động phản đối, cho rằng việc này không cần thiết và có thể vi phạm pháp luật.
Trung Quốc: "Ác mộng" trong ngày đi làm đầu tiên
Vụ việc ở Hà Bắc đã dấy lên làn sóng tranh cãi sau khi một tờ báo địa phương đăng bài viết về trải nghiệm của các nhân viên. Bài báo nhanh chóng lan truyền trên Weibo, làm bùng nổ cuộc tranh luận về "văn hóa sói" trong nhiều công ty Trung Quốc - thứ văn hóa đề cao sự kiên cường, sẵn sàng hy sinh và bản năng săn mồi.
Nhiều người dùng Weibo cho rằng mục đích thực sự của những trại huấn luyện này không phải để xây dựng tinh thần đồng đội mà là để xem nhân viên có chịu phục tùng văn hóa làm việc hà khắc của công ty hay không.
Một bình luận nhận được nhiều lượt thích cho rằng: "Đây là bước đầu tiên để dạy nhân viên làm việc như trâu ngựa: hoặc nghỉ việc hoặc cúi đầu".
Truyền thông địa phương cho biết huấn luyện kiểu quân đội đã trở nên phổ biến trong các công ty ở Hà Bắc, đặc biệt là những nơi áp dụng phong cách quản lý "cường độ cao, tiêu chuẩn cao". Xu hướng này cũng đang lan rộng ra các khu vực khác của Trung Quốc.
Liang Yi, 24 tuổi, chia sẻ với Sixth Tone rằng cô cũng từng trải qua khóa huấn luyện tương tự tại công ty điện tư nhân đầu tiên của mình ở tỉnh Giang Tây.
Vài ngày trước khi đi làm năm 2023, Liang được thông báo phải tham gia một chương trình "làm quen". Cô đã phải dành 13 ngày ở vùng quê để chạy bộ, đứng nghiêm và tập các bài thể lực khác dưới cái nóng 38 độ.
Liang nói: "Tôi cảm thấy bị lừa. Khóa huấn luyện này chẳng cần thiết chút nào. Nó quá sức đối với tôi. Tôi sụt mấy cân mà chẳng học được kỹ năng gì liên quan đến công việc."
Cô cho biết công ty không hề đề cập đến chương trình này trong quá trình tuyển dụng. Khi cô phản đối, các quản lý khăng khăng rằng khóa huấn luyện là cần thiết để rèn luyện ý chí và tinh thần đồng đội.
Liang nhớ lại: "Đôi khi, tôi cảm thấy công ty đang cố gắng tẩy não chúng tôi, chỉ trích chúng tôi không thể vượt qua 'những thử thách nhỏ nhặt' như vậy".
Ngày càng có nhiều người, không chỉ những người trẻ như Liang, phản đối trại huấn luyện bắt buộc kiểu này. Tờ Jimu News, cơ quan ngôn luận của chính quyền tỉnh Hồ Bắc, đã đăng bài bình luận cho rằng sự gia tăng của các trại huấn luyện này là biểu hiện của "văn hóa sói" có vấn đề trong nhiều công ty Trung Quốc.
"Việc quá đề cao sự hoang dã, tham lam và hung hăng dẫn đến những hành vi phi pháp và vô nhân đạo. Điều này sẽ gây ra căng thẳng tột độ cho nhân viên", tờ báo nhận định. "Trong môi trường làm việc ngày nay, văn hóa sói đòi hỏi nhân viên phải tuyệt đối phục tùng và làm việc quá sức mà không được thưởng thêm đã quá lỗi thời."
Jinmailang, công ty mì ăn liền, đang bị soi xét kỹ lưỡng, với các chuyên gia pháp lý cho rằng công ty này có thể đã vi phạm luật lao động Trung Quốc. Luật sư Chen Yuan từ Công ty Luật Yingke Bắc Kinh cho biết huấn luyện kiểu quân đội chỉ được yêu cầu nếu nó thực sự cần thiết cho một vị trí cụ thể.
Nếu việc đào tạo như vậy được coi là cần thiết, công ty phải tuân thủ luật an toàn lao động địa phương và thông báo rõ ràng cho nhân viên về nội dung của chương trình. Trong trường hợp này, Jinmailang có thể đã vi phạm quyền lợi của nhân viên khi không thông báo rõ ràng về trại huấn luyện, luật sư Chen nói.
Phát biểu với báo chí, đại diện của đơn vị tổ chức trại huấn luyện cho Jinmailang cho biết chương trình này tuy có cường độ cao nhưng "có thể kiểm soát được đối với người lớn". Người này cũng cho biết có nhân viên y tế túc trực trong trường hợp khẩn cấp.
Đơn vị này đã gỡ bỏ video quảng cáo có hình ảnh nhân viên Jinmailang tham gia huấn luyện khỏi tài khoản WeChat chính thức của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.