Trung Quốc bắt cựu Ủy viên Bộ Chính trị, giới truyền thông nói gì?

Thứ ba, ngày 03/12/2013 18:59 PM (GMT+7)
Theo tờ "Liên Hợp báo" của Đài Loan số ra ngày 2.12, các nhà chức trách Trung Quốc đã bắt giữ ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, vì tội tham nhũng.
Bình luận 0
Báo trên dẫn nguồn tin từ Bắc Kinh cho hay, thông tin này sẽ sớm được công bố chính thức. Theo nguồn tin, giới chức Trung Quốc đã rất khó khăn khi đưa ra quyết định này, do lo ngại những hệ quả của nó có thể sẽ rất lớn, bởi trong nhiều thập niên qua, chưa hề có Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị nào dẫu là đương chức hay đã nghỉ hưu bị điều tra.

Ông Chu Vĩnh Khang sinh năm 1942, tốt nghiệp ngành hóa dầu. Ông bắt đầu sự nghiệp trong ngành dầu khí suốt 18 năm tại tỉnh Liêu Ninh. Sau đó, ông lần lượt kinh qua các chức vụ quan trọng như Thứ trưởng Bộ Dầu khí, Bộ trưởng Bộ Đất đai và Tài nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tứ Xuyên.

Từ 2002, ông Chu Vĩnh Khang chính thức đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc. Trong giai đoạn từ 2007 tới 2012, ông là Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc Trung Quốc, phụ trách Ủy ban Chính Pháp đầy quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc, trước khi chính thức nghỉ hưu vào hồi tháng 3 năm nay.

Ông Chu Vĩnh Khang được cho là một trong những chính trị gia quyền lực nhất tại Trung Quốc trong suốt thập kỷ qua - Ảnh: Reuters.
Ông Chu Vĩnh Khang được cho là một trong những chính trị gia quyền lực nhất tại Trung Quốc trong suốt thập kỷ qua - Ảnh: Reuters.

Ông Chu Vĩnh Khang được cho là một trong những chính trị gia quyền lực nhất tại Trung Quốc trong suốt thập kỷ qua. Tờ South China Morning Post hồi cuối tháng 8 cho biết, giới chức Trung Quốc đã thống nhất tiến hành điều tra tham nhũng đối với ông Chu. Theo tờ báo, giới chức Trung Quốc đã thống nhất về quyết định này từ hồi đầu tháng.

Thông tin này đưa ra chỉ vài ngày sau khi cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai phải hầu tòa vì bị buộc tội tham nhũng, tham ô công quỹ và lạm dụng quyền lực. Nhiều nguồn tin nói rằng, ông Chu Vĩnh Khang là đồng minh thân cận của ông Bạc, từng ủng hộ cựu Bí thư Trùng Khánh giành được một ghế trong ủy ban thường vụ bộ chính trị.

Tới ngày 1.10, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc bất ngờ xuất hiện với vẻ mặt tươi cười rạng rỡ khi tham dự buổi họp lớp đại học tại Bắc Kinh. Đây là lần xuất hiện đầu tiên của ông Chu Vĩnh Khang kể từ khi xuất hiện thông tin ông bị điều tra tội tham nhũng. Tuy nhiên, nụ cười của ông càng khiến dư luận hoài nghi.

Tiếp đến, hôm 21.10, cũng tờ South China Morning Post đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thành lập một đơn vị tối mật để điều tra những cáo buộc về tội tham nhũng đối với ông Chu Vĩnh Khang. Đơn vị này sẽ do ông Phó Chính Hoa, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc kiêm Giám đốc Sở Công an thành phố Bắc Kinh đứng đầu.

Giới quan sát cho rằng, việc điều tra nhằm vào vị chính khách 72 tuổi này sẽ tập trung vào tội danh tham nhũng trong thời gian ông này phụ trách ngành xăng dầu, làm Bí thư Tứ Xuyên và Bí thư Ủy ban Chính Pháp. Các nhà điều tra sẽ xem xét liệu ông Chu Vĩnh Khang và gia đình có trục lợi thông qua các mỏ dầu, giao dịch bất động sản hay không.

Tờ Kwong Wah Daily của Malaysia cho hay, ông Chu Bân, con trai ông Chu Vĩnh Khang, bị cho là lợi dụng ảnh hưởng của cha để kiếm lợi thông qua các hợp đồng làm ăn lớn, can thiệp vào các dự án dầu khí, hối lộ quan chức... Một số nguồn tin nói Chu Bân sở hữu nhiều tài sản lớn tại Trung Quốc cũng như ở nhiều nước như Pháp, Mỹ và Thụy Sĩ.

Ngoài ra, theo tài liệu do Wikileaks tiết lộ hồi năm 2009, các nhà chức trách Mỹ tin rằng, một nhóm người do ông Chu Vĩnh Khang và Chu Bân dẫn đầu đã kiểm soát ngành dầu khí của Trung Quốc trong suốt nhiều năm.

Khoảng hơn một chục doanh nhân và chính trị gia có liên quan đến cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang được cho là đã bị bắt giam trong những tháng gần đây, trong đó đáng chú ý có ông Tưởng Khiết Mẫn, cựu Tổng giám đốc của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản nhà nước.

Cũng trong ngày 21.10, tài khoản Twitter của Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) xuất hiện một tin nhắn cho biết, Trung Quốc tiến hành điều tra ông Chu Vĩnh Khang. Song, chỉ 2 giờ sau đó, CCTV đã xóa bỏ thông tin này và khẳng định rằng, một trong các tài khoản Twitter của nhà đài đã bị tấn công, nhưng không nêu thông tin chi tiết.

Trong một diễn biến khác, hãng tin Reuters hôm 2.12 dẫn thông cáo của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, nước này trong năm 2012 đã trừng phạt gần 20.000 công chức quan liêu. Tuy nhiên, ủy ban này không nêu cụ thể hình thức kỷ luật.
VnEconomy (Theo VnEconomy)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem