Trung Quốc bất lực trước virus H7N9?

Thứ tư, ngày 17/04/2013 18:13 PM (GMT+7)
Dân Việt - Tính đến ngày 17.4, giới chức Trung Quốc cho biết đã có 77 ca nhiễm H7N9, trong đó 16 ca bệnh đã tử vong. Đáng chú ý, một bé trai 4 tuổi ở Bắc Kinh nhiễm virus H7N9 mà không có triệu chứng.
Bình luận 0

Nhiễm bệnh không có triệu chứng

Theo dự báo của giới chức y tế Trung Quốc, các ca nhiễm virus H7N9 ở Trung Quốc sẽ còn tăng cao. Riêng trường hợp của bé trai 4 tuổi này, vì bệnh nhân không có biểu hiện nhiễm bệnh trước đó, cũng không có triệu chứng bệnh rõ ràng, nên sẽ khiến giới chức y tế gặp khó khăn hơn trong việc giám sát sự lây lan của virus.

Sở Y tế Bắc Kinh cho biết họ phát hiện bé trai trên nhiễm H7N9 sau khi lấy mẫu phẩm của một nhóm người có tiếp xúc gần gũi với ca nhiễm H7N9 đầu tiên ở Bắc Kinh là một bé gái 7 tuổi.

Mặc dù cho kết quả dương tính với virus cúm H7N9, bé trai này không hề có một dấu hiệu nào của bệnh. Điều này khiến các bác sĩ bối rối. Các quan chức địa phương cho biết cha mẹ bé làm nghề bán cá và gia cầm, hai người này không nhiễm H7N9.

 img
 Bé gái 7 tuổi – ca nhiễm virus H7N9 đầu tiên ở Bắc Kinh. Ảnh ChinaDaily

Giới chức làng Naidong, nơi bé trai sinh sống đang cố gắng không để tâm lý hoang mang của người dân làm ảnh hưởng đến các hoạt động khác. Hiện, khu vực ổ dịch trong làng đã được phun khử trùng, người dân được hướng dẫn cách phòng tránh bệnh và họ cũng đã thực hiện rất nghiêm túc như đeo khẩu trang khi giao tiếp.

WHO cũng cho biết, sẽ gửi 4 chuyên gia đến Trung Quốc trong những ngày tới để tìm hiểu và thẩm định về mức độ nghiêm trọng của dịch cúm gia cầm do virus H7N9 gây ra. WHO tiếp tục nhấn mạnh, trước mắt chưa có bằng chứng về khả năng lây nhiễm từ người sang người. Tuy nhiên WHO lo ngại virus H7N9 biến dạng và có thể truyền nhiễm từ người sang người.

Năm 2003 Trung Quốc từng bị tố cáo giấu nhẹm các thông tin liên quan đến virus gây viêm phổi cấp tính SARS làm hơn 800 người thiệt mạng trên thế giới. WHO nhận xét lần này Bắc Kinh có tiến bộ, chịu khó chia sẻ thông tin về virus cúm gia cầm H7N9 với các nhà khoa học quốc tế.

Bất lực?

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến chỉ trích sự chậm trễ của Trung Quốc trong việc ngăn chặn và dập dịch H7N9 lần này. Theo tổ chức Thú y thế giới có trụ sở tại Paris, Trung Quốc đang đối phó với một cuộc khủng hoảng y tế "khá bất thường". Giám đốc Tổ chức Thú y thế giới Bernard Vallet nhận định: “Theo thông tin có được thì chúng ta đang đối đầu với một tình trạng khá đặc biệt… với loại virus cúm rất yếu đối với gia cầm, nhưng có đủ khả năng gây bệnh nghiêm trọng cho người bị lây nhiễm”.

Báo cáo của Chính phủ Trung Quốc gửi Tổ chức Thú y thế giới viết: “Những con gà mà xét nghiệm cho kết quả dương tính với H7N9 và bị nghi ngờ truyền bệnh cho người bị nhiễm lại không có dấu hiệu bị bệnh".  Nói cách khác, không như virus H5N1 vừa giết gia cầm, vừa làm chết người bị nhiễm, thì H7N9 đang hoành hành tại bốn tỉnh Trung Quốc là Chiết Giang, Thượng Hải, Giang Tô và An Huy, chỉ làm chết người mà không chết gia cầm. Thông tin lạc quan duy nhất có thể trấn an dư luận đến từ WHO, đó là H7N9 không lây từ người sang người.

Giải pháp đối phó với virus cúm gia cầm chủng mới này là thuốc tiêm phòng, nhưng theo Tổ chức Thú y thế giới, từ nay cho đến khi nghiên cứu và chế tạo thuốc tiêm phòng mới tại Trung Quốc còn mất nhiều thời gian. Trung Quốc cam kết sẽ chế tạo được vaccine trong 7 tháng tới, nhưng vấn đề là vẫn còn mù mịt không rõ con vật thủ phạm nào đã mang virus lây bệnh cho gà, chim cút và bồ câu.

Trong khi đó, Harold Thibault - một nhà báo Pháp đang thường trú ở Thượng Hải cho rằng, ở Trung Quốc không ai tin vào con số nạn nhân do nhà nước công bố. Đã 3 tháng trôi qua kể từ ngày công bố bệnh nhân nhiễm virus H7N9 đầu tiên, tình hình diễn tiến bệnh ở Trung Quốc đang có chiều hướng xấu đi và không chỉ gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi gà ở nước này, mà còn khiến cho tâm lý người dân hoang mang.

Không khuyến cáo tiêm vaccine H7N9

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) nhận định, Việt Nam đang đứng trước thách thức chủng virus H7N9 từ Trung Quốc có thể lây sang Việt Nam, gây các nguy cơ cho sức khỏe con người, an ninh lương thực, kinh tế, và đa dạng sinh học.

Tại Việt Nam, FAO hiện đang hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó với mối đe dọa mới xuất hiện này. Việc này bao gồm tăng cường kiểm soát tại biên giới nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của gia cầm và virus; phân tích mẫu thu được từ các chương trình giám sát thường xuyên để phát hiện H7N9 và xây dựng chiến lược tăng cường giám sát động vật tại biên giới.

Với những thông tin tại thời điểm này, FAO không khuyến cáo Việt Nam trong việc tiêm phòng cho các loài động vật. Theo FAO, mặc dù có vaccine thương mại cho virus H7, vẫn cần phải có thêm nhiều thông tin hơn nữa mới xác định được hiệu quả của các loại vaccine đó trước chủng virus mới này.

FAO khuyến nghị, người dân Việt Nam cần tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại các trại chăn nuôi quy mô gia đình và các hộ chăn nuôi, những người buôn bán và chợ buôn bán gia cầm để góp phần giảm thiểu nguy cơ virus xâm nhập. FAO khuyến cáo phải nuôi tất cả các loài gia cầm và gia súc xa nơi con người sinh sống, đồng thời áp dụng các phương pháp thực hành an toàn sinh học và vệ sinh chuồng trại tốt trong tất cả các chuỗi thị trường gia cầm và động vật khác.

Việc giám sát tích cực và báo cáo minh bạch về các trường hợp gia cầm ốm nhẹ hay chết với cơ quan thú y địa phương để lấy mẫu là việc làm vô cùng quan trọng giúp nâng cao khả năng phát hiện ra sự hiện diện của H7N9 tại Việt Nam, FAO nhận định.

Ngoài ra, FAO cũng khuyến cáo người dân nấu chín những thức ăn được chế biến từ gia cầm và không ăn thịt động vật nhiễm bệnh, hoặc chết do nhiễm bệnh.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem