Trung Quốc bất ngờ có một quyết định vào dịp Tết, Việt Nam lo bán triệu tấn trái cây
Trung Quốc bất ngờ có một quyết định vào dịp Tết, Việt Nam lo bán triệu tấn trái cây
K.Nguyên
Thứ bảy, ngày 04/12/2021 18:36 PM (GMT+7)
Theo thông tin của đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc có thể ngừng nhập khẩu ít nhất 6 tuần trong dịp Tết Nguyên đán, nguy cơ gia tăng tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trung Quốc xem xét nhập khẩu chanh leo Việt Nam vào năm 2022
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu rau quả vẫn có sự tăng trưởng ngoạn mục, dù tác động của dịch Covid-19 là không nhỏ, trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của trái cây Việt Nam.
Ước tính, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 11/2021 đạt 260 triệu USD, tăng 7,7% so với tháng 10/2021.
Trong 11 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 3,25 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ tính riêng tại thị trường Trung Quốc, trong 10 tháng năm 2021, hàng rau quả xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chiếm 54,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.
Tại Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu cây ăn trái do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) tổ chức sáng 4/12, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, nếu không do dịch Covid -19, phía Trung Quốc đã sang phối hợp kiểm tra về vùng trồng khoai lang và sầu riêng.
"Dự kiến cuối năm nay hoặc sang năm 2022, Trung Quốc sẽ áp dụng phương pháp kiểm tra trực tuyến với các loại nông sản trên. Năm 2022, Trung Quốc cũng có thể sẽ xem xét nhập khẩu chanh leo Việt Nam”, ông Thiệt nói.
Trước những thay đổi của thị trường Trung Quốc, ông Thiệt cho biết, muốn xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, New Zealand hay sang thị trường Trung Quốc đều cần mã số vùng trồng, đóng gói.
"Các thị trường hiện không cần đơn vị sản xuất áp dụng VietGAP, GlobalGAP mà yêu cầu kiểm soát mã số, và khi đóng gói xuất khẩu thì không có tồn dư những loại thuốc bảo vệ thực vật không được phép, hoặc vượt quá hạn định” - ông Thiệt nhấn mạnh.
Dù việc xây dựng mã số vùng trồng rất quan trọng nhưng theo bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng giám đốc Công ty Chánh Thu nêu một thực tế, thời gian qua, Công ty Chánh Thu làm mã số vùng trồng cho quả sầu riêng nhưng nhiều địa phương tỏ ra thờ ơ, mặc kệ nông dân làm việc với doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp có thể kết nối, thu mua, tiêu thụ nhưng việc định hướng sản xuất phải có sự tham gia của các địa phương. Nếu thay đổi được điều này thì xuất khẩu mới có thể khởi sắc hơn trong thời gian tới”, bà Tường Vy nhấn mạnh.
Với Trung Quốc, bà Vy nhận định thị trường này đang thay đổi rất nhiều về vấn đề nhập khẩu và đây là bước đệm để ngành nông nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp thay đổi tư duy trong sản xuất và kinh doanh nông sản.
Trung Quốc siết hàng rào kỹ thuật, lo tiêu thụ 1,7 triệu tấn trái cây
Tại Diễn đàn này, thông tin của Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên gây chú ý.
“Theo thông tin của chúng tôi, Trung Quốc dự định sẽ ngừng nhập khẩu ít nhất 6 tuần trong dịp Tết Nguyên đán, điều này có thể làm gia tăng tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Đặng Phúc Nguyên thông tin.
Từ thực tế này, ông Nguyên bày tỏ mong muốn đẩy mạnh tỷ lệ tiêu thụ nội địa trong thời gian tới.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), tính đến cuối năm, sản lượng trái cây có thể là 700.000 tấn. Nếu tính đến Tết thì là hơn 1,7 triệu tấn. Đây là con số cần phải tính toán để tiêu thụ.
Để tiêu thụ thuận lợi sản lượng lớn trái cây, ông Tùng cho rằng cần sản xuất theo tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, mở ra chuỗi cửa hàng, đồng hành với hợp tác xã, bà con nông dân trong tiêu thụ trái cây.
Các cơ quan chuyên môm, cơ quan quản lý địa phương đồng hành, sát cánh cùng nông dân trong việc truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.