Từ năm 2008 cho đến nay, cứ mỗi giờ, Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh lại phổ biến qua tài khoản Twitter (@BeijingAir), về chất lượng không khí của thủ đô có 20 triệu dân sống chen chúc với 5 triệu chiếc xe lớn nhỏ lưu thông.
Có những thông tin đánh giá không khí ở Bắc Kinh theo tiêu chuẩn của Mỹ như: “Tệ hại, đối với nhóm những người nhạy cảm (nếu phơi ra ngoài trời trong 24 giờ ở mức độ này)”.
|
Người dân Bắc Kinh thường xuyên phải hít bụi dày đặc trong không khí. |
Chỉ số chất lượng không khí ở Bắc Kinh của Đại sứ quán Mỹ đưa ra ngày càng được cư dân Trung Quốc tham khảo nhiều hơn. Lãnh sự quán Mỹ ở Quảng Đông cũng bắt đầu công bố những thông tin như vậy từ năm 2011, tiếp theo đó là Lãnh sự quán Mỹ ở Thượng Hải từ tháng 5.2012. Cư dân mạng Trung Quốc cũng thể hiện nhu cầu cần phải biết những thông tin đáng tin cậy về không khí mà họ đang thở.
Những thông tin mà Đại sứ quán Mỹ đưa ra về không khí ở Bắc Kinh luôn ở mức báo động, khiến Sở Bảo vệ Môi trường Bắc Kinh tuyên bố họ sẽ khai tử 1.200 cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở mức cao, bao gồm các nhà máy hóa chất, xưởng đóng đồ nội thất, xưởng đúc kim loại, trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2015.
Tuy nhiên, nhà chức trách Trung Quốc cho rằng, việc công bố rộng rãi những thông tin như vậy là hành động can thiệp việc nội bộ không thể chấp nhận.
Tuần trước, nhân Ngày Môi trường thế giới, Thứ trưởng phụ trách vấn đề bảo vệ môi trường Wu Xiaoqing đã kêu gọi các chính phủ nước ngoài (không chỉ đích danh Mỹ), hãy chấm dứt việc loan tải các dữ liệu về không khí ở Trung Quốc. Ông Wu cho rằng, tiêu chí đánh giá này là “không phù hợp với tiêu chuẩn” và điều này vi phạm “tinh thần Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao và lãnh sự”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cũng cho rằng, nếu các đại sứ quán muốn thu thập các dữ liệu dùng cho các nhân viên của mình thì “đó là chuyện riêng của họ”. Ông Dân nói thêm rằng: “Loại thông tin này không nên loan báo rộng rãi cho công chúng”.
Tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc cũng khẳng định, mọi người Trung Quốc đều muốn “sống dưới bầu trời xanh mây trắng, nhưng Trung Quốc không thể vượt lên trên thực tế và áp dụng ngay tiêu chí của các nước phát triển về môi trường.
Trọng Vũ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.