Trung Quốc, Đài Loan hội đàm lịch sử

Thứ tư, ngày 12/02/2014 07:06 AM (GMT+7)
Lần đầu tiên kể từ năm 1949, Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan đã có cuộc hội đàm cấp cao đánh dấu bước ngoặt lịch sử với nỗ lực thúc đẩy quan hệ đôi bên.
Bình luận 0
Theo Tân Hoa xã, ngày 11.2, tại TP.Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, phái đoàn cấp cao của Trung Quốc đại lục và chính quyền Đài Loan đã tiến hành hội đàm chính thức, thúc đẩy quan hệ hai bờ eo biển.

Ông Wang Yu-chi (trái) đến Nam Kinh ngày 11.2 .
Ông Wang Yu-chi (trái) đến Nam Kinh ngày 11.2 .

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề đại lục của Đài Loan là Wang Yu-chi đã gặp Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc Zhang Zhijun. Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa hai bên kể từ năm 1949 và được xem là kết quả của nhiều năm nỗ lực nhằm thúc đẩy quan hệ hai bờ. Người phát ngôn Ủy ban các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc Ma Xiaoguang khẳng định, trong vài năm gần đây, tình hình chính trị hai bờ ổn định, thúc đẩy quan hệ là nhiệm vụ quan trọng của cả hai bên. Cuộc hội đàm lần này được kỳ vọng sẽ là bước đột phá. Nhà lãnh đạo chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu cũng đã hoan nghênh cuộc hội đàm, coi đây là một biểu trưng cho tiến triển tích cực trong quan hệ Đài Loan với Trung Quốc Đại lục.

Phát biểu trước khi lên đường, ông Wang Yu-chi nói: “Chuyến thăm không dễ gì diễn ra. Đây là kết quả của nhiều nỗ lực giữa hai bên trong nhiều năm”. Hai bên không thông báo chương trình nghị sự chính thức của cuộc gặp. Ông Vương cho biết thêm, ông sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận nào và “mục đích chính của chuyến thăm là nhằm góp phần tạo điều kiện cho việc xây dựng niềm tin”. Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan được cải thiện đáng kể từ khi ông Mã Anh Cửu được bầu làm lãnh đạo hòn đảo vào năm 2008. Mặc dù được đánh giá là mang tính lịch sử, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng cuộc hội đàm lần này chỉ mang tính biểu tượng và xây dựng lòng tin.

Giới chuyên gia cũng bình luận, không nên quá kỳ vọng vào kết quả cuộc hội đàm lần này, bởi hai bên cần có thêm nhiều thời gian để có thể đi đến thống nhất.

Trước ngày diễn ra cuộc đàm phán lịch sử này, Bắc Kinh đã từ chối cấp phép cho hai cơ quan báo chí là tờ Apple Daily, trụ sở tại Đài Loan và Đài phát thanh Á châu Tự do do Chính phủ Mỹ cung cấp tài chính, vào đưa tin sự kiện. Quyết định của Bắc Kinh ngay lập tức bị các Hiệp hội Nhà báo tại Đài Loan phản đối gay gắt, coi đó như là một hành động xâm phạm quyền tự do báo chí. Liên đoàn quốc tế các nhà báo yêu cầu chính quyền Đài Loan và Chính phủ Trung Quốc nhân cuộc gặp lần này hãy ký “thỏa thuận bảo đảm tự do thông tin” và Bắc Kinh phải từ bỏ ngay việc sử dụng giấy phép nhập cảnh hay giấy phép tác nghiệp báo chí.

Quang Minh (tổng hợp) (Quang Minh (tổng hợp))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem