Động thái này diễn ra vào lúc Trung Quốc đang thực hiện hai cuộc tập trận khác : Một cuộc tập trận bắn đạn thật ở vịnh Bắc Bộ, gần Việt Nam và một cuộc khác ở eo biển Bột Hải. Cả hai cuộc tập trận này sẽ kết thúc vào ngày 1.8 tới.
Lính Trung Quốc tham gia cuộc tập trận, ngày 22.7.2014.
Tân Kinh báo trích lời ông Trương Quân Xã (Zhang Junshe), thuộc Viện nghiên cứu Hải quân Trung Quốc rằng, cuộc tập trận bắt đầu vào ngày mai có quy mô lớn hơn các cuộc tập trận trước đây và trùng hợp với thời điểm quân đội Trung Quốc tổ chức các hoạt động tập trận hàng năm.
Theo nhận định của hãng tin Bloomberg Businessweek, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chú trọng phát triển hải quân và sử dụng lực lượng này để hung hăng xác quyết các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ trong khu vực. Tại Biển Hoa Đông, tàu Trung Quốc và Nhật Bản thường xuyên rượt đuổi nhau trong vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa hai.
Trong khi đó, vụ Trung Quốc đặt giàn khoan dầu trái phép trong vùng biển của Việt Nam, làm dư luận thế giới phẫn nộ.
Giáo sư Suh Jin Young, chuyên gia về Trung Quốc thuộc đại học Seoul, Hàn Quốc nhận định, cách thức hành xử của Trung Quốc "cho thấy Trung Quốc đang làm gia tăng các căng thẳng quân sự". Thế nhưng, "trong con mắt của Trung Quốc, thì Mỹ và Nhật Bản đã gây ra các căng thẳng và Trung Quốc nghĩ rằng họ chỉ tiến hành việc mà họ vẫn làm hàng năm".
Các cuộc tập trận của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông đã ảnh hưởng đến các hoạt động của chính các hãng hàng không nước này. China Southern Airlines hôm nay cho biết các chuyến bay sang phía đông Trung Quốc có thể bị đình hoãn do các "hoạt động đặc biệt". Tuần trước, hãng này đã phải hủy bỏ một phần tư các chuyến bay ở hơn một chục sân bay, kể cả ở Thượng Hải, do "cường độ tập trận cao".
Theo Tân Hoa Xã, các hãng hàng không phải giảm hoặc đình hoãn các chuyến bay sau khi quân đội Trung Quốc bắt đầu các cuộc tập trận bắn đạn thật trong vòng ba tháng tại sáu quân khu, bao gồm cả không phận Thượng Hải.
(Theo Rfi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.