Giàn khoan Hải Dương 981 vẫn còn nằm trong thềm lục địa Việt Nam.
Trung Quốc tiếp tục dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981
Cục hải sự Trung Quốc ngày 27.5 cho biết giàn khoan Hải Dương 981 bắt đầu được dịch chuyển từ tọa độ 15-29.58 độ vĩ bắc và 111-12.06 độ kinh đông đến tọa độ 15-33.38 độ vĩ bắc và 111-34.62 độ kinh đông, ở khu vực gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào khoảng 10h sáng cùng ngày.
Tân Hoa xã dẫn thông báo số 14040 và 14037 do Cục hải sự Trung Quốc ban hành cho biết giàn khoan Hải Dương 981 đã được hai tàu Hải Dương 612 và 613 lai dắt với tốc độ dịch chuyển 5 hải lý/giờ và đã dịch chuyển được khoảng 114m so với vị trí ban đầu.
Hiện nay, giàn khoan Hải Dương 981 đã ở cách đảo Tri Tôn khoảng 25 hải lý về phía đông nam.
Cục hải sự Trung Quốc cho biết giàn khoan này đã hoàn tất giai đoạn một khoan thăm dò dầu khí ở vùng biển trên. Ngày 27.5, giàn khoan sẽ bắt đầu khoan thăm dò giai đoạn hai.
Cục hải sự Trung Quốc còn ngang ngược cảnh báo gần đây có va chạm giữa các tàu thương mại và tàu cá trong khu vực này nên các tàu thuyền trong khu vực lân cận phải cẩn trọng quan sát khi qua khu vực có giàn khoan Hải Dương 981.
Trước đó, ngày 25.5 lực lượng Kiểm ngư Việt Nam phát hiện giàn khoan Hải Dương 981 đã dịch chuyển khoảng 100m về phía bắc.
Đâm chìm tàu cá Việt Nam là hành động khủng bố
Bên lề buổi họp tổ sáng 27.5, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu quan điểm về vụ việc tàu cá của ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm chiều 26.5.
"Rõ ràng phía Trung Quốc đã mở rộng phạm vi bảo vệ giàn khoan. Khi thấy Việt Nam áp sát bằng tàu cá, họ muốn làm cho căng thẳng. Đầu tiên va chạm ở mức độ vừa phải, sau đó làm căng để ngư dân sợ.
Vụ việc tàu cá Đà Nẵng bị đâm chìm chiều 26.5 chúng ta đã có tiếng nói đấu tranh ngoại giao phản đối, không để yên.
Chưa biết tàu Trung Quốc có phải là tàu cá hay không nhưng đi bảo vệ giàn khoan rồi đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam thì thấp nhất có thể gọi là khủng bố", theo ông Sơn.
"Từ trước tới nay chúng ta vẫn yêu cầu cầu bồi thường. Lúc nào họ chưa bồi thường thì Việt Nam vẫn còn tiếp tục yêu cầu. Hiện chưa có trọng tài nào xử việc đụng độ trên biển. Trước mắt chúng ta phản đối việc họ cố tình đâm chìm. Anh đâm tàu người ta trong nhà người ta anh phải bồi thường", ông Sơn nói thêm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương.
Trung Quốc trắng trợn vu khống Việt Nam
Trong khi đó, Tân Hoa xã ngày 27.5 lại trắng trợn đưa tin cho rằng một tàu cá Việt Nam bị lật ở biển Đông vào hôm 26.5 sau khi "quấy rối và đâm vào" một tàu cá Trung Quốc.
"Thủy thủ trên tàu cá Việt Nam đã được cứu sau khi chiếc tàu này xô đẩy một tàu đánh cá đến từ huyện Đông Phương thuộc tỉnh đảo Hải Nam (Trung Quốc) và bị lật gần quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam theo cách gọi của Trung Quốc)", Tân Hoa xã dẫn lời một nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc nói.
Tân Hoa xã còn khẳng định chính phủ Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối chính thức đến chính phủ Việt Nam về vụ việc này
Thông tin từ phía Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với những gì đã xảy ra vào lúc 16h hôm 26.5, tàu cá của Trung Quốc số 11209 đã đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng ở nam tây nam giàn khoan Hải Dương-981 và cách giàn khoan này 17 hải lý, là ngư trường truyền thống, thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
10/10 ngư dân ta được các tàu ta vớt và cứu hộ an toàn. Ở thời điểm xảy ra sự việc, có 40 tàu cá Trung Quốc ngang ngược bao vây nhóm tàu cá ta.
Không những thế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương hôm 26.5 còn trắng trợn tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa.
Tần Cương chối bỏ thực tế Bắc Kinh dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 và nói rằng Trung Quốc đã sở hữu Hoàng Sa từ nhiều thế kỷ trước.
Lập luận duy nhất mà Tần Cương đưa ra là Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, bất chấp thực tế Việt Nam đã nêu rõ văn bản ngoại giao này không hề nhắc tới Hoàng Sa, Trường Sa.
Trong cuộc họp báo được tổ chức ở Bắc Kinh, ông Tần Cương lập luận hàm hồ rằng Trung Quốc sở hữu quần đảo Hoàng Sa vào thời Hán, khoảng thế kỷ thứ hai trước Công nguyên
Tần Cương thậm chí trâng tráo nói rằng 'uy tín Việt Nam đang xuống rất thấp, bởi nước này thường hành động đi ngược lời nói'.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc cố ý bôi nhọ Việt Nam. Trong các sự việc liên quan ở giàn khoan trái phép Hải Dương 981, nước này còn vu khống Việt Nam đưa tàu quân sự ra gây hấn với các tàu dân sự của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, hàng loạt các hãng thông tấn uy tín thế giới đều cho biết, Trung Quốc hành xử ngang ngược, dùng tàu quân sự đe dọa, xua tàu công vụ bắn súng phun nước, xịt vòi rồng uy hiếp tàu chấp pháp Việt Nam.
Tất cả các tuyên bố chủ quyền biển đảo của Trung Quốc hiện gói gọn quanh đường 9 đoạn (đường lưỡi bò), mở rộng ra hơn 1.000 hải lý, bắt đầu từ các bờ biển của Quảng Đông và đảo Hải Nam, kéo dài tới gần Borneo, quần đảo chung của Malaysia, Indonesia và Brunei; bao gồm gần như toàn bộ vùng biển nằm giữa Việt Nam và Philippines.
Tuyên bố chủ quyền này chiếm hơn 90% diện tích biển, dù Trung Quốc (gồm cả hòn đảo Đài Loan) chỉ chiếm có hơn 20% đường bờ biển.
Chính vì đòi hỏi vô lý này, Trung Quốc luôn khăng khăng đòi đàm phán song phương chứ không đàm phán đa phương về vấn đề Biển Đông.
Báo Đất Việt (Theo Báo Đất Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.