Trung Quốc mua đến 99,78% hỗn hợp cao su tự nhiên của Việt Nam để làm gì?

K.Nguyên Thứ năm, ngày 15/12/2022 18:24 PM (GMT+7)
99,78% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bình luận 0

Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc tăng

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn nguồn của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 11/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 240.000 tấn, trị giá 328 triệu USD, tăng 7,3% về lượng và tăng 4,6% về trị giá so với tháng 10/2022. 

Lũy kế 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 1,86 triệu tấn, trị giá 2,93 tỷ USD, tăng 9,1% về lượng và tăng 3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong 10 tháng năm 2022, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), Latex, SVR 3L, SVR 10, SVR CV60, RSS3… 

Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 58% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 940.280 tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, tăng 1,6% về lượng, nhưng giảm 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,78% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, đạt 938.200 tấn, trị giá 1,51 tỷ USD, tăng 2% về lượng và tăng 0,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Về giá xuất khẩu, trong 10 tháng năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hầu hết các chủng loại cao su đều trong xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Trung Quốc mua gần như 100% hỗn hợp cao su tự nhiên của Việt Nam để làm gì?  - Ảnh 1.

99,78% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước được xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: CTV.

Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 10 tháng năm 2022, trị giá nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt 10,71 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc. 

Trong 10 tháng năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,81 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021. 

Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 10 tháng năm 2022 chiếm 16,9%, cao hơn so với mức 16,7% của 10 tháng năm 2021.

Giá mủ cao su trong nước biến động nhẹ

Trong tháng 11/2022, thị trường toàn cầu lo ngại về nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc sau khi số ca nhiễm Covid-19 ở nước này tăng cao kỷ lục và hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng do phải thực hiện các biện pháp ứng phó với dịch bệnh.

Trong khi đó, tình trạng dư cung cao su tự nhiên cũng là yếu tố tác động đến xu hướng giá. Tuy nhiên, giá cao su tại Trung Quốc vẫn được hỗ trợ khi ngân hàng trung ương Trung Quốc tái khẳng định sẽ có chính sách mạnh hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong tháng 11/2022, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước biến động nhẹ. Cuối tháng 11/2022, tại Bình Phước, mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức 262-272 đồng/độ mủ, giảm 8 đồng/độ mủ so với cuối tháng 10/2022. 

Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa được giữ ở mức 271-275 đồng/độ mủ, ổn định so với cuối tháng 10/2022. Tại Gia Lai, mủ cao su được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 230-240 đồng/TSC, ổn định so với cuối tháng 10/2022.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem