Cảnh tượng ở thành phố Trịnh Châu sau trận mưa lũ "ngàn năm có một".
Tính hết ngày 21,7, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ghi nhận ít nhất 25 trường hợp tử vong vì mưa lũ lịch sử. Một số kênh truyền thông nước ngoài đưa tin rằng rủi ro lũ lụt gia tăng ở Trung Quốc vì sự xuất hiện của hàng loạt đập giữ nước và đê kè.
Những con đập này được cho là đã “chia cắt sự kết nối giữa các con sông và hồ lân cận, để có thể hấp thụ nước dâng vào mùa hè”.
Các chuyên gia nói trên tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng, việc xây đập và lũ lụt ngày càng tồi tệ hơn xảy ra là “không có liên quan đến nhau”, đặc biệt trong trường hợp vừa xảy ra ở Hà Nam.
Các kênh truyền thông nước ngoài đang phóng đại vấn đề, vì trên thực tế, việc xây dựng các đập và hồ chứa sẽ tăng cường khả năng phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai trong khu vực, Fu Zhongfu, giáo sư Bảo tồn nguồn nước và Kỹ thuật thủy điện tại Đại học Hehai, nói.
“Không nên đổ lỗi cho những con đập trong các thảm họa thiên nhiên hiếm gặp”, ông Fu nói.
Thành phố Trịnh Châu chìm trong nước ngày 20.7.
Các chuyên gia nói có nhiều nguyên nhân xảy ra lũ lụt, ví dụ như địa hình (Hà Nam là vùng thấp), và tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất các hệ thống thoát nước hiện nay ở Trung Quốc không được thiết kế cho những trận mưa như trút nước trong thời tiết khắc nghiệt.
Ma Jun, Giám đốc Viện Các vấn đề Công cộng và Môi trường ở Bắc Kinh, nói việc xây dựng các con đập sẽ có một số tác động đến sinh thái ở vùng ngập lũ, nhưng không liên quan trực tiếp đến lũ lụt.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, trận mưa lũ “ngàn năm có một” xảy ra quá đột ngột nên các hệ thống hồ chứa và đập không kịp phản ứng. Ngoài ra, ông Fu nói đập còn có nhiều công dụng khác như tạo ra điện, thúc đẩy du lịch và thủy lợi.
Con đập bị vỡ ở Lạc Dương ngày 21.7 có thể là đập cũ bằng đất, được xây từ những năm 1950-1970. Mặc dù được gia cố và bảo trì, con đập này bị vỡ do nước dâng cao vượt quá ngưỡng an toàn là điều khó tránh khỏi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.