"Chốt năm", sầu riêng tăng giá kỷ lục, loại sầu riêng ngon nức tiếng này vượt mức giá hơn 200.000 đồng/kg

Nguyễn Phương Thứ ba, ngày 31/12/2024 05:55 AM (GMT+7)
Giá sầu riêng ở các tỉnh miền Tây tăng hơn 50.000 đồng/kg, mức tăng kỷ lục trong những ngày cuối năm, đẩy giá sầu riêng Monthong lên mức hơn 200.000 đồng/kg.
Bình luận 0

Vì sao giá sầu riêng tăng kỷ lục dịp cuối năm? 

Khảo sát các đơn vị báo giá thu mua sầu riêng xuất khẩu tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày 30/12 cho thấy giá sầu riêng Monthong đã vượt mốc 200.000 đồng/kg, lên mức 202.000 - 205.000 đồng/kg.

Sầu riêng Monthong loại A (cơm vàng, bột, đủ độ ngọt, 2.7 hộc, có trọng lượng từ 1,8 - 5,2 kg) giá thu mua 205.000 đồng/kg, hàng loại B (2.5 hộc, từ 1,6 - 5,7 kg) 185.000 đồng/kg. Với Ri6, giá thu mua loại A cũng đạt mức 127.000 đồng/kg, loại B từ 105.000 - 107.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá sầu riêng Ri6 và Thái duy trì ổn định đối với cả loại mua xô và loại đẹp. Cụ thể, giá sầu Ri6 mua xô đang dao động trong khoảng 60.000 - 80.000 đồng/kg, còn sầu Thái mua xô đạt 70.000 - 80.000 đồng.

Sầu Ri6 loại đẹp đang được thu mua ở 140.000 - 144.000 đồng/kg, trong khi sầu Thái đẹp có giá cao hơn khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg.

Sầu riêng tăng giá kỷ lục, vượt mức 200.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Giá sầu riêng tăng cao do nhu cầu xuất khẩu tăng cao.

Sầu riêng tăng giá kỷ lục, vượt mức 200.000 đồng/kg - Ảnh 2.

Giá sầu riêng tăng cao do nhu cầu xuất khẩu tăng cao.

Giá sầu riêng tăng cao do nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Hiệp hội rau quả Việt Nam (VinaFruit), cho biết giá sầu riêng đang tăng cao như hiện nay là để đáp ứng nhu cầu cho Tết âm lịch của Trung Quốc.

Ngoài ra, hiện sản lượng sầu riêng trái vụ ở các tỉnh miền Tây cũng không còn nhiều trong khi các tỉnh khác như Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng… không có sầu riêng trái vụ để bán, điều này cũng tác động đến giá thu mua sầu riêng xuất khẩu. Ngay cả thị trường quốc tế, hiện chỉ có Việt Nam có sầu riêng trái vụ xuất khẩu.

Các chuyên gia lưu ý, nhu cầu xuất khẩu đang cao, các đơn vị xuất khẩu phải đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc và tính an toàn thực phẩm đối với quả như test tồn dư thuốc bảo vệ sinh vật… để tránh bị trả hàng, ảnh hưởng tới thương hiệu sầu riêng trong nước.

Cho đến nay thị trường Trung Quốc tiêu thụ hơn 90% sản lượng sầu riêng toàn cầu. Từ 2018 đến nay, nhập khẩu sầu riêng vào Trung Quốc đã tăng từ 430.000 tấn (trị giá 1,1 tỷ USD) lên 1,38 triệu tấn (trị giá 6,2 tỷ USD) chỉ trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay.

Người dân Trung Quốc rất chuộng sầu riêng nhưng trong nước mới trồng thử nghiệm tại đảo Hải Nam chưa thành công nên phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, chủ yếu đến từ các nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Việt Nam, Malaysia…

Trong quý III, Việt Nam xuất khẩu sầu riêng trị giá 1,342 tỷ USD sang Trung Quốc, vượt xa con số 878,95 triệu USD của Thái Lan.

Tháng 10, Việt Nam xuất khẩu 332,79 triệu USD, so với 132,37 triệu USD của Thái Lan.

Tháng 11, Việt Nam xuất khẩu 82,85 triệu USD, trong khi Thái Lan chỉ đạt 65,21 triệu USD.

Theo dự báo của Vinafruit, giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sẽ đạt 4 tỷ USD vào năm tới, trong đó tới 90% dành cho thị trường Trung Quốc.

Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, trong 10 tháng đầu năm nay, nước này đã nhập khẩu gần 1,5 triệu tấn sầu riêng, với tổng trị giá gần 6,7 tỷ USD.

Việt Nam đang sản xuất gần 1,2 triệu tấn sầu riêng mỗi năm trên tổng diện tích canh tác 154.000 ha khắp cả nước và sản lượng này được dự báo tăng trưởng 15% mỗi năm.

Theo VinaFruit, hiện có một số đối tượng đã gian lận, sao chép trái phép mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng thông qua các hình thức hợp đồng ủy quyền, sử dụng mã số với các con dấu tự chế, chữ ký giả... để qua mặt các cơ quan chức năng thông quan lô sầu riêng sang Trung Quốc.

Hành vi vi phạm nghiêm trọng này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành sầu riêng Việt Nam, làm mất niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc và quốc tế mà còn gây thiệt hại lớn cho những nhà sản xuất, xuất khẩu sầu riêng chân chính.

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của sầu riêng Việt Nam, chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo thống kê, tính đến tháng 11/2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 3,13 tỷ USD sầu riêng, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sầu riêng đạt 3,2 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ. Năm 2025, dự kiến xuất khẩu tiếp tục bứt phá khi Trung Quốc mở cửa cho các sản phẩm chế biến từ sầu riêng như cơm và sầu riêng xay nhuyễn, tạo giá trị gia tăng cao hơn so với sản phẩm tươi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem