Trung tá, Đạo diễn Đặng Thái Huyền: “Tim tôi như thắt lại mỗi khi nghĩ đến gia đình"
Trung tá, Đạo diễn Đặng Thái Huyền: “Tim tôi như thắt lại mỗi khi nghĩ đến sự hy sinh của gia đình”
Hà Tùng Long
Thứ năm, ngày 22/12/2022 08:00 AM (GMT+7)
"Công việc vất vả, xa nhà thường xuyên là đặc thù và khi xác định lựa chọn, dấn thân tôi chưa bao giờ thấy nản lòng. Nhưng khi nghĩ tới gia đình là tim tôi như thắt lại", đạo diễn Đặng Thái Huyền tâm sự.
Trung tá, Đạo diễn Đặng Thái Huyền – Phó giám đốc Điện ảnh Quân đội được xem là "của hiếm" trong làng điện ảnh Việt Nam. Chị từng ghi dấu ấn với hàng loạt phim về người lính và thời hậu chiến như: "Mười ba bến nước", "Mắt biển", "Người trở về", "Đêm vùng biên"… trong vai trò đạo diễn.
Nhìn bên ngoài, Đặng Thái Huyền có sự mạnh mẽ, quyết liệt và dứt khoát của người lính nhưng bên trong chị lại hết sức mềm mại và nữ tính. Tính nữ đó được thể hiện rất rõ qua số phận của những người phụ nữ thời hậu chiến trong những thước phim về chiến tranh. Ở đó, tính nữ được thể hiện một cách đầy đặn và ám ảnh đến nỗi không phải là Đặng Thái Huyền thì khó ai có thể làm được.
Sự mềm mại và nữ tính phía sau màu áo lính của Đặng Thái Huyền còn thể hiện ở những phút chạnh lòng khi nghĩ về gia đình, về chồng, về con… những người đã chịu nhiều thiệt thòi để làm hậu phương cho chị "xông pha" trên mặt trận nghệ thuật.
Nhân dịp ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12), Trung tá, Đạo diễn Đặng Thái Huyền đã có cuộc trò chuyện với Dân Việt.
Trong làng đạo diễn, Đặng Thái Huyền được xem là "của hiếm" khi vừa là người lính, vừa là người nghệ sĩ. Chị thường phải cân bằng sự nghiêm túc, chỉn chu của một cán bộ quân đội với sự mềm mại, uyển chuyển của người làm nghệ thuật như thế nào?
- Tôi không thấy mình phải cân bằng, hay đúng hơn là không cần quá cố gắng làm điều đó. Vì tôi trước giờ luôn rất nghiêm túc, chỉn chu, có phần hơi quyết liệt khi xử lý công việc. Và đó cũng là cách tôi vận hành cuộc sống của mình. Ngay cả khi tôi có trong quân đội hay không tôi cũng sẽ vẫn mang tính cách đó. Và tất nhiên nó lại càng tách bạch với lĩnh vực mình được đào tạo. Tôi biết mình phải làm gì cho đúng việc, đúng vai ở vị trí mà mình đang đứng.
Nghĩa là chỉ khi ra phim trường chị mới thực sự thoát khỏi hình ảnh người lính và chỉ lúc đó chị mới thực sự là người nghệ sĩ?
- Trên phim trường tôi là một đạo diễn. Một ngày quay trôi qua là công sức của cả ê-kíp, là tiền của nhà sản xuất, là những mảnh ghép đang dần thành hình của tác phẩm. Tôi hay bất kỳ đồng nghiệp đạo diễn nào cũng thế thôi, ra tới bối cảnh là chỉ biết hết mình với cảnh quay. Và bạn biết đấy, đại diện nhà sản xuất luôn ngồi sau lưng chúng tôi (cười).
Theo chị, lợi thế của một đạo diễn nữ được làm việc trong môi trường quân đội như chị là gì?
- Lợi thế của bất kỳ ai được đào tạo trong môi trường quân đội đó là tính kỷ luật, nghiêm túc, làm việc có kế hoạch và đặc biệt là luôn đúng giờ. Các nhà sản xuất đã từng cộng tác với tôi đều biết điều đó.
Nhắc đến Đặng Thái Huyền là người ta thường nhắc đến những bộ phim về người lính, về đề tài hậu chiến. Chị thường làm phim về người lính trong tâm thế như thế nào?
- Đây là đề tài mà tôi thật sự tâm huyết và yêu thích. Thậm chí khi đi xem phim của đồng nghiệp tôi luôn tưởng tượng, hình dung nếu mình đang ở set quay đó mình sẽ làm gì, làm thế nào. Hoặc khi xem lại phim của mình tôi lại nghĩ nếu như sau này được sắp đặt lại tôi sẽ làm khác đi thế này hoặc thế khác. Tôi luôn như vậy. Kiểu như lúc nào cũng sẵn sàng để bắt tay vào việc. Chỉ là riêng với dòng phim mà mình yêu thích, tôi thường ít khi thỏa hiệp với nhà sản xuất về điều kiện thực hiện của dự án. Đó là lý do tôi đã bỏ lỡ một số dự án phim trong thời gian qua. Bởi lẽ tâm thế là sẵn sàng nhưng nếu mình thấy không có yếu tố cần thiết để hiện thực hóa nó một cách chỉn chu nhất thì nên dừng lại. Đó là cách tôi tôn trọng bản thân mình, tôn trọng chính dòng phim tôi theo đuổi.
Chị nhận thấy vẻ đẹp của người lính trong phim của chị thay đổi như thế nào theo trình tự thời gian?
- Vẻ đẹp của người lính trong phim của tôi luôn không thay đổi dù trước đây hay sau này. Đó là vẻ đẹp của những người nam nhi dám sống và dám hy sinh bản thân vì quê hương, đất nước, vì những người thương yêu. Vẻ đẹp đó toát ra trên gương mặt, trong ánh mắt. Ta hay gọi đó là khí chất, thần thái.
Khi chọn diễn viên trong phim của mình, đặc biệt là đóng vai người lính điều tôi quan tâm nhất không phải chuyện xấu đẹp mà là ánh mắt. Một ánh mắt đủ thuyết phục tôi về những mệnh đề tôi nêu trên. À, tất nhiên, nếu nhân dạng đẹp, nam tính nữa thì tuyệt rồi. Nhưng bạn biết đấy, một người lính nhìn gai góc, xù xì cũng có nét đẹp riêng.
Mới đây chị vừa làm phim truyền hình phát trên Netflix thuộc thể loại ngôn tình về người lính. Với chị, thể hiện hình tượng người lính trên truyền hình và trên điện ảnh khác nhau như thế nào?
- Họ vẫn phải có được khí chất mà tôi mong muốn. Dù là truyền hình hay điện ảnh. Nếu đã nói là hình tượng thì không phân biệt thể loại phim. Chỉ là hình tượng đó hiện lên như thế nào, bằng cách nào phụ thuộc vào câu chuyện phim mà tôi định kể.
Lý do vì sao chị đang ghi dấu ấn với những bộ phim truyện nhựa đậm chất tự sự về thời hậu chiến lại quay ngoắt sang làm phim ngôn tình?
- Sao lại là quay ngoắt, tôi đam mê không có nghĩa tôi chỉ làm duy nhất một thể loại phim. Đạo diễn nào cũng muốn tìm tòi, thể nghiệm các dòng phim khác nhau để làm mới cảm xúc và khai thác triệt để vốn liếng nghề nghiệp mà mình có. Tất nhiên với quỹ thời gian ít ỏi, khi nhận bất kỳ kịch bản nào tôi luôn tự hỏi bản thân "Mình có làm được điều gì hay ho, mới mẻ hơn những phim cùng thể loại mình đã làm trước đây không?". Nếu thấy không thể thì tôi không bao giờ liều lĩnh nhận. Trước đây vì còn trẻ còn ham công tiếc việc thì có thể nhưng giờ tôi chỉ nhận dự án nào vì tôi thích.
Chinh chiến với nghề cũng đã gần 20 năm, có thể loại phim nào, đề tài nào, hình tượng nào chị mong muốn thể hiện mà chưa có dịp?
- Đó là phim võ thuật. Tôi rất thích thậm chí đã được mời, không hẳn là phim võ thuật mà là có nhiều yếu tố võ thuật, nhưng sau đó, suy đi nghĩ lại tôi không dám nhận và gửi lại kịch bản. Tôi chưa dám mạo hiểm và chắc sẽ không dám mạo hiểm. Từ bé tôi được bố mẹ cho đi học karate, đến khi đánh nhau với bạn nhiều quá thì bố mẹ cho nghỉ vì sợ con gái mà nam tính quá không tốt. Trong các phim mình đã làm tôi cũng chỉ dám mon men gài vài đoạn đánh đấm, kiểu là cho mình thỏa đam mê thôi.
Năm nay chị có tên trong danh sách được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Chị đón nhận niềm vui này như thế nào?
- Tôi vui vì những cố gắng của mình được ghi nhận. Nhưng tôi biết quanh tôi, nhiều nghệ sỹ giỏi và tài năng hơn tôi vẫn đang miệt mài làm việc. Danh hiệu là vô cùng vào quý, nhưng không có nghĩa là thước đo cho sự cống hiến. Tôi vẫn sẽ theo đuổi đam mê của mình như trước nay vẫn từng, dù được hay không được nhận danh hiệu.
Ngoài danh hiệu chị cũng đảm nhận vai trò Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội. Chị có nghĩ làm quản lý thì mình sẽ ít đi cơ hội làm phim, ít đi cơ hội được quẫy mình với nghệ thuật?
- Đúng là quỹ thời gian của tôi eo hẹp hơn. Tôi thấy mình cần có trách nhiệm kèm cặp, dìu dắt, hoặc là chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp trẻ ở hãng cả về những điều tôi đã làm được hoặc chưa làm được. Vậy nên tôi không nhận nhiều dự án dài hơi như trước. Và như đã nói ở trên, tôi chỉ nhận những kịch bản mà tôi thật sự bị thuyết phục.
Nhìn bên ngoài, Đặng Thái Huyền mang nét mạnh mẽ và nghiêm nghị của cán bộ quân đội... nhưng bên trong chị lại là người rất ấm áp. Ảnh: FBNV.
Trên hành trình của mình, đã bao giờ chị cảm thấy có lỗi với gia đình khi không có nhiều thời gian dành cho họ và bởi họ đã hy sinh cho mình quá nhiều?
- Nếu nói không là nói dối. Không chỉ một mà còn nhiều lần nghĩ chứ. Vì suy cho cùng... ai cũng muốn nỗ lực phấn đấu, khẳng định bản thân, vị trí trong xã hội không phải chỉ cho mình đâu mà còn vì muốn gia đình được vui, được tự hào.
Nhưng nếu gia đình vì tôi mà chịu quá nhiều thiệt thòi thì tôi thấy rất khổ tâm. Công việc vất vả, xa nhà thường xuyên là đặc thù và khi xác định lựa chọn, dấn thân tôi chưa bao giờ thấy nản lòng. Nhưng khi nghĩ tới gia đình là tim tôi như thắt lại. Họ đã hy sinh cho tôi rất nhiều. Tuy nhiên, bạn biết đấy! Không có con đường nào trải đầy hoa hồng mà không có gai hết. Nếu đã lựa chọn dấn thân và bước đi thì phải chấp nhận những điều không trọn vẹn thôi.
Cảm ơn đạo diễn Đặng Thái Huyền đã chia sẻ thông tin!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.