Trung thu của cô bé suy phổi: “Em ước tự thở được”

Ong Lý Thứ sáu, ngày 25/09/2015 00:03 AM (GMT+7)
“Khoảng thời gian này năm ngoái em đang nằm viện. Trung thu năm nay có lẽ cũng vậy. Em chỉ mong mình rời được giường bệnh để về nhà cùng bà và và các em…”
Bình luận 0

Có mặt tại phòng 202, khoa Nội, Bệnh viện Phổi Hà Nội, hình ảnh một cô bé 16 tuổi nhưng nhỏ bé như đứa trẻ 10 tuổi khiến ai cũng phải xót xa. Chân tay cô bé chỉ còn da bọc xương, gương mặt xinh xắn, đôi mắt sáng long lanh nhưng lúc nào cũng đầy ưu phiền. Bị suy phổi nghiêm trọng, nên để duy trì sự sống cô bé này lúc nào cũng phải thở bằng bình ôxi.

img

Tuyết Nhi: “Em chỉ mong sao mình rời được chiếc giường bệnh này”

Đó chính là Nguyễn Tuyết Nhi (SN 1999, ở Ngọc Lâm, Gia Lâm, Hà Nội) - nhân vật cách đây không lâu được nhiều diễn đàn, trang cá nhân trên mạng xã hội kêu gọi chung tay cùng giúp đỡ. Cô bé mắc phải căn bệnh hiểm nghèo lại có hoàn cảnh khá khó khăn.

Hơn một tháng nằm viện, chăm sóc Tuyết Nhi là cô em gái 15 tuổi tên Hồng Ngọc.

Hỏi về mong muốn cho mùa Trung thu này, Tuyết Nhi buồn bã nói: “Em lớn rồi cũng không cần quà, cũng chẳng ước có bánh Trung thu. Em chỉ muốn thoát khỏi chiếc giường bệnh, được về cùng bà và các em”

Nghe nhắc đến Trung thu, ánh mắt Hồng Ngọc chợt sáng lên rồi hỏi dồn chị: “Ơ, sắp đến Trung thu rồi hả chị? Còn mấy ngày nữa nhỉ? Mà em cũng không biết Trung thu là ngày bao nhiêu nữa”.

Rồi Ngọc kể, hồi chị cả chưa bị bệnh, năm nào mấy chị em cũng cùng nhau đến phá cỗ Trung thu ở  khu phố.  Nhưng từ sau khi Tuyết Nhi ốm, ai cũng buồn bã chẳng muốn đi đâu. “Có lẽ năm nay cũng vậy, hai chị em quanh quẩn cùng bà chốc lát rồi cũng đi ngủ. Còn quà Trung thu, chắc các bác ở phường cũng sẽ phát cho chúng em”, Ngọc nói.

Chia sẻ về mong ước của mình, Ngọc nói: “Em cũng chỉ mong chị bình phục sức khỏe và được về nhà. Nhìn chị héo mòn trên giường bệnh, mấy chị em em buồn lắm. Mấy đứa em ở nhà thỉnh thoảng gọi điện hỏi chị bao giờ được về”.

img

Cả hai chị em đều buồn bã khi nhắc tới Trung thu

Năm Tuyết Nhi 10 tuổi, không rõ mâu thuẫn gì với cha, mẹ bỏ nhà đi biền biệt. Nhi trở thành “mẹ bất đắc dĩ” lo toan cho 3 đứa em. Vài năm sau, cha Nhi lâm bạo bệnh rồi mất. Mọi gánh nặng đổ dồn lên vai bà nội và cô chị cả.

“Mẹ bỏ đi từ khi mấy đứa em còn quá nhỏ. Có những lúc đứa này ngơ ngác hỏi mẹ đi đâu lâu thế; đứa kia khóc đòi mẹ về. Bây giờ chẳng còn đứa nào nhắc đến mẹ nữa, có lẽ cũng chẳng đứa nào nhớ mặt mẹ thế nào…  ”, Nhi quay mặt đi nói.

Từ một cô bé xinh xắn, hoạt bát, Nhi bỗng trở nên lầm lì, ít nói. Rồi Nhi phải nghỉ học, ở nhà phụ giúp bà lo cho đàn em. Nhưng bất hạnh chưa chịu buông tha cho cô bé. Vài tháng sau khi bố mất, Nhi không may bị ngã khiến chân sai khớp. Vì nghĩ vết thương không quá nghiêm trọng nên Nhi chỉ được điều trị ở nhà. Một thời gian sau, vết thương ở chân ngày càng nặng hơn. Cô bé phải đi cấp cứu vì tràn dịch từ đầu gối xuống lòng bàn chân, gây sưng phù. Từ đó, đôi chân của Nhi không thể đi lại được.

Chưa hết, thời gian sau đó, Nhi liên tục cảm thấy khó thở kèm theo những cơn ho dai dẳng. Đến bệnh viện khám, ai cũng sững sờ khi bác sĩ thông báo em mắc chứng suy phổi. Một bên phổi hỏng hoàn toàn, còn một bên đang bị tổn thương nghiêm trọng. Hằng ngày, em phải hỗ trợ thở bằng bình oxi để duy trì sự sống.

Cuộc sống của 4 chị em hiện tại chỉ dựa vào quán nước nhỏ của bà nội đã 75 tuổi. Nhi kể rằng, cũng đôi lần mẹ gọi điện hỏi thăm, biết sức khỏe của con gái quá yếu nhưng bà vẫn không quay về.

img

 Cuộc sống của 4 chị em Nhi do một mình bà nội gánh vác

“Mẹ đã có gia đình riêng, có cuộc sống riêng. Em cũng chẳng dám mong mẹ về. Em chỉ thương bà, một mình bà nuôi 4 đứa, em lại bệnh tật thế này…”, Nhi cúi mặt buồn bã nói.

Tuyết Nhi kể, trước kia em rất mong mình trở thành cô giáo. Em học giỏi, được thầy cô và bạn bè yêu mến. Nhưng từ ngày mẹ bỏ đi, cô bé biết rằng, ước mơ của mình sẽ không bao giờ thực hiện được. Bởi không chỉ chuyện gia đình khó khăn mà cô bé còn phải chăm sóc 3 đứa em nhỏ. Sau này bị bệnh, ước mơ của Tuyết Nhi đơn giản chỉ là có thể tự thở, tự đi lại được.

Hỏi Tuyết Nhi, nếu sau này khỏi bệnh, em muốn mình sẽ làm gì? Cô bé lắc đầu buồn bã nói: “Em biết, phổi của em rất khó hồi phục. Em sẽ cố gắng ăn uống và vui vẻ hơn để bà đỡ phải lo lắng. Nếu thật sự khỏi được bệnh, sau này em sẽ mở một cửa hàng nho nhỏ, bán những đồ lưu niệm tự tay em làm”.

img

Hạc giấy được Nhi xếp rất cầu kỳ. Em gấp hạc giấy để cầu nguyện cho bà, cho mình và các em.

Cuộc sống của Nhi hiện xoay quanh trên giường bệnh. Ăn uống, sinh hoạt đều nhờ vào em gái. Hằng ngày, để quên đi những cơn đau hành hạ, Tuyết Nhi ngồi gấp hạc giấy hoặc thêu tranh chữ thập. Nhiều người vì muốn giúp đỡ  đã hỏi mua lại những đồ vật này. Nhưng Nhi từ chối bán, em bảo: ”Đồ này em hiện tại em làm để tặng và cầu nguyện cho bà, cho mình và cho những đứa em…”

Bà Lê Thị Liên (75 tuổi) – bà nội Nhi nói: “Nhi nằm viện hơn 1 tháng. Tôi còn 2 đứa cháu ở nhà nên cũng thỉnh thoảng mới đến thăm Nhi được. Tội mấy đứa cháu của tôi. Giá tôi có thể được đổi thân già này cho Nhi sức  khỏe thì tốt biết mấy. Giờ tôi còn lo được cho các cháu, sau này mất rồi, không biết chúng sẽ ra sao…”

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem