Đối thủ được gì, người dùng mất gì từ cú ngã vực sâu của Huawei?

Huỳnh Dũng Thứ tư, ngày 15/09/2021 12:16 PM (GMT+7)
Lao đao vì lệnh cấm của Mỹ, đây được xem là cú rơi vực sâu đau đớn nhất của Huawei. Thậm chí, điều này còn khiến cấu trúc kinh doanh và cuộc chơi của Huawei cũng thay đổi cục diện hoàn toàn, từ người dùng đến đối thủ cạnh tranh.
Bình luận 0

Huawei ngấm đòn trừng phạt của Mỹ, rớt ngôi vương thương hiệu sản xuất hàng đầu thế giới

Được biết, vào tháng 5/2019, Chính quyền tổng thống Donald Trump chính thức bổ sung Huawei cùng 68 chi nhánh tại hơn 20 quốc gia vào danh sách đen thương mại "Entity List" của Mỹ, đồng nghĩa với việc cấm công ty này mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ.

Danh sách đen "Entity List" của Bộ thương mại Mỹ bao gồm các cá nhân, công ty và tổ chức bị nghi ngờ có khả năng gây hại tới an ninh quốc gia Mỹ. Lệnh cấm khẳng định tập đoàn công nghệ Huawei "liên quan đến các hoạt động đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia hoặc các chính sách đối ngoại của Mỹ".

Hãng tin Reuters cho biết, những công ty bị liệt trong danh sách đen nếu muốn mua công nghệ và linh kiện của Mỹ phải có sự chấp thuận của chính quyền Mỹ nhưng điều này không hề dễ dàng.

Huawei thực sự lao đao vì lệnh trừng phạt của Mỹ. Ảnh: @AFP.

Huawei thực sự lao đao vì lệnh trừng phạt của Mỹ. Ảnh: @AFP.

Lệnh cấm xuất hiện trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới áp thuế lên hàng hóa của nhau trong cuộc chiến tranh thương mại kéo dài suốt thời gian qua. Mỹ còn tin rằng điện thoại thông minh và thiết bị cho mạng lưới viễn thông của Huawei được chính phủ Trung Quốc sử dụng cho mục đích gián điệp. Tuy nhiên, Huawei đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc này.

Sau đó, vào tháng 6/2020, theo dữ liệu Counterpoint Research công bố, Huawei đã chính thức vượt mặt Samsung để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh số một thế giới. Counterpoint Research xác nhận rằng, kết thúc tháng 4/2020, Huawei đã trở thành nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới với 21,4% thị phần.

Hoạt động kinh doanh ấn tượng tại Trung Quốc đại lục đã giúp công ty tăng đáng kể thị phần. Trong khi nhu cầu mua điện thoại mới giảm mạnh ở hầu hết các thị trường quốc tế thì tại Trung Quốc, nó lại có dầu hiệu phục hồi.

Mặt khác, Samsung phải hứng chịu tác động tiêu cực từ lệnh phong tỏa ở cả Ấn Độ và châu Âu. Công ty Hàn Quốc chỉ giành được 19,1% thị phần smartphone trên toàn cầu sau khi chứng kiến nhu cầu giảm 29% so với tháng 3/2020.

Counterpoint Research nhấn mạnh rằng, nhu cầu mua điện thoại đã giảm đáng kể đối với dòng Galaxy S20 5G khi so sánh với các dòng sản phẩm chủ lực trước đây của hãng. Mặc dù số lượng sản phẩm bán ra không được Samsung cung cấp thông tin chi tiết nhưng các dự đoán cho thấy doanh số của công ty Hàn Quốc có thể giảm hơn 30%.

Tuy nhiên, cho đến khi lệnh cấm năm 2019 phát huy hoàn toàn hiệu lực, và Huawei bị ngấm dần thì chỉ sau gần một năm đến 4/2021, Huawei hãng không còn trong top 5 nhà sản xuất hàng đầu thế giới theo thống kê của hãng Strategy Analytics. Nhưng thành thật mà nói, cú rơi vực sâu này chưa chỉ dừng tại đó, nó còn khiến cấu trúc kinh doanh và cuộc chơi của Huawei cũng thay đổi cục diện hoàn toàn, từ người dùng đến đối thủ cạnh tranh.

Không ai lựa chọn điện thoại Huawei bên ngoài biên giới Trung Quốc nữa

Trước khi bị Mỹ tẩy chay, 2 dòng smartphone chủ lực của Huawei là P series và Mate series nằm trong nhóm những smartphone tốt nhất. Không chỉ có cấu hình cao nhất, thiết kế sáng tạo, smartphone của hãng này còn mang đến trải nghiệm chụp ảnh đỉnh cao. Khi đó, điện thoại cao cấp Huawei nằm trong danh sách những smartphone đáng mua nhất thị trường. Đến nay, gần như không ai lựa chọn điện thoại Huawei bên ngoài biên giới Trung Quốc.

Ngoài ra, cũng trong vòng 5 năm qua Huawei là đối thủ lớn nhất trong thế giới Android. Giờ đây, sự cạnh tranh đó cũng không còn nữa.

Huawei Mate 30 series ra mắt. Ảnh: @AFP.

Huawei Mate 30 series ra mắt. Ảnh: @AFP.

Huawei cũng là đối thủ đáng chú ý nhất của Samsung ở lĩnh vực điện thoại gập với những thiết bị như Mate X2. Mặc dù có hàng loạt công ty khác đang tham gia vào phân khúc này, Samsung vẫn được xem là người đi tiên phong và chiếm lợi thế lớn cho sản phẩm được xem là dẫn dắt tương lai ngành di động.

Cũng cần nhớ Huawei không chỉ cạnh tranh với các hãng sản xuất smartphone, họ còn đối đầu với nhà sản xuất chip là Qualcomm. Mặc dù chưa bao giờ so sánh được với Qualcomm về mặt hiệu năng, các con chip Kirin của Huawei lại đặc biệt ở khả năng xử lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI).

Các đối thủ khác được gì?

Khi doanh số của Huawei suy giảm, các nhà sản xuất khác lại liên tiếp nhận tin vui. Người hưởng lợi lớn nhất, không nghi ngờ gì là Xiaomi. Hãng này hiện giữ vị trí số 3 về thị phần di động, sau Samsung và Apple. Mặc dù rất khó để đe doạ vị trí dẫn đầu của Samsung, Xiaomi hoàn toàn có khả năng vượt Apple để chiếm vị trí thứ 2.

Một vài nhà sản xuất như Oppo, Vivo, Realme cũng "lên hương". Realme hiện cũng chiếm vị trí nhà sản xuất lớn thứ 6 thế giới vào năm 2021, mặc dù mới ra đời được 3 năm. Cuộc đua của các hãng sản xuất nhằm chiếm thêm miếng bánh thị phần mà Huawei để lại mang đến cho người dùng những chiếc di động giá rẻ nhưng cấu hình đặc biệt tốt.

Ở tình thế hiện tại, có thể thấy Samsung và Apple không cần lo lắng về một hãng thứ 3 có thể "ngồi chung mâm" với họ ở phân khúc cao cấp. Các smartphone của Huawei sẽ khó có cơ hội xuất hiện ở các thị trường quốc tế, trừ khi chính quyền Mỹ thay đổi chính sách. Tuy nhiên, trong vài năm tới, có thể chính ta sẽ thấy Huawei đẩy các tài năng sẵn có của họ sang một vài lĩnh vực khác. Máy tính, thiết bị đeo, thiết bị âm thanh là các lựa chọn. Họ cũng có thể gây chú ý ở mảng VR, giao thông, thậm chí là sức khoẻ.

Nổi lên như một thế lực thay chân Huawei, lần đầu tiên Xiaomi vượt Samsung, Apple vươn lên chiếm thị phần số 1 tại châu Âu. Ảnh: @AFP.

Nổi lên như một thế lực thay chân Huawei, lần đầu tiên Xiaomi vượt Samsung, Apple vươn lên chiếm thị phần số 1 tại châu Âu. Ảnh: @AFP.

Huawei khẳng định sẽ trở lại "ngai vàng" của mình trên thị trường smartphone

Gần đây nhất, vào tháng 8/2021, Chủ tịch của Huawei Technologies, ông Guo Ping cho biết, mặc dù các lệnh trừng phạt của Mỹ đã bóp nghẹt hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của công ty, nhưng Huawei sẽ không từ bỏ và có kế hoạch cuối cùng sẽ trở lại "ngai vàng" của mình trên thị trường smartphone.

Năm 2019, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Huawei là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, đưa Huawei vào danh sách đen xuất khẩu và cấm hãng này tiếp cận công nghệ quan trọng có nguồn gốc từ Mỹ, ảnh hưởng đến khả năng tự thiết kế chip và nguồn linh kiện từ các nhà cung cấp bên ngoài.

"Mọi người đều biết rằng chip điện thoại cần công nghệ tiên tiến với kích thước nhỏ và mức tiêu thụ điện năng thấp. Huawei có thể thiết kế chip điện thoại nhưng không ai có thể giúp chúng tôi thực hiện điều này, chúng tôi đang mắc kẹt", Chủ tịch Huawei Guo Ping đã chia sẻ như vậy trong một phỏng vấn gần đây. Tuy nhiên, ông Guo Ping khẳng định, vấn đề trên có thể giải quyết được.

Huawei không có ý định bỏ cuộc và vẫn đang duy trì kinh doanh smartphone. Ảnh: @AFP.

Huawei không có ý định bỏ cuộc và vẫn đang duy trì kinh doanh smartphone. Ảnh: @AFP.

Chủ tịch Huawei Guo Ping cho biết thêm: "Huawei sẽ tiếp tục duy trì và phát triển trong lĩnh vực điện thoại di động và với những tiến bộ không ngừng trong sản xuất chip, ngôi vương trên thị trường điện thoại thông minh chắc chắn cùng sẽ trở lại với Huawei".

Dù gặp nhiều khó khăn trên thị trường smartphone, Huawei vẫn sẽ không bỏ qua thị trường này, và vẫn sẽ cho ra mắt các mẫu sản phẩm mới. Theo nhiều nguồn tin, hãng công nghệ Trung Quốc sẽ cho ra mắt 3 mẫu smartphone màn hình gập ngay trong năm nay để cạnh tranh với các đối thủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem