Trước nghị định 144 cho phép hát nhép: Nghệ sĩ có tự vượt qua được chính mình?

Thanh Hà Thứ hai, ngày 21/12/2020 18:38 PM (GMT+7)
Ngay khi Nghị định 144 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được ban hành về việc cho phép hát nhép và sử dụng âm thanh của nhạc cụ bằng bản ghi âm đã gây ra nhiều ý kiến đồng tình và không đồng tình trong giới âm nhạc. Theo đó, Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ca sĩ Tùng Dương, ca sĩ Vũ Thắng Lợi.
Bình luận 0

Nghị định nên có quy định cụ thể để chặt chẽ hơn?

Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được ban hành ngày 14/12 và có hiệu lực từ ngày 1/2/2021 thay thế cho nghị định 79. Cụ thể tại Nghị định 144 không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái), điều này đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều, thuận chiều trong giới nghệ sĩ.

Nghị định 144: Ca sĩ Tùng Dương, Vũ Thắng Lợi lên tiếng về việc cho phép hát nhép   - Ảnh 1.

Ca sĩ Tùng Dương thăng hoa trong ca khúc "Oa Oa" trong concert "Con người". Ảnh: Thanh Hà.

Chia sẻ với Dân Việt, ca sĩ Tùng Dương cho biết: "Tôi không nghĩ việc cho phép hát nhép là dở, bởi người soạn thảo Nghị định 144 phần nào hiểu cái khó cho người nghệ sĩ, nên đã nới rộng Nghị định để không chỉ nhăm nhăm soi, bắt lỗi nghệ sĩ. Vì vậy chúng nên nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tôi ví dụ,  khi người nghệ sĩ nhận show nhưng bất ngờ bị ốm, do sức khoẻ không tốt, hoặc một lý do nào đó khác… thì người nghệ sĩ lúc đó, bắt buộc không thể hát trực tiếp. 

Tất nhiên khi tôi nói tới những điều này không có nghĩa tôi bảo vệ cho những ca sĩ hát nhép. Nếu như chương trình được Ban tổ chức yêu cầu hát nhép để đảm bảo về âm thanh, an toàn cho chương trình thì ca sĩ đó sẽ thực hiện theo yêu cầu của Ban tổ chức. 

Còn nếu Ban tổ chức không yêu cầu ca sĩ phải hát nhép, chương trình cũng đảm bảo được về đường tiếng, âm thanh thì với lương tâm nghề nghiệp, ý thức đạo đức của người nghệ sĩ đó, họ không nên hát nhép. Đặc biệt với những chương trình concert lớn, buổi hoà nhạc thể hiện đẳng cấp của người nghệ sĩ.

Chúng ta không nên vì sự nới lỏng của Nghị định 144 mà cho phép lún sâu vào việc hát nhép. Là ca sĩ gần hai mươi năm đi hát, đam mê và tận hiến cho âm nhạc, tôi luôn muốn hát trực tiếp, thậm chí nếu tôi có hát nhép còn bị lộ và khán giả nghe không thích. 

Tôi không phê phán việc cho phép hát nhép. Nhưng tôi nghĩ, giá như người soạn thảo Nghị định 144 đưa ra chi tiết cụ thể, chặt chẽ hơn một chút thì sẽ hay hơn. Ví dụ, có thể mở ngoặc: Cá nhân, tổ chức có thể sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn trong các chương trình không đủ điều kiện về âm thanh hay quay hình trực tiếp cần đảm bảo an toàn cho chương trình. Trong các trường hợp, chương trình đủ điều kiện âm thanh, cá nhân, tổ chức không sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn.

Như chúng ta đã biết, trong âm nhạc được chia ra nhiều thể loại, ca sĩ chuyên môn cũng khác nhau. Có người tự tin khi hát live nhưng cũng có người không tự tin khi hát live".

Nghị định 144 làm cho các nghệ sĩ tự vượt qua chính mình

Nghị định 144: Ca sĩ Tùng Dương, Vũ Thắng Lợi lên tiếng về việc cho phép hát nhép   - Ảnh 2.

Ca sĩ Vũ Thắng Lợi, Nghị định 144 làm các nghệ sĩ tự vượt qua chính mình, tự chịu trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm tiếng hát của mình với công chúng.

Còn ca sĩ Vũ Thắng Lợi thì cho rằng, một số chương trình nếu như Ban tổ chức yêu cầu không hát trực tiếp để đảm bảo an toàn cho chương trình, đảm bảo âm thanh, hoặc đảm bảo yếu tố chính trị cần kiểm duyệt trước thì ca sĩ sẽ không hát trực tiếp. Còn với những chương trình lớn Ban tổ chức không yêu cầu phát hát nhép, chương trình đủ điều kiện đảm bảo âm thanh thì người ca sĩ đó không nên hát nhép. 

Hay một chương trình bán vé, khán giả bỏ tiền mua vé với mong muốn cảm nhận sự thăng hoa, sự phiêu, lên đồng của ca sĩ đó trên sân khấu. Họ muốn cảm xúc thật của người nghệ sĩ đó, nên sẽ không chấp nhận ca sĩ hát nhép và sẽ bị tẩy chay. Nói như các cụ, đó là làm giả ăn thật. Người nghệ sĩ có lương tâm hay không khi mà tiền cát xê vận nhận nhưng lại hát không thật?

"Tôi nghĩ Nghị định 144 ra đời có mặt tích cực, khiến cho mỗi ca sĩ phải tự chịu trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm tiếng hát của mình với công chúng.  

Người nghệ sĩ không nên lấy lý do vì Nghị định cho phép hát nhép mà lạm dụng hát nhép ở tất cả các chương trình, sự kiện. Nếu như vậy người nghệ sĩ đó sẽ tự đào thải và ra khỏi môi trường khắc nghiệt của âm nhạc. 

Điều thứ hai tôi muốn nói đến đó là khi người nghệ sĩ hát trực tiếp cũng là cách để người nghệ sĩ rèn luyện, duy trì bản lĩnh trên sân khấu. 

Nếu người nghệ sĩ cứ duy trì hát nhép, có thể sẽ tạo được cảm giác lúc nào cũng được an toàn, nhưng sau đó, có nhưng chương trình Ban tổ chức yêu cầu các ca sĩ phải hát trực tiếp, sẽ là lúc người ca sĩ hát nhép đó bị lộ khả năng hát trực tiếp của mình. 

Ngoài ra, nếu người ca sĩ đó vẫn cố tình hát nhép thì họ cũng không đàng hoàng với chính đồng nghiệp của mình chứ chưa nói đến không trung thực với khán giả. Và như vậy, người ca sĩ đó không thể được coi là người nghệ sĩ thực sự.

Bản thân tôi, lúc nào cũng mong muốn mình được hát trực tiếp trong tất cả các chương trình lớn, nhỏ hay chương trình hoà nhạc, trừ những chương trình bắt buộc phải ghi hình trước. Bởi ở đó tôi không chỉ rèn luyện bản lĩnh trên sân khấu, mà ở đó tôi còn được dung hoà cảm xúc với dàn nhạc. Nên, người ca sĩ khi đứng trên sân khấu hát trực tiếp sẽ đòi hỏi rất nhiều yếu tố, từ kỹ năng, kinh nghiệm trau dồi từ các sân khấu mức độ vừa phải thì anh không thể bước lên sân khấu lớn và vượt qua chính mình. 

Vì vậy tôi nghĩ Nghị định 144 làm cho các nghệ sĩ tự vượt qua chính mình, tự chịu trách nhiệm bản thân với nghề và phải có đạo đức với nghề".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem