Những ai từng Bi thư Hà Nội trở thành Chủ tịch Quốc hội?
Trước ông Vương Đình Huệ, những trường hợp Chủ tịch Quốc hội nào từng đảm nhiệm Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy?
PVCT
Thứ năm, ngày 01/04/2021 12:04 PM (GMT+7)
Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị là Chủ tịch Quốc hội thứ 12 trong lịch sử 75 năm Quốc hội Việt Nam. Ông là trường hợp thứ hai sau Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, từ Bí thư Thành ủy Hà Nội trở thành Chủ tịch Quốc hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII. Trước khi trở thành Chủ tịch Quốc hội ông giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội (từ tháng 1/2000 đến tháng 6/2006). Trường hợp ông Vương Đình Huệ trước khi được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, ông có gần 14 tháng đảm nhiệm chức Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Người tiền nhiệm chức Chủ tịch Quốc hội của ông Vương Đình Huệ là bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng từng đảm nhiệm Bí thư Tỉnh ủy trong quá trình công tác. Bà giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương từ tháng 9/2002 đến tháng 2/2006. Sau đó bà được điều động về Trung ương giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính; Thứ trưởng Bộ Thương mại rồi giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Từ tháng 7/2011, bà về công tác tại Quốc hội.
Trong lịch sử có 2 trường hợp Chủ tịch Quốc hội cũng từng đảm nhiệm chức Bí thư Tỉnh ủy trong quá trình công tác. Đó là Chủ tịch Quốc hội khóa IX, X Nông Đức Mạnh và Chủ tịch Quốc hội khóa X, XI Nguyễn Văn An. Ông Nông Đức Mạnh từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái (nay tách thành Thái Nguyên và Bắc Kạn), ông Nguyễn Văn An từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Ninh (nay đã tách thành Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình).
Trước khi trở thành Chủ tịch Quốc hội khóa IX, ông Mạnh giữ chức Trưởng Ban Dân tộc Trung ương; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Còn ông Nguyễn Văn An trước khi trở thành Chủ tịch Quốc hội khóa X, ông giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước ta là cụ Nguyễn Văn Tố, lúc đó gọi là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Cụ đảm nhiệm chức vụ này từ tháng 1/1946 đến tháng 11/1946.
Cụ Nguyễn Văn Tố (bút hiệu Ứng Hòe) sinh năm 1889 trong một gia đình nhà nho, thuộc làng Đông Thành nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Năm 16 tuổi (1905), cụ Nguyễn Văn Tố đỗ đầu cuộc thi ngạch Phán sự - Thông dịch do Tòa Thống sứ Bắc Kỳ tổ chức. Năm 17 tuổi (1906), cụ chính thức vào làm việc tại Học viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) của Pháp tại Hà Nội và từng bước thăng tiến, giữ chức Chủ sự dưới quyền giám đốc EFEO cho đến ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.
Sau cách mạng tháng Tám, cụ được Hồ Chủ tịch mời ra làm việc và giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội của Chính phủ lâm thời.
Ngày 6/1/1946, trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), cụ Nguyễn Văn Tố trúng cử đại biểu Quốc hội, là đại biểu của tỉnh Nam Định. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, cụ Nguyễn Văn Tố được bầu là Trưởng ban Thường trực của Quốc hội (tương đương chức danh Chủ tịch Quốc hội hiện nay).
Năm 1947, trong chiến dịch Việt Bắc, cụ Nguyễn Văn Tố bị thực dân Pháp bắt và cụ đã anh dũng hy sinh.
Người đảm nhiệm chức Chủ tịch Quốc hội lâu nhất là ông Trường Chinh (Đặng Xuân Khu sinh năm 1907 mất năm 1988, quê Nam Định). Ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội) từ tháng 6/1960 đến tháng 7/1981.
Sau khi thôi đảm nhận chức vụ này, ông Trường Chinh đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước). Ông được bầu làm Tổng Bí thư lần thứ 2 vào năm 1986. Sau đó, ông làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng ban soạn thảo Cương lĩnh và Chiến lược kinh tế kiêm Trưởng Tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh của Đảng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.