Trước phiên phúc thẩm vụ Công ty Tây Hồ: Luật sư đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết mới phát sinh

PVCT Thứ năm, ngày 11/04/2024 14:43 PM (GMT+7)
Ngày mai (12/4), HĐXX Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra ở Công ty Tây Hồ. Trước phiên xử, luật sư Phan Quốc Thắng – người bào chữa cho một bị cáo trong vụ án đã nộp một số tài liệu cho HĐXX và đề nghị xem xét các tình tiết mới phát sinh.
Bình luận 0

Ngày mai (12/4), HĐXX Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra ở Công ty Tây Hồ. Trước phiên xử, luật sư Phan Quốc Thắng – người bào chữa cho một bị cáo trong vụ án đã nộp một số tài liệu cho HĐXX và đề nghị xem xét các tình tiết mới phát sinh.

Đề nghị cho tổ chức thẩm định giá đối với 10ha đất 

Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ, Hà Nội (viết tắt Công ty Tây Hồ) được TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử vào tháng 8/2023. Trong vụ án này có 5 bị cáo, bà Chu Thị Ngọc Ngà, nguyên Trưởng Ban Kiểm soát Công ty Tây Hồ, bị tuyên phạt 13 năm tù;

Bị cáo Đặng Quang Tuấn, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Tây Hồ bị tuyên 9 năm tù; bị cáo Tân Tú Hải, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tây Hồ bị tuyên 9 năm tù; bị cáo Phan Việt Anh, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Tây Hồ bị tuyên 5 năm tù; bị cáo Nguyễn Tấn Hoàng, nguyên Trưởng phòng Kinh doanh bị tuyên 4 năm tù. Tất cả cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Trước phiên phúc thẩm vụ Công ty Tây Hồ: Luật sư đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết mới phát sinh- Ảnh 1.

Các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Tây Hồ tại phiên sơ thẩm. Ảnh Đ.X

Theo tài liệu của cơ quan tố tụng, năm 2017, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội có 98,83% vốn Nhà nước và nắm giữ 50/09% vốn điều lệ tại Công ty Tây Hồ.

Các cơ quan tiến hành tố tụng cáo buộc, ông Đặng Quang Tuấn và ông Tân Tú Hải với vai trò là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc đại diện vốn của Tổng công ty Xây dựng tại Hà Nội tại Công ty Tây Hồ đã bàn bạc, thống nhất với Phan Việt Anh, Chu Thị Ngọc Ngà, Nguyễn Tấn Hoàng thực hiện hành vi bán 118 lô đất ở khu đô thị mới huyện Quế Võ (Bắc Ninh) không đúng trình tự quy định, không theo kết quả thẩm định giá gây thất thoát hơn 91 tỷ đồng là tài sản của Nhà nước.

Trước phiên tòa phúc thẩm, luật sư Phan Quốc Thắng (Đoàn luật sư TP Hà Nội – bào chữa cho bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà) đã gửi các tài liệu cho HĐXX và đề nghị xem xét các tình tiết phát sinh. Trong đó đề nghị HĐXX yêu cầu cho tổ chức thẩm định giá đối với 10ha đất tại dự án mà UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao lại (trước đó đã cắt 10ha đất của dự án tại khu đô thị mới Quế Võ, Bắc Ninh cho đơn vị khác) để làm cơ sở đánh giá hậu quả có thất thoát, lãng phí không, số tiền thất thoát, lãng phí thực tế nếu có trong vụ án này là bao nhiêu?

Luật sư cũng nộp tài liệu về việc Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP Hà Nội phục hồi tin báo tố giác tội phạm, về việc tố giác một nhân sự giả mạo chức vụ phát hành các văn bản trái quy định pháp luật. Ngoài ra còn biên bản kiểm toán tại Công ty Tây Hồ năm 2020; báo cáo tài chính trước kiểm toán Công ty Tây Hồ năm 2021 và các tài liệu khác.

Quan điểm của luật sư và đại diện Viện KS tại phiên tòa sơ thẩm

Tại diễn biến của phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 8/2023, luật sư Phan Quốc Thắng – bào chữa cho bà Ngà, đã nêu quan điểm cho rằng, tội danh mà các bị cáo trong vụ án này bị truy tố là Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015. Luật sư dẫn chứng, Điều 219 Bộ luật Hình sự quy định, người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí thì phạm tội.

Theo luật sư Thắng cần phải chứng minh bị cáo Đặng Quang Tuấn, Tân Tú Hải (nguyên Chủ tịch và nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tây Hồ) có phải là người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định tại Khoản 1, Điều 219 Bộ luật Hình sự; có tài sản nào thuộc sở hữu nhà nước ở Công ty Tây Hồ…

Luật sư Thắng cho rằng, người đại diện vốn Nhà nước tại Công ty Tây Hồ nếu có phải là người được Bộ Xây dựng ủy quyền giao vốn bằng văn bản. Bị cáo Đặng Quang Tuấn, Tân Tú Hải không phải là người được Bộ Xây dựng ủy quyền giao vốn tại Công ty Tây Hồ; người giao vốn là HĐQT Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.

Luật sư cho rằng, 2 bị cáo trên không phải là người đại diện vốn Nhà nước, tại Công ty Tây Hồ cũng không có ai đại diện vốn Nhà nước, được hiểu không có người nào được giao quản lý tài sản, sử dụng tài sản Nhà nước như quy định tại khoản 1, Điều 219, Bộ luật Hình sự mà cáo trạng Viện Kiểm sát đã truy tố.

Tháng 6/2017, thời điểm mà Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát xác định hành vi phạm tội xảy ra, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP sở hữu 50,09% vốn điều lệ tại Công ty Tây Hồ mà không phải Bộ Xây dựng - cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Theo quy định, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội cũng không phải doanh nghiệp nhà nước như quy định, do lúc này doanh nghiệp Nhà nước phải là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (được quy định tại khoản 8, Điều 4 và Điều 88 Luật Doanh nghiệp năm 2014).

Trong khi Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Nhà nước (tức Bộ Xây dựng) chỉ chiếm 98,83% vốn điều lệ, số vốn còn lại của hàng trăm người lao động trong tổng công ty.

"Từ những quy định pháp luật đã viện dẫn, đủ cơ sở để xác định 50,09% vốn của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP tại Công ty Tây Hồ không phải vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Do Công ty Tây Hồ là doanh nghiệp ngoài Nhà nước nên quyền sở hữu tài sản tại công ty, trong đó có 50,09% vốn góp của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội thuộc sở hữu của doanh nghiệp ngoài Nhà nước, tức không có tài sản nào thuộc sở hữu Nhà nước tại Công ty Tây Hồ" – luật sư Thắng nêu quan điểm bào chữa.

Luật sư Thắng nhận định, có đủ cơ sở chứng minh, Công ty Tây Hồ là doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Tại Công ty Tây Hồ không có tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, không có người đại diện vốn nhà nước, không có chế độ quản lý sử dụng tài sản Nhà nước. Từ phân tích trên ông cho rằng, không có vụ án "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí" nào đã xảy ra tại Công ty Tây Hồ như cáo trạng đã truy tố, 5 bị cáo không phạm tội.

Đối đáp quan điểm của luật sư Thắng về nội dung liên quan Điều 219 Bộ luật Hình sự, đại diện Viện KSND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, không quy định giao tài sản ở doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp ngoài Nhà nước, đây chỉ quy định là giao tài sản Nhà nước.

Theo quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát, tài sản gồm trụ sở làm việc, tài sản khác gắn liền với đất, tiền, vật dụng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và các tài sản khác …

Trong điều luật không quy định cụ thể về vi phạm quy định quản lý vốn tại doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp ngoài nhà nước mà quy định chung về tài sản, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng vốn chỉ là một dạng tài sản.

Đại diện Viện KSND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, bị cáo Đặng Quang Tuấn khi là Chủ tịch HĐQT, bị cáo Tân Tú Hải khi là Tổng Giám đốc được Tổng công ty Xây dựng Hà Nội cử đại diện quản lý vốn của tổng công ty tại Công ty Tây Hồ, vốn của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội đa phần là vốn nhà nước, do vậy bị cáo Tuấn và bị cáo Hải phải có nghĩa vụ tuân theo điều lệ của Công ty Tây Hồ, các quy chế và sự chỉ đạo của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.

Đại diện Viện Kiểm sát cho biết, khi bán 118 lô đất ở khu đô thị mới Quế Võ (Bắc Ninh), bị cáo Tuấn và Hải không báo cáo, không được Tổng công ty Xây dựng Hà Nội và đại hội cổ đông quyết định, chưa có kết quả thẩm định giá là vi phạm, làm không đúng trình tự thủ tục, trái thẩm quyền.

Còn HĐXX TAND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, quan điểm bào chữa của bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà, luật sư bào chữa cho bị cáo này cho rằng bị cáo không phạm tội và ý kiến các luật sư về tội danh, thiệt hại, định giá tài sản…không có cơ sở chấp nhận như đối đáp của Viện Kiểm sát tại phiên tòa là phù hợp, có căn cứ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem