Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: Làm báo có thể nghèo nhưng không được tiêu cực

Bạch Dương Thứ hai, ngày 18/03/2024 12:30 PM (GMT+7)
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhìn nhận có tình trạng "nhóm đánh-đấm" doanh nghiệp ở một số ít các cộng tác viên, phóng viên. Ông chia sẻ làm báo có thể nghèo nhưng không được tiêu cực. Người làm báo phải nói đúng, trúng, khách quan, hiệu quả.
Bình luận 0
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: Làm báo có thể nghèo nhưng không được tiêu cực- Ảnh 1.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: VGP/Vũ Phong

Sáng 18/3, Hội nghị toàn quốc năm 2024 Hội Nhà báo Việt Nam đã diễn ra tại TP.HCM. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực và đất nước, có những thách thức chưa từng có tiền lệ, báo chí vẫn luôn là lực lượng xung kích tuyên truyền hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, luôn gắn bó và đồng hành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh… được quan tâm, chú trọng, có chiều sâu, tạo sức lan tỏa tích cực.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhìn nhận, có tình trạng "nhóm đánh-đấm" doanh nghiệp ở một số ít các cộng tác viên, phóng viên thường trú mà các cơ quan báo chí chưa quản lý chặt chẽ.

"Làm báo có thể nghèo nhưng không được tiêu cực. Không điều tra, xem xét kỹ trước mà đã đăng lên, gây phức tạp tình hình. Người làm báo phải nói đúng, trúng, khách quan, hiệu quả. Mỗi bài báo viết ra phải đúng đường lối, pháp luật, đúng nguyện vọng người dân, được người đọc tâm phục, khẩu phục. Nếu làm được như vậy thì vị thế báo chí, phóng viên được nâng lên nhiều", ông Nghĩa chia sẻ.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị các cấp Hội Nhà Báo Việt Nam tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động Hội và Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam.

Hội Nhà báo các cấp cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự; phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, khách quan, chân thực có tính chiến đấu cao, giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc.

Mỗi tác phẩm báo chí phải là một thông điệp thuyết phục, tác động vào cả trí óc và trái tim công chúng, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ và quyết liệt hơn đổi mới, sáng tạo trong báo chí, tìm kiếm và triển khai các mô hình tòa soạn số với phương thức tổ chức, quản lý nhằm phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo của nhà báo.

Đồng thời, chú trọng định hướng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu nhằm làm rõ lý luận báo chí hiện đại, với các vấn đề nghiệp vụ báo chí số, báo chí sáng tạo, mô hình kinh tế báo chí, vấn đề định hướng xã hội chủ nghĩa trong hoạt động báo chí.

74 năm qua kể từ ngày thành lập (21/4/1950 - 21/4/2019), tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Từ gần 300 hội viên thuở ban đầu, đến nay Hội đã thu hút hơn 25.000 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 21 Liên chi hội và 223 Chi hội trực thuộc trên cả nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem