Trường cho học đúng giờ nghỉ trưa, trẻ uể oải, thiếp đi “ngon lành“

Thứ bảy, ngày 13/09/2014 06:37 AM (GMT+7)
Cậu học sinh lớp Một áp má xuống bàn rồi thiếp đi ngon lành, tóc bện mồ hôi. Xung quanh nhiều trẻ khác ngáp dài, ánh mặt lộ rõ sự mệt mỏi.
Bình luận 0

12h30 ngày 11.9, trong khi các anh chị lớn đang nô đùa, nghỉ ngơi dưới sân trường chuẩn bị vào buổi học chiều thì tại các phòng học từ lớp 1/8 đến 1/11 của trường tiểu học Phan Chu Trinh, TP Biên Hòa (Đồng Nai) giáo viên vẫn say sưa giảng từng con chữ cho những em nhỏ. Nhiều trẻ tỏ ra uể oải, nằm dài trên bàn thiu thiu ngủ. Có đứa giật bắn người, vẻ ngơ ngác khi được cô giáo gọi tên. 

img

Trong lúc học sinh ca chiều nô đùa ở sân trường thì lớp học giữa trưa ở trường tiểu học Phan Chu Trinh vẫn dạy và học. Ảnh: Hoàng Trường.

Tình trạng các bé phải học từ 10h đến 13h đã diễn ra gần một tháng nay, khi bắt đầu năm học 2014-2015. Đây là ca học tăng thêm sau 2 ca học buổi sáng và buổi chiều như bình thường của trường Phan Chu Trinh.

Đứng ngoài cửa sổ nhìn vào thấy con đang vật vờ khi buổi học gần kết thúc, chị Kim Trúc (ngụ phường Tân Phong), thở dài: "Học giấc này làm sao chúng nó tập trung vào bài giảng của giáo viên sao được. Nhất là trẻ đầu cấp mới làm quen với trường lớp, con chữ".

Ngoài ảnh hưởng chất lượng tiếp thu bài của các em, việc học từ 10h đến 13h hàng ngày còn xáo trộn cuộc sống của cả gia đình học sinh. Chị Lan, mẹ bé gái đang học ca 3 tại trường, cho biết phải nhờ bà ngoại từ quê vào phụ giúp trông chăm sóc, đưa đón con vì vợ chồng chị đều đi làm đến chiều muộn mới về. "Thấy tội cả bà lẫn cháu nên thỉnh thoảng tôi trốn cơ quan đi đón cháu", chị Lan nói.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh không có thời gian đưa đón con phải gửi luôn cho cô giáo chủ nhiệm. Mỗi sáng họ đi làm là chở con đến nhà cô, chiều muộn ghé sang đón về. Phần cô giáo sẽ đưa các cháu đến trường bằng xe đưa rước.

img

Hình ảnh thường thấy ở lớp học ca 3. Ảnh: Hoàng Trường.

Trao đổi với pV, ông Trần Quang Mạnh - Hiệu trưởng trường tiểu học Phan Chu Trinh - cho biết, năm nay trường có 536 học sinh vào lớp 1, trung bình mỗi lớp có 49 em. Lượng học sinh đầu cấp tăng cao khiến nhà trường phải chấp nhận cho 4 lớp 1 học ca 3. "Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tiếp thu bài của các em. Nhiều lúc thấy các em mệt mỏi cũng thương lắm nhưng nhà trường cũng không biết làm sao khi cơ sở vật chất chỉ có thế", thầy Mạnh nói.

Để giúp các em có điều kiện thời gian học tập tốt hơn, nhà trường đã liên hệ nhiều nơi mượn bàn ghế, phòng học. "Hiện nhà trường đã mượn được 3 phòng của một đơn vị ở địa phương, lấy thêm một phòng chức năng của trường. Chúng tôi đang vận chuyển kê lại bàn ghế, dự kiến đầu tuần sau sẽ đưa vào hoạt động, chấm dứt tình trạng học ca 3. Khi ấy sẽ đảm bảo chất lượng dạy học cũng như tạo thuận lợi cho phụ huynh đưa đón", hiệu trưởng cho biết thêm.

Theo Phòng Giáo dục đào tạo TP Biên Hòa, nhiều năm nay số lượng trẻ 6 tuổi tăng quá nhanh khiến nhiều trường tiểu học quá tải. Đặc biệt là các trường gần khu vực công nhân, người lao động sinh sống.

Riêng năm học 2014-2015, toàn TP Biên Hòa tăng khoảng 8.500 học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Nhiều trường không muốn học ca 3 đã phải dồn 50-60 học sinh vào một lớp như: trường tiểu học Trảng Dài, Trịnh Hoài Đức, Long Bình Tân, Hòa Bình, Hóa An... Trong đó, trường tiểu học Phước Tân đầu năm học cũng có 7 lớp phải học ca 3 với hơn 300 em. Sau khi học được 2 tuần, nhà trường phải chuyển một số phòng chức năng thành phòng học để cho các em không phải học vào giờ trưa.

img

UBND TP Biên Hòa đang tìm giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng dồn lớp, học ca 3 ở các trường học như hiện nay. Ảnh: Hoàng Trường

Quyền trưởng phòng Giáo dục đào tạo TP Biên Hòa Đỗ Văn Cang cho rằng, việc tăng dân số cơ học quá nhanh ở Biên Hòa khiến cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc dồn lớp, học ca 3 như nhiều năm trở lại đây. "Nếu trong những năm tới, các trường THCS không được xây mới thêm, khi học sinh tiểu học lên cấp 2 thì việc học ca 3 ở cấp học này là điều không tránh khỏi", ông Cang nói.

Trước thực trạng căng thẳng trường lớp, lãnh đạo thành phố Biên Hòa đã yêu cầu nhiều trường đạt chuẩn quốc gia trong thành phố phải phá chuẩn, tiếp nhận học sinh tại các trường quá tải vào học, đem lại công bằng cho học sinh trong độ tuổi đến trường.

Theo ông Phạm Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa, để giải quyết thực trạng học ca 3, dồn lớp như hiện nay thì cần 500 tỷ đồng để xây dựng 11 trường học thuộc diện cấp bách. "Thành phố Biên Hòa đang rà soát lại quỹ đất sạch cho việc xây dựng trường, đồng thời huy động nhiều nguồn vốn, kêu gọi xã hội hóa giáo dục nhằm chia sẻ học sinh cho các trường công lập trên địa bàn", ông Dũng nói.

(Theo Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem