Các trường đại học “rầm rộ” mở thêm ngành học mới

A.T Thứ tư, ngày 02/03/2022 11:54 AM (GMT+7)
Trong mùa tuyển sinh năm 2022, nhiều trường đại học cho biết mở thêm các ngành học mới. Theo chuyên gia, mở ngành mới là một dấu hiệu tốt, tuy nhiên, phải đáp ứng được đúng yêu cầu và tiêu chí đưa ra.
Bình luận 0

Nhiều trường mở ngành mới

Năm 2022, nhiều trường đại học top đầu có xu hướng mở thêm ngành/chương trình đào tạo mới.

Tại Đại học Quốc gia Hà Nội, trong danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch giai đoạn 2021 – 2025 , Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có tổng 572 chương trình đào tạo các loại, trong đó có 192 chương trình đại học, 225 chương trình đào tạo thạc sĩ và 155 chương trình đào tạo tiến sĩ.

Trường đại học “rầm rộ” mở thêm ngành học mới - Ảnh 1.

Thí sinh thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2022 cuối tuần qua. Ảnh minh họa: VNU

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, so với các chương trình đang đào tạo hiện tại, danh mục này có thêm rất nhiều ngành mới. Trong đó bậc đại học có 67 ngành được quy hoạch, bậc thạc sĩ có 118 ngành và bậc tiến sĩ có 55 ngành. Một số ngành/chuyên ngành đào tạo được dự kiến sẽ sớm xuất hiện như: Trí tuệ nhân tạo, Quản trị công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Quản trị năng lượng và Phát triển bền vững, Logistic…

Năm 2022, Trường Đại học Ngoại thương lên kế hoạch tuyển sinh 3 ngành học mới gồm: Marketing số, Truyền thông Marketing tích hợp (ngành Marketing) và Kinh doanh số (ngành Kinh doanh quốc tế).

Trừ Truyền thông Marketing tích hợp được triển khai tại cơ sở II ở TP.HCM, hai chương trình còn lại học tại trụ sở chính Hà Nội. Nhà trường cho biết, 3 chương trình mới sẽ giúp người học có khả năng nắm bắt cơ hội phát triển nghề nghiệp, đồng thời thích nghi trong bối cảnh thay đổi liên tục của thế giới.

Một trường thuộc top đầu là Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng mở 6 mã đào tạo mới từ năm 2022, trong đó trường tách mã các chương trình định hướng ứng dụng (POHE) để tuyển sinh theo 7 mã riêng; tách mã ngành Kinh tế thành 3 mã chuyên ngành; tuyển lại mã ngành Tài chính-Ngân hàng (bằng tiếng Việt); tạm dừng tuyển sinh các mã CT1/Ngân hàng, CT2/Tài chính công, CT3/Tài chính doanh nghiệp.

Trường ĐH Thương Mại từ năm 2022 dự kiến đào tạo mới 9 chương trình đại học gồm có: Quản trị kinh doanh (chương trình chất lượng cao); Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; Quản trị khách sạn (chương trình định hướng nghề nghiệp); Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (chương trình định hướng nghề nghiệp); Marketing số; Kế toán tích hợp chương trình CAEW CFAB; Luật thương mại quốc tế; Quản trị hệ thống thông tin (chương trình định hướng nghề nghiệp); Quản trị nhân lực doanh nghiệp (chương trình chất lượng cao).

Năm 2022, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tiếp tục tuyển sinh 59 chương trình như năm 2021. Các chương trình đào tạo mới sẽ được thông báo trong tháng 3 này.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết năm 2022 dự kiến xây dựng và mở một số ngành mới, chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội như: Công nghệ điện tử và tin học (ngành thử nghiệm), Kỹ thuật máy tính và ngành Quản lý tài nguyên và môi trường. Ngoài ra, trường còn đào tạo 1 chương trình liên kết đào tạo do nước ngoài cấp bằng. Cũng trong năm học này, trường bắt đầu thực hiện về đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ đại học.

Việc nhiều trường mở thêm ngành học mới, theo các chuyên gia, nếu các ngành nghề đó đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như năng lực đào tạo của các nhà trường thì đó là một dấu hiệu tốt, nếu không nó sẽ mang tính hai mặt.

Theo TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), các trường khi muốn mở ngành mới cần xuất phát từ nhu cầu thực tế và phải thực hiện theo quy trình, cần có sự tính toán, khảo sát, điều tra nhất định về cơ hội việc làm cũng như xu thế, khảo sát các doanh nghiệp hoặc tổ chức sử dụng lao động để biết nhu cầu lao động. Từ đó, chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, phát triển các chương trình đào tạo để đảm bảo chất lượng của nguồn nhân lực, tránh tình trạng "bình mới, rượu cũ".

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, việc mở thêm nhiều ngành mới là tốt, nhưng không có nghĩa được mở ngành bừa bãi. Khi mở ngành mới, các trường phải đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, đặc biệt là đội ngũ giảng viên có đủ trình độ hay không và nhu cầu của thị trường lao động để có cơ sở mở ngành mới, đồng thời, phải đáp ứng đúng các yêu cầu, tiêu chí đưa ra.

Điều kiện mở ngành mới như thế nào?

Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 4/3/2022, Bộ GDĐT đã quy định về điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học.

Theo đó, Bộ GDĐT yêu cầu, cơ sở đào tạo phải đáp ứng điều kiện chung khi mở ngành đào tạo trình độ đại học bao gồm ngành đào tạo và trình độ đào tạo dự kiến mở, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất.

Trong đó, ngành đào tạo và trình độ đào tạo dự kiến mở phải phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, cả nước và của lĩnh vực đào tạo bảo đảm hội nhập quốc tế; bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đã được phê duyệt; Có trong Danh mục thống kê ngành đào tạo (trừ trường hợp có quy định riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ); việc đề xuất bổ sung ngành mới vào Danh mục thống kê ngành đào tạo thực hiện theo Thông tư quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học.

Đội ngũ giảng viên phải đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng để tổ chức thực hiện chương trình đào tạo (bao gồm giảng viên toàn thời gian và giảng viên thỉnh giảng), đáp ứng yêu cầu đội ngũ giảng viên theo quy định về chuẩn chương trình đào tạo của trình độ đào tạo, lĩnh vực, nhóm ngành và ngành đào tạo. Đối với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe (theo quy định tại Danh mục thống kê ngành đào tạo), giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ theo quy định của Chính phủ về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.

Về cơ sở vật chất, các trường phải đáp ứng các yêu cầu sau: Có cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu; Có đủ phòng học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, cơ sở sản xuất thửnghiệm, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống quản lý hỗ trợ học tập, quản lý đào tạo cùng các thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học theo yêu cầu của chương trình đào tạo, phù hợp với quy mô đào tạo ở từng trình độ đào tạo và phải có kế hoạch sử dụng phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành...

Có hợp đồng hợp tác đào tạo thực hành, thực tập với các cơ sở thực hành, thực tập bên ngoài nhà trường phù hợp với kế hoạch giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học cho toàn khóa học; Các cơ sở thực hành đối với ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khoẻ phải có hợp đồng nguyên tắc về đào tạo thực hành bảo đảm tuân thủ theo quy định của Chính phủ về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe; Có thư viện truyền thống và thư viện điện tử bảo đảm đủ giáo trình, tài liệu hỗ trợ giảng dạy, học tập, nghiên cứu của giảng viên và người học…

Xem chi tiết điều kiện cụ thể mở ngành đào tạo trình độ đại học trong Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT - chương II, Điều 4, TẠI ĐÂY.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem