Trường ngoài công lập lại than thở điệp khúc... “bị đối xử bất công”

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 15/04/2017 07:00 AM (GMT+7)
Cho rằng phải đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng cho ngân sách nhưng lại không được “ngồi mát ăn bát vàng” như các trường ĐH công lập, nhiều trường ĐH ngoài công lập đã kiến nghị “đòi” lại hơn 1.000 tỷ đồng này để tái đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục...
Bình luận 0

img

NGƯT. Lê Công Cơ, Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân

Đại diện các trường ĐH ngoài công lập đã có những phát biểu thẳng thắn xoay quanh những khó khăn về đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, nghiên cứu khoa học... với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, tại Hội nghị các trường ĐH ngoài công lập diễn ra hôm nay 14.4, tại TP.HCM; nhằm tìm ra các giải pháp phát triển hệ thống giáo dục ĐH ngoài công lập một cách bền vững.

ĐH công lập đang... “ngồi mát ăn bát vàng”

img

Toàn cảnh “Hội nghị Diên Hồng” các trường ĐH ngoài công lập

TS Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng), nêu một thực tế hiện nay Nhà nước đang phải “bao cấp” cho khoảng 240 nghìn sinh viên công lập (do Nhà nước chi ngân sách cho kinh phí đào tạo tại các trường công lập - PV), với lượng sinh viên này thì ít nhất hàng năm Nhà nước cũng phải chi ra 2.400 tỷ đồng phân bổ cho các trường công lập, chưa kể việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cũng được nhà nước quan tâm. Trong khi đó, bản thân các trường ngoài công lập thì lại đang rất khó khăn về đất đai, về lãi suất vay... Vì vậy, mong Bộ GD-ĐT kiến nghị với Chính phủ không để các trường ngoài công lập phải “tự bơi” nữa.

“Hiện nay ở các trường ngoài công lập thì hầu như không có ký túc xá cho sinh viên, điều này phụ thuộc một phần vào chính sách đất đai, một phần nữa là lãi suất vay vốn mà các trường ngoài công lập đang chịu cũng rất cao. Đây là sự bất công thấy rõ giữa các trường công lập và ngoài công lập. Do đó, tôi kiến nghị nên áp dụng cách làm hay của TP.HCM là cho tất cả các trường áp dụng vay vốn đầu tư với lãi suất bằng 0% để tạo ra cạnh tranh lành mạnh giữa trường công và trường tư. Khi làm được điều này, tôi nghĩ ngân sách Nhà nước phải chi ra sẽ ít hơn nhiều so với kinh phí ‘bao tiêu’ mà nhà nước đang phải chịu”, bà Đào nói.

Đồng quan điểm, đại diện của ĐH Bình Dương cũng kiến nghị, Nhà nước chỉ nên “bao cấp” cho những trường ĐH công lập ở vùng kinh tế khó khăn, còn lại là phải bình đẳng, tức là các trường công cũng phải nộp ngân sách cho nhà nước.

“Trước đây Trường ĐH Bình Dương cũng tuyển sinh và đào tạo rất tốt nhưng từ khi ĐH Thủ Dầu Một thành lập thì Ngân sách tỉnh đổ vào ào ào. Từ nguồn ngân sách này, ĐH Thủ Dầu Một đầu tư mạnh thêm về cơ sở vật chất, học phí cũng thấp hơn nhiều nên thu hút hết người học. Hiện nay ĐH Bình Dương chúng tôi chỉ trông chờ vào yếu tố cạnh tranh duy nhất là tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao mới thu hút được người học”, đại diện này cho biết.

Ở một khía cạnh khác, ông Phan Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, cho rằng, các trường ĐH ngoài công lập đã khó trăm bề, thế nhưng hàng năm phải nộp ngân sách khá lớn. “Chỉ tính riêng trong năm 2016, tổng số tiền các trường ngoài công lập nộp ngân sách đã hơn 1.000 tỷ đồng. Trong khi các trường công lập lại không phải đóng góp đồng nào cho ngân sách, vì vậy tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT nên “đòi” Bộ Tài Chính chi lại hơn 1.000 tỷ đồng này để đầu tư phát triển cho hệ thống các trường ngoài công lập”, ông Sơn kiến nghị.

Cần chính sách “cây gậy và củ cà rốt”?

img

TS Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) kiến nghị nên áp dụng lãi suất vay bằng 0% với các trường ngoài công lập.

Tại hội nghị, bên cạnh những đánh giá tổng quát về những khó khăn, hạn chế của các trường ĐH ngoài công lập, nhiều ý kiến cũng cho rằng hiện nay xã hội chưa đánh giá đúng những đóng góp của hệ thống các trường này cho sự phát triển của nền giáo dục quốc dân. NGƯT. Lê Công Cơ, Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho rằng, nếu chỉ dùng con số đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng cho ngân sách quốc gia để nói đến thành tích của hệ thống các trường ngoài công lập là chưa đủ bởi hàng chục năm nay, các trường đã đóng góp một nguồn nhân lực khổng lồ cho sự phát triển của đất nước.

“Tất nhiên, mỗi trường thành lập đều có xuất phát điểm khác nhau, nhiều trường trong nội bộ cũng thường xuyên diễn ra tranh chấp nhưng nếu chỉ lấy một số ví dụ này làm đại diện cho cả một hệ thống 60 trường ĐH ngoài công lập là chưa đầy đủ. Ngoài ra, tôi cũng kiến nghị nên giám sát chặt chẽ các trường có Tập đoàn, doanh nghiệp vào đầu tư. Nếu trường nào phát triển tốt thì càng cần tạo điều kiện, cơ chế tốt hơn, ngược lại thì cũng cần chế tài mạnh với những trường làm bậy, trái luật”, ông Cơ nói.

Thẳng thắn hơn, ông Phan Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, cho rằng, hiện nay trong số 33/43 trường ĐH ngoài công lập báo cáo về Bộ đã có lợi nhuận, tức là họ đã hoạt động có hiệu quả. Còn những trường mà đã thành lập hơn 20 năm mà không có cơ sở thì bản thân các trường cũng phải tự kiểm điểm lại mình, không thể cứ đổ lỗi này nọ, tại sao các trường mới thành lập họ làm được mà mình không làm được?

Còn với PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu, Ủy viên Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng ĐH Văn Lang thì cho rằng, Bộ khuyến khích các trường tham gia các công trình nghiên cứu khoa học nhưng để hiệu quả thì phải tạo điều kiện cho các trường tham gia đấu thầu bình đẳng các công trình này với các trường ĐH công lập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem