“Ma men”, người sử dụng chất ma túy lái xe sẽ bị xử phạt nặng kể từ 1.8 tới đây.
Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt vừa được Chính phủ ban hành. Nhiều hành vi xử phạt đã được bổ sung cũng như tăng mức xử phạt đối với những hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Nghị định đã được các cơ quan chức năng xây dựng dựa trên quan điểm quy định chế tài xử phạt tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả và bảo đảm tính răn đe, khả thi khi thực hiện.
Theo Nghị định sắp có hiệu lực từ 1.8, người điều khiển xe ô tô trên đường sẽ bị phạt từ 7 – 8 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt 0,25mg đến 0,4mg/1 lít khí thở.
Mức phạt sẽ tăng lên đến 16 – 18 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Mức phạt tiền được quy định trong Nghị định 171 hiện đang có hiệu lực chỉ là 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi kể trên.
Việc phạt tiền từ 16 – 18 triệu đồng cũng được áp dụng cho cả trường hợp người điều khiển xe ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn và chất ma túy của người thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, người điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong thời hạn từ 4 đến 6 tháng.
Đối với lái xe ô tô sử dụng chất ma túy, sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng hoặc phạt tiền từ 16 – 18 triệu đồng trong trường hợp không có giấy phép lái xe hoặc đang bị tước quyền sử dụng. Trong Nghị định 171, hành vi này chỉ bị phạt từ 8 – 10 triệu đồng.
Đối với người điều khiển xe gắn máy vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc quá 0,4mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 3 – 4 triệu đồng. Đây là khung phạt cao nhất đối với “ma men” điều khiển xe gắn máy.
Trong quá trình góp ý cho dự thảo, đại diện nhiều Phòng CSGT nhiều địa phương đã cho rằng mức xử phạt cao sẽ gây khó khăn cho chính lực lượng xử phạt.
Ví dụ như mức phạt từ 8 – 12 triệu đồng vượt quá thẩm quyền của lực lượng tuần tra, phải trình lên Giám đốc. Đại diện một Phòng CSGT ở miền Trung cho rằng: “Nếu giao cho cấp giám đốc xử phạt thì 10 Giám đốc mới ký hết được quyết định xử phạt”.
Trong Nghị định 46 mới được ban hành có quy định Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng CSGT có thẩm quyền phạt tiền đến 8 triệu đồng trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Còn Giám đốc Công an cấp tỉnh có thẩm quyền phạt tiền lên đến 20 triệu đồng, Cục trưởng Cục CSGT được phạt tiền đến 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.