Trường Sa: Những giọt mồ hôi nhỏ xuống nền bê tông bỏng rát...

Thứ ba, ngày 14/05/2019 07:00 AM (GMT+7)
Trường Sa, nắng tháng 4 như đổ lửa. Cầm chắc tay súng, chiến sĩ Trần Văn Thịnh đứng nghiêm bên cột mốc chủ quyền đảo Phan Vinh B. Mồ hôi túa ra như tắm, nhỏ từng giọt xuống nền bê tông bỏng rát...
Bình luận 0

Như sắt, như đồng

Trường Sa tháng 4, nước biển xanh như ngọc. Nắng cũng rất rát. Trên đảo Phan Vinh B, chiến sĩ Trần Văn Thịnh vào ca gác bên cột mốc chủ quyền. Nghiêm trang bồng súng, Thịnh đứng hướng về phía mặt trời. Đứng ngoài trời vài phút để chụp ảnh Thịnh, tay tôi đã bỏng rát nhưng 15 – 20 phút trôi qua, Thịnh vẫn trang nghiêm đứng đó.

img

Thấy Thịnh ra nhiều mồ hôi, tôi hỏi: “Anh lấy nước cho em nhé!” Thịnh không đáp! Đi tìm một cán bộ chỉ huy đảo, tôi bảo “Anh ơi, cậu Thịnh đứng gác lâu quá, nắng thế này mất nước! Em lấy một cốc nước cho em nó nhé”. Anh này gật đầu cười. Mang cốc nước ra, nói đi nói lại vài lần, nhắc lại rằng đã được chỉ huy cho phép, Thịnh mới cầm cốc nước uống! Xong, cậu lại vào vị trí, trang nghiêm hướng về mặt trời bên cột mốc chủ quyền.

Lúc sau quay lại, thấy Thịnh vẫn đứng gác! Nhiều đại biểu chụp ảnh với cột mốc chỉ vài chục giây đã không chịu được nắng. Thịnh vẫn đứng đó. Gặp chỉ huy đảo, tôi bảo: “Bao lâu thì đổi ca gác cột mốc một lần thế anh? Cậu Thịnh gác lâu rồi mà nắng quá”. Anh chỉ huy trưởng cười, không đáp. Lúc sau, anh này ra bên Thịnh, hỏi một vài câu. Thấy Thịnh cười, lí nhí nói gì đó. Anh chỉ huy quay lại làm việc, Thịnh vẫn đứng gác, mồ hôi từng giọt, từng giọt nhỏ xuống nền bê tông cháy bỏng.

Cũng giữa nắng tháng tư, trên hành lang ven bờ biển đảo Sinh Tồn Đông, chiến sĩ Nguyễn Xuân Quang cất lời ca: “...Từ trái tim biết bao con người, cùng hướng ra, ngoài khơi xa mênh mông đó. Nơi có những con người, đang sống vì Trường Sa...”. Khóe mắt rưng rưng, mặt sạm đen vì nắng gió, Quang và những đồng đội trạc 18, đôi mươi đang ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ Quốc. Chẳng phải nói đâu xa, khi Quang đang cất cao lời ca thì Lê Hoàng Phúc đứng dưới cái nắng gần 40 độ gác cột mốc chủ quyền...

Những người lính ở Trường Sa, những tưởng qua giông gió, nắng rát tâm hồn chai sạn lại dạt dào cảm xúc. Thấy đồng đội đứng gác trong nắng nóng, vất vả, một chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông mang tận nơi một ly nước lọc để đồng đội uống. Lính Trường Sa cũng yêu văn nghệ.Tiếng ca của chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông cất lên, nhiều người cảm động rơi nước mắt. Nhưng các chiến sĩ lại cười. Họ cười, vì quen với vất vả gian lao, quen với biển đảo. Những chàng trai trẻ đã viết đơn tình nguyện ra Trường Sa, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ Quốc. Có những con người ở đó, coi đảo là nhà, biển cả là quê hương.

Đảo là nhà, biển cả là quê hương

img

Cũng chính những bàn tay cầm súng, cầm đàn, cũng là bàn tay cầm cuốc, xẻng, chăm bón từng luống rau xanh giữa biển trời khắc nghiệt. Cũng thật lạ, khi giữa mênh mông sóng gió trùng trùng, nắng như lửa đốt, lại xuất hiện một luống rau mùi xanh tươi, những tưởng chỉ trồng được ở miền Bắc vào mùa lạnh hay xứ sở sương mù Đà Lạt.

Những chiến sĩ trên đảo Trường Sa còn bảo, có lúc trồng được rau sống nữa... Những lá mùng tơi to bằng cái quạt, những luống rau cải xanh tốt dần dần trở thành một cái gì đó riêng có của Trường Sa. Và, Trường Sa bây giờ như một Đà Lạt thu nhỏ, có hoa lan nở quanh năm, hoa chiều tím, hoa giấy... tưng bừng suốt dọc đường đi. Vài loại cây ăn quả như cây ổi, cây khế, roi... cũng đang được trồng thử nghiệm, vài cây đã ra quả...

img

Và ở Trường Sa có thêm một đặc sản. Đó là chuyện tình những người lính. Ngồi nói chuyện với phóng viên, Trung úy Hoàng Văn Huê, đảo Sơn Ca bảo, cưới vợ được 12 năm, nhưng tính ra, anh chỉ ở bên vợ được mỗi năm 1 tháng. Mà chuyện cầu hôn vợ, cũng do mẹ nói hộ...

Anh Huê quê ở Ninh Bình. Ngày xưa, thời gian anh học ở Đà Lạt rồi quen vợ anh bây giờ. Vợ anh quê ở Thanh Hóa, học ĐH Đà Lạt. Hồi đó, anh Huê bảo, tán một năm thì có vẻ xiêu xiêu, nhưng đi gặp bạn bè, dù anh giới thiệu là người yêu, nhưng vợ anh thì chỉ nói là bạn. Nghĩ cũng không lấy được nhau vì xa xôi. Mỗi người một quê, lại làm việc ở hai nơi. Anh làm việc ở Cam Ranh, chị dạy học ở Đồng Nai.

Cuối năm 2006, khi anh Huê đã 30 tuổi, bố mẹ giục lập gia đình. Hỏi anh có yêu ai không, anh bảo không. Nhưng em anh Huê vào chơi, biết anh đang theo đuổi một người. Mẹ anh biết chuyện, bảo “Mày đưa số điện thoại để tao gọi. Nếu nó đồng ý thì cưới nhé”. Đến nay, anh Huê bảo, cũng không biết mẹ nói thế nào mà vợ đồng ý cưới. Thế rồi 20 Tết, gia đình anh Huê sang thăm nhà mà cô dâu chưa về kịp. 24 Tết làm dạm ngõ, rồi 26 Tết thì cưới. Đến ngày 6 Tết cả hai vợ chồng lên đường công tác. Chồng vào Cam Ranh, vợ vào Đồng Nai....Tổng kết lại, anh bảo 12 năm lấy vợ nhưng tính ra, thời gian ở bên vợ chỉ được 12 tháng.

Đến nay, anh Huê đã công tác “4 tăng” ngoài Trường Sa, lần lượt qua Đá Tây, Trường Sa, Sinh Tồn Đông rồi Sơn Ca. Lúc anh đi ra đảo, vợ đang mang bầu những tháng cuối, rồi lúc anh về, con đã 10 tháng tuổi. Suốt cả tuần, anh tìm cách làm quen với con mà không chịu...

Nghe những lời ca, tiếng hát, những tâm sự của chiến sĩ Trường Sa, nhiều người đã khóc. Một bạn nữ trẻ đến từ Bộ KH&ĐT thấy chiến sĩ đứng gác dưới cột mốc chủ quyền, lấy khăn lạnh lau bớt mồ hôi giúp. Một du học sinh ở Hàn Quốc bảo, thấy hình ảnh những người đồng trang lứa với mình ngoài đảo xa, bản thân thấy nợ một điều gì đó, khi có những người hy sinh rất nhiều để giữ vững Trường Sa, giữ bình yên cho Tổ quốc nơi đầu sóng, để đất liền yên giấc ngủ ngon, để những bạn trẻ khác có cơ hội theo đuổi những ước mơ của cuộc đời mình...

“...từ trái tim biết bao con người,

cùng hướng ra, ngoài khơi xa mênh mông đó...

Nơi có những con người, đang sống vì Trường Sa” *

(* Trích bài hát: Nơi ấy là Trường Sa)

*Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại

Trường Phong - Linh Anh (Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem