Trường Thực nghiệm không có phép màu

Thứ ba, ngày 15/05/2012 13:31 PM (GMT+7)
Dân Việt - Phóng viên Dân Việt đã phỏng vấn bà Trương Thị Cẩm Tú - Hiệu phó phụ trách khối tiểu học trường THCS Thực nghiệm, về cách dạy và học ở ngôi trường này.
Bình luận 0
img
Bà Trương Thị Cẩm Tú - Hiệu phó phụ trách khối tiểu học trường THCS Thực nghiệm

Bà có thể cho biết lý do vì sao năm nay hồ sơ xin học vào lớp 1 trường này lại tăng đột biến như vậy?

- Chỉ tiêu vào lớp 1 của trường mỗi năm chênh lệch nhau một chút phụ thuộc vào số lượng học sinh lớp 5 ra trường. Hàng năm, nhà trường cũng bán lượng hồ sơ gấp đôi chỉ tiêu tuyển vào và như vậy là đủ với nhu cầu của phụ huynh, nhưng không hiểu lý do tại sao năm nay nhu cầu vào trường lại tăng đột biến dẫn đến tình trạng xếp hàng, xô cổng như vậy.

Có thể do phụ huynh quá quý mến trường hay qua tìm hiểu, đồn đại về chất lượng dạy học của trường tốt nên mong muốn gửi gắm con em.

Một lý do khác, Thực nghiệm là trường duy nhất tuyển sinh không theo tuyến mà mở rộng khắp thành phố, nhà trường luôn luôn quý trọng tấm lòng của phụ huynh nhưng việc phụ huynh xếp hàng đông quá làm cho nhà trường cũng cảm thay khó xử, bối rối.

Liệu có phải do sự khác biệt trong phương pháp giảng dạy của trường? Cái lạ, cái mới thì luôn thu hút sự tò mò?

- Về nội dung chương trình giảng dạy thì ở trường Thực nghiệm không khác gì mấy so với các trường khác. Trước đây, trường Thực nghiệm dạy 100% là chương trình riêng của Trung tâm công nghệ giáo dục - Viện giáo dục, nhưng sau đó theo yêu cầu của Bộ GD ĐT trường đã đưa chương trình đại trà vào dạy ở ½ số lớp của 3 khối lớp 1, 2 và 3. Như vậy, hiện nay trường có 14 lớp học chương trình thực nghiệm và 13 lớp học chương trình đại trà

img
Thực nghiệm là trường duy nhất tuyển sinh không theo tuyến

Nội dung, phương pháp và kết quả của hai chương trình này có gì khác nhau? Việc phân loại học sinh theo học 2 chương trình dựa trên tiêu chí gì, thưa bà?

- Về nội dung cơ bản không có gì khác nhau, cũng giống như 2 con đường để đi đến cùng một đích vậy. Ví dụ như ở lớp 1, chương trình đại trà sẽ cho học sinh học theo cách ghi lại nhưng con chữ để đọc và viết, còn chương trình thực nghiệm thì học theo cấu trúc ngữ âm, phát âm để đọc và viết nhưng mục đích cuối cùng là học sinh biết đọc và biết viết.

Chúng tôi vẫn nói là chương trình thì có hai nhưng phương pháp thì như nhau, vì vậy kết quả không mấy khác biệt. Sự lựa chọn phân lớp cũng không có tiêu chí nào, chúng tôi chọn theo cách ngẫu nhiên bốc thăm học trò vào lớp. Về nguyện vọng của phụ huynh có người mong muốn con học chương trình thực nghiệm nhưng cũng có người thì không, con học chương trình nào cũng được.

Vậy thì “phép màu” nằm chính ở phương pháp giảng dạy?

- Tôi không nghĩ trường Thực nghiệm có “phép màu” nào cả. Nhưng có một điều tôi dám khẳng định là phương pháp giáo dục trong nhà trường khiến học sinh thích đi học lắm, học sinh mệt cũng không thích nghỉ. Vì mỗi ngày đến trường đối với các em thực sự là một ngày vui.

Ở trường, không có khoảng cách giữa thầy và trò, học sinh không bao giờ ngần ngại hỏi cô giáo, không sợ giáo viên. Thậm chí, học trò còn quan tâm đến việc hôm nay cô giáo đến lớp có vui không, có xinh hơn hôm qua không.

Bản thân tôi không thường xuyên đứng lớp nhưng hễ đi công tác 1 – 2 hôm là đã có em hỏi. Những tình cảm gần gũi giữa giáo viên và học sinh như 2 người bạn lớn đã khiến cả trò và thầy đều muốn gắn bó với trường?

Nhiều người cho rằng học ở trường Thực nghiệm học sinh không chịu áp lực điểm số, vậy việc đánh giá học trò được đựa trên căn cứ gì?

- Trước đây khi 100% dạy bằng chương trình của Trung tâm công nghệ giáo dục thì đánh giá theo cung bậc A, B, C nhưng cách đâu 3 năm khi kiểm tra theo chương trình đại trà thì vẫn đánh giá theo nguyên tắc chung của bộ GDĐT, tức là có những môn học đánh giá bằng điểm (Toán, Tiếng Việt) nhưng cũng có những môn học đánh giá bằng nhận xét.

Tuy nhiên, chúng tôi tránh áp lực cho trẻ, không đặt nặng vấn đề điểm số. Lúc đầu các em chỉ đạt chừng này thì chúng tôi động viên để các em có thể phát huy hết sức mạnh của mình. Kết quả học tập là quan trọng nhưng không phải là cố gò ép cho nó giỏi. Em nào giỏi cái gì thì cô giáo tôn trọng cái đó.

Trường tôi không phải cứ giỏi mới được khen mà cứ tiến bộ là có cơ hội đươc khen. Tức là những hình thức giáo dục, động viên đều làm tăng được sự phát triển của trẻ cả về nhân cách cũng như trí tuệ, tăng được sự hứng thú.

Một số phụ huynh mong muốn cho con học tại trường với hi vọng con sẽ trở thành thiên tài giống GS. Ngô Bảo Châu - học trò cũ của trường, bà nghĩ sao về điều này?

- Tôi nghĩ, chắc đơn giản là họ chỉ mong muốn rằng vào trường tốt thì con họ có cơ hội tốt nhất để phát triển chứ để trở thành thiên tài chỉ nhà trường đâu có làm được gì?

Bản thân tôi cũng không mong tất cả các bạn nhỏ đều trở thành Ngô Bảo Châu, tôi chỉ muốn trong quá trình học, các em phát triển chính bản thân nó, nhà trường trang bị cho các em nhận thức đúng về cuộc sống, tăng thêm đam mê, thích thú trong môn học và em thích học môn học nào nhất thì cứ học tốt nhất môn học đó, nhà trường tạo mọi điều kiện cho các em phát triển.

Xin chân thành cảm ơn bà!

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem