Những vụ bạo lực nhắm vào bác sĩ bệnh viện cùng các cán bộ ngành y gồm các vụ hành hung, đe dọa, bắt cóc, chửi bới và thậm chí giết người ở Trung Quốc (TQ) đã tăng trong vài năm qua, gồm 17.243 vụ trong năm 2010, đã là tiếng chuông báo động với những nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh, vốn xem việc cải tổ hệ thống y tế công xuống cấp là một trọng tâm hàng đầu.
Nhưng các nhà phân tích nói nỗ lực hạ giảm chi phí chữa trị ở các bệnh viện công và “tháo ngòi” xung đột hiện chưa đủ, chưa chấm dứt được tình trạng người dân bức xúc gây bạo lực. Một quan chức y tế xin giấu tên ở tỉnh Quảng Đông nói với Hãng tin : “Chính phủ rất lo ngại tình trạng bạo lực nhằm vào các bác sĩ, nhất là khi vài bác sĩ và nhân viên y tế bị tấn công hồi đầu năm 2012. Một số bệnh viện phải thuê bảo vệ để bảo vệ họ. Mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn những hành vi bạo lực”.
|
Những bệnh nhân chờ làm thủ tục khám bệnh tại một bệnh viện ở Bắc Kinh |
Tình trạng “kê” giá thuốc
Hồi tháng 7.2012, Chính phủ TQ nỗ lực giúp dân được chữa trị tử tế, bằng cách cấm các bệnh viện công “kê” giá thuốc lên 15%. Cách “kê” này từng được cho phép áp dụng rộng rãi, do nó giúp giảm bù lỗ kinh phí cho các bệnh viện công. Hồi những năm 1950, Bắc Kinh cho phép các bệnh viện công “kê” giá để giảm sức ép ngân sách, chuyển các chi phí này lên bệnh nhân.
Khi TQ chuyển qua kinh tế thị trường hồi những năm 1980, các nhà cung ứng càng đẩy giá thuốc lên cao hơn nữa. Các chuyên gia y tế nói các bác sĩ “xơi hoa hồng” khi kê toa thuốc của nhà cung ứng, vì xét theo tiêu chuẩn quốc tế thì lương tháng của họ quá thấp, từ 4.000 - 10.000 tệ (628 - 1.570USD).
Lệnh cấm được áp dụng thí điểm tại 300 bệnh viện tuyến dưới, nhưng một nhóm bệnh nhân cùng một số cán bộ cao cấp của ngành y TQ nói biện pháp này dù áp dụng toàn quốc vẫn không thể giúp dân được tiếp cận nguồn thuốc.
Họ nói thay vào đó, chính phủ nên xử lý các nhà cung ứng thuốc, vốn là một “mạng lưới” trung gian “kê” giá những 40 %, và đôi lúc “kê” cao gấp 7 lần, khiến nhiều dân thường không thể mua được thuốc. Liao Xinbo, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Đông nói: “Đó mới là chuyện lớn. Chưa có thể thay đổi được tình trạng này”.
Ông nói tình trạng nhà cung ứng kê giá cao, hứa cho các bác sĩ “hoa hồng” nếu kê toa một số thuốc, từ đó giá thuốc cao, và các bệnh viện kê toàn toa thuốc đắt tiền để hưởng lợi lớn: “Ai cũng hưởng lợi, chỉ có dân thường là khổ. Ai cần tới thuốc thì ráng chịu tốn tiền”.
Làm “đĩ đực” để có tiền mua thuốc
Xu Shiding là người vất vả tìm tiền mua thuốc. Anh bị bệnh viêm gan C kinh niên, mỗi tuần cần có hơn 1.300 tệ (210USD) để tiêm thuốc. Người thợ đào vàng ở Xinjiang (tây bắc TQ) này phải dốc hết tiền túi cho 2 lần tiêm/tháng. Anh có thẻ bảo hiểm y tế nhưng được chi trả khá hạn chế. Với thu nhập mỗi tháng 2.600 tệ, anh phải mượn thêm tiền của gia đình.
|
Ông bố dùng cây tre nối bình truyền nước cho con gái bị bệnh ở bệnh viện tỉnh An Huy, Trung Quốc |
Xu tâm sự: “Thậm chí tôi phải làm kép cho một bà nhà giàu đã có chồng”, nhưng anh ráng giấu việc được “đào già” tài trợ để chữa bệnh, nếu không thì anh sẽ bị xơ gan và thậm chí bị ung thư. Theo một báo cáo năm 2008 đăng trên tạp chí y học The Lancet, chi phí trung bình một lần nhập viện ở TQ tương đương nguồn thu nhập cả một năm, nhưng với những người có thu nhập thấp nhất thì tương đương hai năm thu nhập.
Còn theo báo cáo hồi tháng 7.2012 của Công ty tư vấn McKinsey & Company, khoản chi y tế TQ dự kiến sẽ tăng từ 357 tỷ USD năm 2011 lên 1 ngàn tỷ USD từ năm 2020.
Vấn đề là trong cỗ máy y tế TQ có một lực lượng hưởng lợi to: hàng chục ngàn xí nghiệp dược và nhà cung ứng thuốc: họ nuôi sống các công nhân và các cán bộ chính quyền địa phương từ nguồn thuế thu nhập đánh lên các công ty, xí nghiệp này.
Trong mảng y tế được phân theo tuyến này, một nhóm thuốc có thể phải qua 2 thậm chí 3 tầng cung ứng trước khi vào đến bệnh viện. Chẳng thiếu chuyện một nhà cung ứng phục vụ cho chỉ một bệnh viện, và mỗi nhà cung ứng đều sẵn sàng “trích phần trăm” và “mua” các bác sĩ cùng các nhà quảng cáo để họ tăng doanh số.
Phản đối ngầm mục tiêu “củng cố”
|
Bác sĩ Bắc Kinh muốn lấy lại hình ảnh thân thiện vốn có |
Bắc Kinh đã có kế hoạch cải tổ khâu cung ứng thuốc, nhưng các chuyên gia y tế nói nhiều chính quyền địa phương không “ưng bụng” trong bối cảnh họ phải lo tìm cách bù đắp nguồn tài chính từ thuế thu nhập khi sức tăng trưởng kinh tế của TQ đã giảm tốc. Franck Le Deu của Công ty tư vấn McKinsey & Company ở Thượng Hải nói: “Hàng ngàn nhà cung ứng đều muốn ổn định ở địa phương.
TQ muốn củng cố lại các công ty này, nhưng mỗi khi một công ty nhỏ đóng cửa thì kéo theo sự mất nguồn thu, việc làm. Đó là lý do có sự chống đối kế hoạch củng cố”. Thêm vào đó, một số công ty cung ứng lại thuộc quốc doanh, “nên họ cũng sẽ chống mọi sự thay đổi” - theo lời luật sư Li Renbing, đại diện tổ chức quyền bệnh nhân TQ. Li nói: “Liệu chính phủ có thể cắt giảm các công ty ấy? Các công ty ấy phải tồn tại, và đó là lý do tầng lớp trung gian cung ứng được giữ lại”.
Vài nhà cung ứng lớn không muốn chống lại sự thay đổi cơ chế hoạt động hiện nay. Bắc Kinh đang bắt đầu lập giá sàn và giá trần cho các loại thuốc mà nhà nước trợ giá, nhằm giúp dân có thể mua được thuốc với giá hợp lý.
Jia Zhongxin của Sihuan Pharmaceutical Holdings Group Ltd (công ty sản xuất-phân phối dược phẩm lớn hàng thứ tám TQ tính theo giá trị cổ phiếu) nói: “Khi hai mức giá này được kiểm soát, công ty nào có thương hiệu tốt hơn, được tín nhiệm hơn sẽ thắng”. Dù vậy, các chuyên gia y tế vẫn nói ý tưởng này không “ăn”, vì các bệnh viện công có thể tìm ra những cách khác để “kê” chi phí lên đầu các bệnh nhân, ví dụ bằng cách “khuyến khích” họ chịu những xét nghiệm không cần thiết, hoặc các cách chữa trị hiện đại nhưng tốn kém.
Theo Thế giới & Hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.