Truy nguồn khoai tây nhiễm độc

Thứ ba, ngày 18/06/2013 16:01 PM (GMT+7)
Ngày 17.6, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết đang cho cơ quan kiểm dịch thực vật rà soát, truy nguồn gốc lô khoai tây nhiễm chlorpyrifos (có trong thuốc trừ sâu).
Bình luận 0

Cơ quan chức năng ở thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vừa tiêu hủy 26 tấn khoai tây (chủ hàng là bà Nguyễn Thị Nguyệt, ở Đà Lạt) do nhiễm chất chlorpyrifos vượt mức cho phép tới 16 lần.

img
Khoai tây Trung Quốc đang được “mông má” tại Đà Lạt .

Lô hàng này do Cty TNHH MTV Thương mại & Xuất nhập khẩu Vân Linh ở Lào Cai (sau đây gọi là Cty Vân Linh) cung cấp, và có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn về kiểm dịch và an toàn thực phẩm (ATTP) do Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VIII (thuộc Cục Bảo vệ thực vật, đóng ở Lào Cai) cấp.

Vì sao trái ngược?

Ngày 17.6, ông Nguyễn Văn Tuân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật (KDTV) vùng VIII, nói: “Sau khi có thông tin trên, tôi đã cho anh em rà soát lại việc kiểm tra, lấy mẫu kiểm dịch, ATTP với lô hàng khoai tây của Cty Vân Linh. Tôi khẳng định là các khâu kiểm tra, lấy mẫu với lô hàng trên, các kiểm dịch viên đều làm đúng theo quy định”.

Chi cục cũng chuyển mẫu lấy ở lô hàng trên xuống trung tâm phân tích ở Hà Nội, và kết quả có phát hiện chất chlorpyrifos, nhưng nằm trong ngưỡng cho phép.

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, mẫu khoai tây do cơ quan KDTV ở Lào Cai lấy không giống với mẫu do cơ quan chức năng ở Lâm Đồng lấy, nên kết quả khác nhau là bình thường. Với khoai tây, hiện áp dụng mức kiểm tra thông thường 10%, tức là 10 lô lấy mẫu 1 lô kiểm tra.

Do vậy, lô bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vẫn có thể không nằm trong số lô không lấy mẫu. Mặt khác, không loại trừ như táo, sau khi nhập vào nội địa, trong quá trình bảo quản, có thể phun chất bảo quản, những chất độc hại vẫn có thể lẫn vào, nên quá trình sau đó cần tiếp tục kiểm tra.

Tăng cường kiểm soát

Ông Tuân nói: “Với khoai tây, những năm gần đây, nguy cơ nhiễm các đối tượng dịch hại rất lớn, nên chúng tôi cũng rất lo ngại trót lọt, vì trước đây từng đuổi mấy nghìn tấn tái xuất do nhiễm dịch hại”.

Theo lãnh đạo Cục BVTV, từ đầu năm tới nay, chúng ta nhập hàng nghìn lô khoai tây, nhưng mới phát hiện ra lô vừa rồi có nhiễm độc. Với lô nhiễm độc vừa rồi ở Đà Lạt, Cục đang xác định doanh nghiệp nhập vào từ khi nào, số lượng bao nhiêu, được đưa đi những đâu...

Những lô hàng cùng nguồn gốc, nếu tái phạm sẽ bị nâng tần suất kiểm tra lên 30%, 100%, trước khi áp biện pháp cao nhất là cấm nhập. Đồng thời, yêu cầu các cửa khẩu áp dụng biện pháp kiểm tra chặt, tăng cường lấy mẫu kiểm tra ATTP.

Liên quan lô khoai tây vàng do Cty Anh Quân (Hà Nội) nhập có trong kho của bà Nguyễn Thị Nguyệt, chiều 17.6, bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục KDTV vùng VII (đóng ở Lạng Sơn) xác nhận, Cty Anh Quân có nhập qua cửa khẩu ở Lạng Sơn, và cơ quan kiểm dịch xác nhận đạt yêu cầu về kiểm dịch và ATTP.

Đà Lạt vẫn “rửa” khoai Trung Quốc

Ngày 17.6, tại chợ Nông sản Đà Lạt vẫn có những cửa hàng rửa khoai tây - công đoạn đầu của việc “mông má” khoai tây Trung Quốc thành khoai Đà Lạt. Các cửa hàng này cũng trữ sẵn những bao bột đất đỏ chuẩn bị cho công đoạn tiếp theo là bôi đất đỏ Đà Lạt lên khoai Trung Quốc rồi đưa đi tiêu thụ, chủ yếu ở thị trường TPHCM. Một số cửa hàng trang bị cả máy rửa khoai hiệu Trung Quốc (giá 60 - 70 triệu đồng/máy), mỗi lần rửa khoảng 150 - 200 kg.

Khi tiếp xúc với người lạ, chủ các cửa hàng này đều có câu trả lời gần giống nhau: Mua khoai tây ở Đà Lạt hoặc các huyện Đơn Dương và Đức Trọng (Lâm Đồng), sau đó rửa cho sạch để vừa mắt khách hàng. Tuy nhiên, nhiều chủ vựa có thâm niên trong việc kinh doanh mặt hàng nông sản này khẳng định, khoai tây Đà Lạt vỏ mỏng nên rất dễ bị trầy xước, do đó, sau khi thu hoạch, chỉ việc phân loại rồi đem bán chứ không nên rửa; nếu rửa sẽ bị thối. Hàng tấn khoai tây vừa được rửa và đang chất đống tại chợ nông sản Đà Lạt đích thị là khoai Trung Quốc bởi hình dáng củ khoai thon dài, chứ không tròn như khoai Đà Lạt.

Việc “khoác áo” Đà Lạt cho khoai Trung Quốc đã xảy ra nhiều năm nay, để lừa khách hàng, nhưng các cơ quan chức năng cho rằng rất khó xử lý vì khi đưa đi tiêu thụ, họ không gắn nhãn mác. Hơn một năm nay, Đà Lạt yêu cầu các tiểu thương viết cam kết không buôn bán nông sản giả mạo xuất xứ, kém chất lượng để có cơ sở xử lý, nhưng vì lợi nhuận từ việc “mông má” khoai tây Trung Quốc thành khoai Đà Lạt quá lớn (gấp 4 - 5 lần), nên nhiều tiểu thương vẫn tiếp diễn hành vi gian lận này.

Theo Tiền Phong
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem