Truy quét “thủy tặc” đánh bắt cá tôm kiểu hủy diệt trên sông Đà

Tuệ Linh Thứ sáu, ngày 28/12/2018 06:15 AM (GMT+7)
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Chi cục thủy sản, thanh tra Sở NN&PTNT cùng với Phòng cảnh sát môi trường-Công an tỉnh Sơn La phối hợp với các đơn vị chức năng tại địa bàn tổ chức kiểm tra, truy quét các đối tượng vi phạm các quy định của pháp luật trong đánh bắt, khai thác thủy sản trên sông Đà.
Bình luận 0

Clip: Các đối tượng sử dụng kích điện khai thác thủy sản tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La gọi cả bản đến dọa Đoàn kiểm tra sau khi bị phát hiện. Nguồn: Lường Thủy.

Thực hiện Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 7.8.2018 của UBND tỉnh Sơn La về việc triển khai chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc trong khai thác thủy sản trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình trên phạm vi tỉnh Sơn La năm 2018, 

Truy quét “thủy tặc” còn nhiều gian khó

Trước khi thực hiện hành trình truy quét “thủy tặc” – các đối tượng khai thác thủy sản sử dụng các hình thức khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình, Đoàn kiểm tra đã tiến hành xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể và chủ động liên hệ, phối hợp cụ thể với các huyện vùng lòng hồ, nhất là các vùng trọng điểm trong khai thác thủy sản. Qua công tác phối hợp và trao đổi thông tin từ cơ sở, Đoàn đã nắm rõ được đặc điểm, quy luật hoạt động của các đối tượng khai thác thủy sản trái quy định và xây dựng phương án kiểm tra, xử lý.

img

Sau khi bị đoàn kiểm tra phát hiện và thu giữ tang vật, các đối tượng huy động thêm người giật luôn tang vật trên tay lực lượng kiểm tra. Ảnh: Lường Thủy

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lường Xuân Thủy, Trưởng phòng KT&PTNLTS, Chi cục thủy sản Sơn La, Trưởng đoàn kiểm tra, cho biết: Nhức nhối nhất hiện nay là các đối tượng khai sử dụng kích điện và các loại lưới có kích thước quá nhỏ để tận diệt nguồn lợi thủy sản. Để sử dụng kích điện, các đối tượng sử dụng các thuyền máy loại nhỏ, vợt xúc cá có gắn dây điện, 1 bình ắc quy lớn và 1 kích điện.

img

Một số đối tượng manh động dùng cả đá dọa ném Đoàn kiểm tra. Ảnh: Lường Thủy

Địa điểm thích hợp để các đối tượng khai thác thủy sản thường là ở các cửa sông, bãi cá đẻ, nơi tập trung nhiều cá ở những khu vực vắng người và khu vực giáp ranh giữa các huyện, các xã.

Để bắt quả tang các đối tượng khai thác bằng kích điện là rất khó khăn. Bởi vì, các đối tượng hoạt động vào ban đêm (từ 18h – 22h), thường đi từ 2 – 3 người, khi bị phát hiện họ sẵn sàng chống đối hoặc phi tang kích điện xuống nước. Do vậy, Đoàn kiểm tra chủ yếu phải đi làm đêm trên sông, rất nguy hiểm. Nhiều lần khi Đoàn kiểm tra phát hiện và tiếp cận đã bị các đối tượng dùng kích điện dọa, dí thẳng vào mặt rất nguy hiểm.

img

Một đối tượng đang khai thác thủy sản bị Đoàn kiểm tra phát hiện trong đêm. Ảnh: Lường Thủy

“Điển hình như khi Đoàn kiểm tra phát hiện các đối tượng đang dùng kích điện khai thác cá tại vùng lòng hồ thuộc địa phận xã Tà Hộc (huyện Mai Sơn) giáp với xã Chim Vàn (huyện Bắc Yên), họ mang theo cả súng kíp trên thuyền và sẵn sàng dọa bắn chúng tôi. Lần gần đây nhất, là giữa ban ngày ở lòng sông thuộc địa phận thị trấn Ít Ong (Huyện Mường La), khi bị chúng tôi phát hiện và thu giữ tang vật, các đối tượng kéo đông người đến uy hiếp, người cầm gạch đá, người buông lười tục tĩu lăng mạ nhằm uy hiếp chúng tôi và cướp luôn tang vật vừa bị thu giữ” – ông Thủy chia sẻ.

Theo ông Thủy, mặc dù đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét, song tình trạng sử dụng kích điện để khai thác thủy sản ở nhiều cơ sở vẫn chưa thực sự chuyển biến. Còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý nguồn lợi thủy sản. Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình vốn là dòng sông Đà chạy dài hàng trăm km từ Lai Châu tới Hòa Bình. Nhưng ở cấp tỉnh (Chi cục thủy sản) chưa có phòng thanh tra, pháp chế để thực thi pháp Luật bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Sơn La vẫn chưa có trạm quản lý thủy sản nào như các tỉnh khác do khó khăn về biên chế. Do vậy, việc quản lý này nằm ở chủ yếu ở cấp huyện, cấp xã – nơi mà khối lượng công việc là rất lớn và hầu như không có cán bộ chuyên môn về thủy sản.

img

Các đối tượng thường sử dụng loại các thuyền máy loại nhỏ, vợt xúc cá có gắn dây điện. Ảnh: Lường Thủy

Trên thực tế, trách nhiệm quản lý nguồn lợi thủy sản đã được quy định và giao trách nhiệm đến chính quyền cơ sở cấp xã, thị trấn. Nhưng đến nay, ở cơ sở vẫn chưa được trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ, cũng như các chế độ để phục vụ hoạt động tuần tra, kiểm soát nên còn gặp rất khó khăn.

Cần những giải pháp đồng bộ

Cũng theo ông Thủy: Theo quy luật hồ chứa, nguồn lợi thủy sản vùng lòng hồ thủy điện Sơn la mới đang trên đà phát triển và sẽ đạt đỉnh trong khoảng 20-30 năm tới nếu được bảo vệ tốt. Do vậy trong thời gian tới cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương trong việc ký cam kết bỏ khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc. Phối hợp với cảnh sát đường sông Công an tỉnh Sơn La, Ban chỉ đạo các huyện, thành phố trong tỉnh, tỉnh bạn trong việc thực hiện quản lý khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc… trong khai thác thủy sản trên vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La.

img

Phương tiện đánh bắt hủy diệt được lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: Lường Thủy

Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc trong khai thác thủy sản để nâng cao nhận thức về ý thức chấp hành của người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Cần xây dựng hệ thống biển báo tại các khu vực đã nằm trong quy hoạch bảo vệ bãi cá đẻ, bãi sinh vật thủy sản còn non thuộc hồ chứa thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình.

img

Những bình ắc quy được các đối tượng che giấu cẩn thận trên thuyền. Ảnh: Lường Thủy

Cùng những giải pháp trên, thời gian tới cần phải tổ chức: Điều tra nguồn lợi, đặc tính di cư sinh sản và xu hướng biến động nguồn lợi để xây dựng các quy định quản lý khai thác thủy sản hợp lý. Xây dựng kế hoạch phục hồi các loài thủy sinh vật quý hiếm, xây dựng và bảo vệ các bãi cá đẻ tự nhiên. Hàng năm tổ chức các hoạt động thả giống thủy sản đặc hữu về môi trường tự nhiên. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm về sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản.

Để đẩy lùi tình trạng dùng xung điện, chất nổ trong thác thủy sản và giữ cho nguồn lợi thủy sản phát triển một cách bền vững không bị tận diệt, thiết nghĩ cần có những giải pháp đồng bộ, như: Cần có sự đầu tư, bố trí nguồn lực cụ thể; sự vào cuộc mạnh mẽ hơn ở các cấp chính quyền; có cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất cho bà con; sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; đẩy mạnh công tác kiểm tra, truy quét các đối tượng vi phạm…

Việc dùng kích điện để khai thác thủy sản đặc biệt nguy hiểm, làm hủy hoại môi trường sinh thái, nguy hiểm đến tính mạng của chính người khai thác. Trong những năm gần đây, tại huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Bắc Yên đã có nhiều trường hợp chết người do dùng kích điện khai thác thủy sản.

Khi dùng ắc quy thông qua bộ kích điện sẽ tạo ra dòng điện rất mạnh, làm nguồn lợi thủy sản bị chết chết và tê liệt hoàn toàn. Ngoài ra, vùng nước có dòng điện chạy qua cũng bị giảm chất lượng do hàng loạt các phản ứng điện hóa, gây chết hoặc thoái hóa của các sinh vật phù du, sinh vật đáy, thảm thực vật là nguồn thức ăn tự nhiên và là nơi trú ẩn của nhiều loài thủy sinh vật. Nếu sự việc này không được ngăn chặn kịp thời, nguồn lợi thủy sản Hồ thủy điện Sơn La sẽ cạn kiệt như Hồ thủy điện Hòa Bình là một tương lai không xa

Có thể ví việc khai thác thủy sản bằng kích điện giống như việc đốt phá cả một cánh rừng chỉ để bắt một vài con kiến.

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng từ đầu năm đến nay, tỉnh Sơn La đã phát hiện và xử lý 10 vụ vi phạm trong việc sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản, thu giữ 22 bộ kích điện, 01 thuyền máy, xử phạt 15.000.000 đ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem