Truyện dự thi: Cái bàn ăn

Lê Quang Thọ (Đăk Lăk) Chủ nhật, ngày 12/04/2020 07:00 AM (GMT+7)
Những ngày cuối đông trời càng lạnh. Cái lạnh khô cả cây cối, muôn vật. Sông suối ao hồ cạn dần trong héo hắt mong chờ mưa xuân, lô cà phê xơ xác lá cành đợi dòng nước mát ngọt con người mang cho.
Bình luận 0

Đông Tây Nguyên lạnh và gió. Gió như cũng mang nhiều thang âm, lắm cung bậc lúc dồn dập, khi nhẹ nhàng, hiu hiu… Gió mang vào hồn người lắm kỷ niệm vui buồn, mỗi mùa đông về gió lại nhắc nhớ, lại khiến lòng người bất chợt chùng xuống một nỗi niềm. Gió qua những vườn cà phê bát ngát. Gió rì rào qua đám lá xanh. Gió lang thang qua các nẻo đường nghe vi vu tiếng mùa đông ngân nga qua ngõ. Gió ù ù chạy trên cánh đồng đang mùa nước cạn.

Thỉnh thoảng có tiếng ì oạp của sóng nước vỗ bờ xen trong tiếng gió nghe như cơn gió bất chợt bị giật lại, bị hất lên bởi bờ ruộng cao nào đó. Gió cuộn ào ào trên cây mít vườn nhà. Gió rít qua kẽ vách cứa vào giấc ngủ những vết buốt lạnh. Gió đông băng qua hốc núi sườn đồi nghe như tiếng hú từ rừng sâu vọng lại. Những tán cây lớn nghiêng ngả, lúc chụm vào nhau khi dạt ra xa. Có những đêm trăng mùa đông tiếng gió mơn man cùng tiếng cười vô tư của tuổi trẻ. Gió như cuộn tròn tiếng cười lăn đi dọc đường làng rồi vỡ ra trong ánh trăng thanh. Gió đông Tây Nguyên hình như cũng ấm lạnh, cũng vui buồn như đời người sống với vùng đất này. Gió đông mang hương hoa cà phê đi dọc những con đường rải nhựa xua đi giá lạnh của một thời nghèo khó, nghe đâu đây trong gió đông hương xuân đang dần đến. Gió lạnh lùng cuốn bay, hất tung đám bụi đất bazan lên cao rồi nhuộm đỏ quạch hàng cây ven đường.

Truyện dự thi: Cái bàn ăn - Ảnh 1.

Mới 4 giờ sáng, không gian như được nhuộm màu trắng nhờ nhờ loang loãng trong thời khắc giữa ngày và đêm, gió vẫn chạy dọc đường làng thỉnh thoảng như hú lên sau chuỗi dài hun hút. Ông Hai mở cửa, cái lạnh ập vào, thoáng chút tê buốt ông nhận ra có bóng người lặng lẽ đi trong màu trắng nhờ nhờ như sự phân vân ngày và đêm ấy. Có tiếng chó sủa dọc xóm nhỏ, ông Hai biết đã đến giờ người ta đi uống cà phê. Cái thói quen cũng lạ kỳ. Sáng sớm vậy, trời lạnh đến tiếng gà gáy, chó sủa nghe cũng ể oải, gượng gạo mà nhiều người đã đi tới quán rồi. Tiếng là dân nông mà quán cà phê nào sáng cũng đông người. Cứ đàn ông, con trai biết tham gia công việc đồng áng là sáng cà phê, chiều lai rai xị rượu. Lâu dần thành quen, người ta coi đó là chuyện bình thường, kể cả những giọt nước mắt sau cuộc nhậu cũng trở nên quen dần. Vợ ông Hai dậy nấu cơm sáng, thấy ông đứng nhìn ra cửa mà không nấu nước pha cà phê như mọi ngày là biết nay ông định đi quán. Bà lặng lẽ khoác cái áo ấm lên vai ông Hai, ông quay lại khẽ cười rồi bước ra đường.

Đi kinh tế mới từ năm hai mươi lăm tuổi, bốn mươi hai năm qua ông Hai chứng kiến tất cả buồn vui thăng trầm của vùng đất này. Từ ngày gánh đất thước ăn công điểm của hợp tác xã, khoai sắn triền miên mà đắp được hệ thông kênh mương sử dụng đến ngày nay. Có thể coi đó là công trình vĩ đại của ngày đầu khai hoang lập ấp. Cho đến thời mở cửa, giao khoán đất thì đời sống mới khá lên, lúc đó mới bắt đầu biết đến trồng và uống cà phê. Đầu tiên là căng-tin của xã, sau tư nhân mới được mở quán với tốc độ nhanh chóng mặt. Không chỉ cà phê mà quán nhậu, bi-da, karaoke mọc lên dày đặc.

Ông Hai bỏ thói quen đi quán uống cà phê từ khi các quán chiếu phim thay cho ca nhạc buổi sáng. Vài năm gần đây người ta nhân danh sự tiến bộ thích nghi với thời kì hội nhập, thời kỳ 4.0, đô thị hóa... thói quen uống cà phê sinh thêm ăn sáng ở quán, chiều giải mỏi cũng đến quán dù là dân thuần nông. Vì vậy bữa cơm gia đình rất ít khi đông đủ, cái bàn ăn bị đem phơi đồ hoặc kê đồ đạc lặt vặt. Cái bàn ăn mất đi dắt theo bao nhiêu thói quen đã làm nên văn hóa của người đồng quê.

Ông Hai ngồi ngay cái bàn ngoài hiên, sát đường đi. Gọi là quán nhưng chỉ là nhà ở kê vài cái bàn nhỏ trong nhà, ngoài hiên. Toàn khách quen nên xuề xòa, dễ dãi, quán không trang trí, chẳng cây cảnh, cũng chẳng có nhạc nhủng gì. Trong nhà, mỗi bàn là một sòng bài, choai choai thì bài cào, thanh niên đánh tiến lên còn lớn hơn thì chơi xập xám. Tất cả đều chơi ăn tiền, trẻ thì cười nói cãi cọ om sòm, sòng xập xám im lặng, ai cũng đăm chiêu toan tính vì ăn thua số tiền lớn. Hầu như quán cà phê nào ở đây cũng vậy, riết rồi thành bình thường dù thắng thua bên ly cà phê vài trăm ngàn, có khi cả triệu bạc. Ngày xưa quán có cái máy cát-xét mở nhạc cứ kêu rột rột mà ai nghe cũng sướng, sau đến chiếu phim, giờ là bài bạc. Người nói “thời buổi này...”, kẻ thở dài thườn thượt khi nhận ra người quê đang thay đổi. Những người giải trí bằng cách này khi đi làm về đưa tiền cho ba mẹ hoặc vợ thường ít đi. Mấy cậu choai thì tranh thủ làm thêm gì đó. Mà có vẻ như thói quen này tỷ lệ thuận với nạn trộm cắp vặt thì phải.

Đang nghĩ miên man ông Hai giật mình vì lời chào của người đàn ông trạc 40 tuổi vừa ngồi vào bàn. Qua vài câu chào, ông Hai hỏi:

- Thịnh sạ xong chưa? Yên tâm lo tết rồi chớ?

- Sạ thì xong rồi mà tết chưa yên chú ơi. - Người đàn ông tên Thịnh nói giọng bồn buồn - Sáng con vô nhà mà chú đi rồi.

Thịnh chợt ngượng ngùng, ấp úng:

- Làm đám cưới cho gái lớn nhà con, nhờ chú tối qua bàn với ông già con chứ việc này con không rành.

- Giỡn thiệt mày, ruộng đồng chưa xong, tết nhứt tới nơi rồi - ông Hai giọng cười cười - Hay là...

- Dạ, đúng á chú, cưới chạy bầu - Thịnh tiếp lời ông.

Cả hai người đàn ông chợt im lặng. Ánh mắt Thịnh chùng xuống một nỗi buồn có chút thất vọng, lo lắng cho con. Đạp xe gần mười cây số ra huyện học cấp 3, chưa hết lớp 10 nó kêu oải quá xin nghỉ. Mười sáu tuổi phải cưới chạy bầu. Rồi nó ăn ở với gia đình người ta sao đây?

Thế hệ ông Hai, ông Phát - ba của Thịnh, nghèo khó mà khuôn phép. Ngày ấy mà ra đường cợt nhả, lí lắc là đủ tai tiếng cả nhà. Cơm gạo thiếu trước hụt sau, quần áo còn vá được lớp nào là cứ vá vậy mà người lớn nói phải răm rắp nghe lời. Đến lứa như Thịnh thì khó khăn vài ba năm đầu đời, về sau đời sống khá lên nhanh. Vẫn thừa hưởng tập tục, phép tắc mà thế hệ trước để lại. Sau này hội nhập, phát triển có thoáng hơn đôi chút nhưng nếp nhà vẫn còn được ít nhiều. Đến lứa trẻ như con của Thịnh thì mất dần tập quán đồng quê. Nhân danh sự hiện đại, hội nhập, thời kỳ công nghệ thông tin... lớp trẻ coi việc trút bỏ nếp nhà, văn hóa làng xã là biểu hiện của sự hiện đại. Thế hệ thứ hai, tức cha chú bọn trẻ là cầu nối giữa thời nghèo đói mà nề nếp với thế hệ sống sung túc no đủ và phóng khoáng tới mức cẩu thả. Xét kỹ mới thấy lỗi là ở thế hệ thứ hai sống giao thời mà không giữ được nếp nhà nếp quê. Mà có lẽ do tác động của xã hội không đủ lớn để giữ cho đạo đức đi qua cám dỗ của đời sống kinh tế ngày càng khá lên.

Hai ly cà phê vơi dần trong yên lặng. Hai người đàn ông mải trôi theo suy nghĩ của hai thế hệ mà không biết bọn trẻ lần lượt sang quán ăn sáng. Chỉ vài cái bàn nhỏ ngoài hiên nhà, quán cũng đủ để người ta thể hiện sự hiện đại của mình. Đàn bà con gái người ăn, kẻ mua về. Cánh đàn ông con trai vừa ăn, vừa uống rượu, mặt mũi đỏ gay và tiếng nói cũng to dần. Ăn thay đổi, đạo đức thay đổi theo. Sáng ăn ở quán, trưa ăn ngoài đồng, tối đi nhậu xong về ăn một mình. Bữa cơm gia đình hiếm hoi mới có lần đông đủ, tự nhiên việc trẻ nhỏ mời cơm người lớn mất đi không hay. Đạo đức xã hội cũng bị lệch lạc dần trong cái nhìn dửng dưng của nhiều người.

Trời nhá nhem tối, cái thời khắc giữa ngày và đêm hình như dễ làm con người rơi vào tâm trạng chông chênh trống vắng. Thịnh loay hoay từ nhà ra ngõ rồi lại trở vào, rồi quay ra như kẻ chồn chân hay rối bời lo nghĩ. Cô vợ cũng quẩn quanh trong bếp, căn nhà càng ảm đạm trong bóng tối đậm dần. Cuối cùng cô vợ hỏi nhỏ:

 - Cơm nhé?

Hai vợ chồng ngồi bệt nền nhà, Thịnh đưa mắt nhìn quanh. Cô vợ hiểu ý nói:

 - Con bé trong buồng nó, lúc nào ở nhà cũng ôm điện thoại. Hai thằng em học hành gì đi hoài. Đứa nào ăn tự lấy. Còn cái bàn ăn em đem ra chỗ bể nước úp xoong nồi chén bát cho rộng - thấy chồng nhìn quanh bếp cô vợ hiểu ý nói tiếp - để cũng có dùng tới đâu.

- Thời buổi này... - Thịnh lắc đầu thở dài

- Lâu rồi anh có ăn cơm tối với mẹ con em đâu, lâu dần bọn nhỏ cũng vậy. Mà chuyện con bé anh cũng đừng nghĩ nhiều. Đầy đứa như nó mà người ta không nói thôi. Cưới năm, bảy tháng sinh con không tạm ứng thì là gì. Người ta cưới cho là may, có đứa tự nuôi con nữa kìa - cô vợ nói một thôi một hồi, kể một tràng dài những cái tên mà chị cho là tạm ứng trước hôn nhân, hoặc làm mẹ đơn thân. Thịnh không nói gì. Đúng là lâu nay anh không có cảm giác ấm cúng của bữa cơm gia đình. Cứ chiều về là tụm lại gầy độ nhậu rồi bi-da, hát karaoke về nhà lại lấy điện thoại lướt mạng. Cái sự hiện đại vô tình đẩy anh ra xa gia đình, mấy đứa con cũng vậy nên mới ra nông nỗi này. Bữa cơm này Thịnh thấy nhạt mồm chẳng ngon lành gì. Không phải vì chuyện nhà vì nó không quá to tát. Có lẽ vì nay không có chút sương sương như mọi ngày. Thịnh vừa buông đũa thì ông Phát và ông Hai vào. Nhìn mâm cơm ông Phát nói ngay:

- Ngày ra riêng ba mẹ chỉ dặn mỗi một câu: Nếp nhà phải giữ. Bây giữ kiểu gì mà mâm cơm chỉ hai đứa? Riết rồi nền nếp gia phong tự mất thôi.

Sau câu chào, Thịnh thở dài:

- Thời buổi này...

- Thời buổi nào thì cha mẹ cũng phải dạy con, đạo đức xã hội phải bắt đầu từ gia đình. Dân nông bữa cơm tối phải đông đủ để dạy bảo con - ông Phát cắt lời con.

Ông Hai nhắc hai cha con việc chính: Chuyện cưới chạy bầu. Bàn bạc xong ông Phát kết luận làm đơn giản vì đang mùa gieo sạ vừa tưới cà phê lại lo sắm sửa tết mà cũng chỉ là cưới gấp. Tiễn hai ông ra cửa, Thịnh thở dài:

 - Thời buổi này...

Ông Phát quay phắt lại:

- Lại thời, thời trên mạng bây coi là thời của nơi khác. Bắt chước cũng tùy cái chớ, có hay ho gì đâu mà dình dang ra - chợt ông nghiêm mặt chỉ tay về phía con trai - Còn hai thằng, từ nay trở đi bữa tối bây phải ăn cơm với mẹ con nó, dạy bảo con cái đàng hoàng, nghe chưa? Dù lên cung trăng, sao hỏa, dù đi Âu, đi Mỹ nếp nhà phải giữ nghe con, nhớ chưa? - ông Phát huơ tay về xóm dưới hạ giọng dặn thêm - Đừng để nó rượu chè, trộm cắp, đánh nhau đi tù rồi hối hận.

Sau ngày cưới con gái, Thịnh đàn đúm ăn nhậu với bạn bè mấy ngày Tết Canh Tý rồi tu tỉnh dần. Những buổi trưa ngoài đồng anh lân la nói chuyện với ông Hai nhiều hơn. Ông nói già mà còn làm được thì vẫn làm cho con cháu noi theo. Nhìn vào nhà ông, con cháu đứa học hành làm việc Sài Gòn, Đà Nẵng, đứa ở nhà làm nông đều lễ phép, nền nếp đâu ra đó. Ông Hai nói đúng, cái bàn ăn chứng kiến tất cả vui buồn ấm lạnh của gia đình. Nhân cách con người cũng từ đó mà nên. Từ nết ăn, cách ngồi, cách thể hiện tình cảm gia đình đến bài học luân lý... đều từ cái bàn ăn trước tiên. Nếu biết giữ thì cái bàn ăn sẽ giúp con người dừng lại đúng lúc và biết rời thế giới ảo để về với gia đình. Nó sẽ là tường thành ngăn những độc hại trên mạng xã hội thâm nhập vào tâm hồn con người, nhất là tuổi trẻ.

Ngày đứa con trai út vào đại học, Thịnh làm mấy mâm cơm mời hàng xóm. Anh nói thằng anh học đại học không làm cơm, giờ thằng em nữa coi như trọn vẹn mới mời bà con hàng xóm chung vui. Anh cám ơn ông nội các cháu, cảm ơn ông Hai đã đưa cái bàn ăn trở lại với gia đình anh mới có hôm nay. Nhiều người nghe chuyện gật gù, nhà ai cũng có vốn quý ấy mà không biết dùng. Nay thì phải giữ cái bàn ăn mới được. Vợ chồng đứa con gái cũng đưa con về chơi. Thấy Thịnh ra vô lăng xăng nó cười cười chỉ cái bàn ăn đã cũ, đen sậm, chân bàn tháp thêm mấy thanh gỗ. Thịnh hiểu ý nó, anh nói:

 - Nhà con cũng giữ cái bàn ăn nghe. Xấu đẹp gì cũng được. Khoai sắn hay bún phở cũng dọn lên đó cả nhà cùng ăn, hạnh phúc từ đó mà nên con ạ.

- Ngày xưa cái bàn này để gần bể nước... -  con gái Thịnh bỏ dở câu nói quay đi, anh cũng bước vội ra sân.

Truyện dự thi: Cái bàn ăn - Ảnh 2.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem