Khi người chạy xe thồ chạy vào con đường nhựa mới mở ngang qua một khu dân cư mới và rất lạ, tôi ngơ ngác anh hỏi chỗ này là chỗ nào?. Anh xe nói: "Đây là Làng Mới, chỗ này là đồng cỏ ngày xưa. Bao lâu không về quê rồi?".
Nghe đến đồng cỏ, tôi vội nói anh cho xe dừng lại, tôi muốn xuống đây.
-Còn xa, về làng phải một cây số nữa.
-Tôi biết, nhưng tôi muốn xuống đây.
-Tìm nhà ai?
-Không, tôi muốn đi bộ một đoạn.
Tôi trả tiền, anh xe nhất định "chỉ lấy tiền xăng" vì chưa đến làng. Người quê tử tế quá. Có vẻ mọi biến thiên bên ngoài vẫn còn ở xa chưa tới đây. Đợi người tài xế quay xe chạy đi, tôi mới được một mình tự do hồi tưởng.
Đồng cỏ? "Vương quốc đồng cỏ" của chúng tôi ngày trước chỉ mọc được mỗi một thứ cỏ năn. Cây cỏ năn rỗng ruột mềm èo không dùng được vào việc gì. Trâu không ăn, không lợp nhà được cũng không nấu bếp được. Cỏ năn phơi khô mau mục dễ nát không thể lợp nhà. Nấu bếp cũng thua rơm rạ vì khói, hoặc cháy ào ào quá nhanh. Tôi chỉ đoán vậy vì chưa từng có ai trong làng cắt cỏ năn về lợp nhà hay đun nấu. Đất đồng cỏ không trồng cấy được gì. Phèn đóng vàng trên mặt bùn phẳng lặng không một dấu chân lội. À không, cũng có, có lần tôi nhìn thấy vài ba dấu chân lờ mờ dưới mặt nước xăm xắp đã bị lớp phèn lâu năm làm "rêu phong" như dấu chân người tiền sử. Lúc ấy tôi tin chắc đất đồng cỏ chai cứng lắm, lại ken dày gốc cỏ năn lâu đời lội không lún, không thể cuốc lên khai hoang được.
Từ khi lớn lên tôi đã thấy đồng cỏ ở đó, đã hoang dại mênh mông vô dụng như vậy rồi.
Nhưng đồng cỏ hoang vô dụng, cũng tựa như khoảng lặng vô thanh trong một bản nhạc, như đại sảnh trước một tòa nhà, như không gian trống trong một phòng khách rộng, biết đâu cũng là sự sắp đặt để không vô tình của trời đất. Đồng cỏ không thể nói là đẹp. Hoa cỏ năn càng không đẹp. Nhưng không hiểu sao khi đi qua đồng cỏ tự dưng người ta muốn dừng chân. Nhìn đồng cỏ hoang vắng mênh mông đượm buồn người ta muốn hát một câu gì đó. Tôi đã từng gặp những đứa đứng trước đồng cỏ thật lâu như vậy. Có đứa thả trâu ăn cỏ trên bờ đứng chắp tay sau lưng. Có đứa đứng chống đòn gánh cạnh gánh rau rong hay gánh cỏ. Có đứa nghêu ngao đọc bài thơ học thuộc lòng trong sách Tập Đọc chẳng liên quan gì. Tôi hiểu cảm giác của chúng nó.
Thỉnh thoảng tôi lại nằn nì đứa bạn cho tôi cỡi trâu ké với nó lên đồng cỏ chơi. Phải nằn nì vì nó dạy mãi tôi vẫn không biết cách lên lưng trâu. Nó thì chỉ cần bấu mấy ngón chân vào hõm đùi trâu, hai tay vươn lên bám lấy cổ trâu, chân kia nhún một phát lấy đà, ngoắt một cái nó đã ngồi vắt vẻo, nhẹ nhàng thuần thục. Nó làm mẫu đi làm làm mẫu lại mấy lần tôi vẫn trầy trật rơi xuống. Cuối cùng phải gọi thằng Vỹ nắm hai chân tôi đẩy lên, đứa bạn ngồi trên lưng trâu túm tay lôi, tôi mới lên được. Tôi phục nó như nữ tướng, thấy mình như quân lính quèn kém cỏi. Ngày ấy làng tôi co cụm quần cư ở giữa, xung quanh là ruộng đồng, như thóc trấu chụm lại giữa sàng. Ngồi trên lưng trâu đi trên bờ ruộng xuyên qua những cánh đồng, phóng tầm mắt ra xa hai bên, thật vô cùng sung sướng. Chúng tôi nhịp hai chân vào hai bên hông trâu, tưởng tượng mình đang cưỡi voi. (Sau này khi có cơ hội ngồi trên bành voi ở một khu du lịch, tôi cảm nhận mỗi bước voi đi xương sống voi cũng trật qua trật lại y như lưng trâu. Tôi ngồi sau nài voi cũng như ngồi sau lưng đứa bạn "nài trâu" ngày trước, nhưng không tìm được cảm giác vui sướng khi đó nữa).
Lớn thêm vài tuổi nữa tôi mới biết đồng cỏ không hoàn toàn hoang dại buồn tẻ. Sống chung giữa các gốc năn còn có cá và ốc. Ốc đồng cỏ gầy, vỏ to ruột teo không đầy như ốc ruộng lúa, nhưng rất nhiều. Nhiều, có lẽ vì không ai bắt. Từ xưa đến nay chúng cứ tự do sinh sôi, cũng như cỏ năn tự mọc tự tàn tự sinh tự diệt, bình yên trong vương quốc của bọn chúng.
Nhưng "từ xưa đến nay" không có nghĩa cứ vậy mãi. Đến một lúc vương quốc đồng cỏ của chúng không còn bình yên nữa. Một hôm, đứa bạn cùng xóm rủ tôi lên đồng cỏ "dấm ốc". Nó nói chính mắt nó thấy người ta gánh từng gánh ốc nặng từ đồng cỏ về.
Chúng tôi bắt chước, cũng đi tìm bẻ lá sắn lá xoan về bó lại thành từng bó nhỏ. Quanh các vườn có cây sắn nào người ta cắm chen làm hàng rào bị chúng tôi vặt gần hết lá. Xoan thì phải trèo lên cây bẻ lá ném xuống. Từ chiều thứ bảy, chúng tôi đã cắp rổ lá lên đồng cỏ, gặp mấy người lạ gánh một gánh lá đầy tận cổ quang. Họ đi tiếp tới tận phía bờ xa đằng kia. Chúng tôi dừng lại bắt đầu bỏ tổ dấm. Đứa bạn dạy tôi cứ cách năm bước chân bỏ xuống một bó lá ven bờ. Mỗi bó lá là một "tổ dấm" dụ ốc đêm bò đến ăn. Sáng hôm sau phải dậy từ ba giờ lúc trời chưa sáng để lên "thu hoạch". Nếu lên muộn hay đợi trời sáng hẳn ốc ăn xong sẽ bỏ đi gần hết. Chúng tôi ngồi co ro trên bờ cầm rổ chao bó lá lên. Dưới ánh trăng nhìn rõ những con ốc nhồi ốc bươu đói ăn đang bám chặt miệng vào nắm lá, chỉ việc nhặt bỏ rổ. Xong lại bỏ nắm lá xuống chỗ cũ. Mỗi "tổ dấm" thường cho thu hoạch ba đêm. Đêm đầu lá còn tươi ốc ít ăn. Đêm thứ ba lá rã cũng ít. Từ đêm tứ tư trở đi càng ít không đáng kể, người ta bỏ luôn. Được nhiều nhất phải là đêm thứ hai. Biết vậy nhưng chúng tôi vẫn thất vọng. Sao nghe nói ốc đồng cỏ nhiều lắm, đâu có nhiều đâu? Đứa bạn bỗng nhớ ra, như người ta nói phải lội xuống mò cả bên dưới tổ dấm nữa mới nhiều.
Chúng tôi xắn quần lội xuống thử. Vì tin chắc đất đồng cỏ chai cứng lội không lún, tôi đã bất ngờ kêu "á" một tiếng khi bước hủm xuống bùn sâu đến đầu gối. Thì ra lớp phèn lưu cữu đóng vàng trên mặt bùn đã đánh lừa mắt tôi. Đứa bạn có vẻ đã biết nên nó không có vẻ gì bất ngờ. Chắc nó tưởng tôi kêu "á" vì nước lạnh. Thế là tôi lập tức tỉnh bơ làm như mình cũng đã biết thừa, không nói gì nữa.
Chúng tôi bắt đầu mò và cùng reo lên, quên cả rét. Quả nhiên bên dưới các bó lá lủng nhủng ốc nằm lăn lóc trong đám gốc năn. Bọn này mới ăn no xong còn nằm đó chưa bò đi. Nhiều con ăn xong trước đang bò đi rải rác, xa dần. Tôi tiếc cố "đuổi theo", bắt cả những con đang trên đường bỏ đi chưa xa lắm.
Rồi giống như bị ốc dẫn dụ, tôi bất thình lình sa xuống một hố lầy sâu đến ngực. Khoảnh khắc bất ngờ bị hụt chân rơi tự do xuống hố bùn làm tôi thất tán hết hồn vía. Chỉ biết lúc hoàn hồn tôi thấy hai tay mình đang túm chặt hai nắm cỏ năn mềm èo như bọt bèo. Hai tay tôi? Tay của tôi, sao lúc nó túm chặt lấy nắm cỏ năn tôi lại không biết? Ai, cái gì đã điều khiển những ngón tay tôi lập tức quơ túm lấy cái gì đó vào giây phút ấy? Một cái gì đó ở ngoài tôi, không phải tôi, mà mãi sau này tôi mới biết tên của nó chính là: bản năng.
Khi hoàn hồn tôi thấy đứa bạn vẫn thản nhiên mải mê bắt ốc. Tôi vừa trải qua một tíc tắc dài bằng cả kiếp sống mà nó không biết gì cho đến lúc tôi gọi. Nó ngoái nhìn ra, cười và nói một câu rất thừa: "Đừng ra ngoài ấy!". Rồi nó đứng đơ ra. Tôi không dám nhúc nhích sợ nhỡ sụt xuống sâu hơn. Chỉ còn một cách, tôi phải đứng đây một mình chống chọi với lũ đỉa, đợi nó chạy về làng gọi người lớn. Đồng cỏ thì mênh mông vắng vẻ!
Nhưng may quá có hai người lạ gánh ốc đi tới. Người đàn ông bảo tôi: "Đứng im, đứng im đấy". Rồi ông cầm đòn gánh dò đường lội xuống... Tôi còn nhớ lúc đó trăng đã lặn, trời bắt đầu sáng.
- Đừng có dấm ở đây. Phía này nhiều hố lầy sâu lắm, có ngày chết đấy - Người đàn bà đứng trên bờ nói.
- Thôi về đi đừng bắt nữa - Người đàn ông vừa kéo tôi lên nói.
Rồi họ gánh ốc đi. Không cần họ nói chúng tôi cũng về. Nhưng tôi phải xuống mương gột bùn trên người đã. Đứa bạn đứng chờ trên bờ cạnh rổ ốc. Lạnh quá. Lúc ấy đã cuối mùa xuân nhưng sáng sớm nên trời vẫn rét. Tắm xong tôi run lập cập chạy lên bờ tròng chiếc áo len gai qua đầu nhưng mãi không xỏ được tay áo. May làm sao tôi lại cởi áo len để trên bờ trước khi lội xuống mò ốc nên vẫn còn áo mặc. Cũng lúc ấy, thằng Vỹ đi đổ ống trúm dấm cá rô về qua. Nó kêu lên ủa, hai con tẩm này cũng đòi lên đây dấm ốc cơ đấy. Vừa nói, nó vừa giúp tôi xỏ tay áo: "Bị rơi xuống hố lầy chứ gì. Ai bảo ngu. Không thấy rét à?".
Chuyện này đáng lẽ chỉ tôi với đứa bạn biết, giờ thêm thằng Vỹ. Chúng tôi phải dặn nó về đừng nói. Nếu chuyện tôi bị rơi xuống hố lầy đồng cỏ lộ ra chắc chắn tôi sẽ bị ăn đòn. Thời ấy cha mẹ ít quản con. Đêm ngủ thường không đóng cửa. Giấc ba, bốn giờ sáng đã gọi nhau ra đồng thăm câu, thăm trúm, bắt ốc dấm ở ruộng lúa là bình thường. Nhưng không ai nghĩ chúng tôi đi lên tận đồng cỏ.
Về sau chúng tôi mới biết thêm đồng cỏ còn được gọi là tiểu đầm lầy, có những hố lầy sâu đến cổ người lớn, được ngụy trang bằng bèo bùng đánh lừa mắt người. Bèo bùng không phải một loại cây bèo. Nó là những mảng rều rác. Vào mùa mưa bão nước đầm dâng cao đưa rều rác trôi xuống phía thấp, tụ lại thành mảng thành bè trên những hố bùn loãng, được lớp phèn lâu ngày bám phủ lên nhìn tưởng như đất cứng. Thảo nào phía ấy không có ai dấm. Đúng là khôn đâu đến trẻ. Nghe chuyện ấy, chúng tôi thấy rùng mình.
Sau lần đó chúng tôi cạch không lên đồng cỏ dấm ốc nữa. Nhưng người làng kéo nhau lên ngày càng nhiều, như tìm ra một mỏ quặng cứu đói. Trước đó người ta chỉ kiếm cua cá ở đồng ruộng quanh làng, không ai nghĩ tới chuyện phải bỏ công đi xa lên tận đồng cỏ kiếm con cá con ốc. Những cây xoan lớn nhỏ đều bị chặt cành vặt lá. Lúc đầu người ta chỉ bẻ cành nhỏ, về sau lá hiếm dần những cành lớn trên cao người ta cũng trèo lên chặt gãy răng rắc rơi ầm xuống. Cho đến giờ tôi cũng không biết ai là người đầu tiên biết được ốc thích ăn lá xoan, thứ lá đắng kinh hoàng thường chỉ để ủ chuối cho mau chín và tắm ghẻ.
Sau ốc, đến lượt cá đồng cỏ bị săn bắt bằng cách cắm câu, đặt trúm, cuối cùng là quăng lưới. Cá đồng cỏ cũng gầy toàn xương.
Một lần tôi cùng đứa bạn cỡi trâu lên đồng cỏ chơi vào thời kì hậu bình yên đó, thấy cỏ năn bị đạp rạp xuống từng khoảnh lớn, gãy nhàu. Có hai chiếc cần câu người ta thu sót vẫn cắm ven bờ nhưng không có cá. Những người cắm câu thường vác cả bó cần tre vài chục chiếc đã móc sẵn mồi lên cắm ven bờ vào lúc chập tối. Sáng hôm sau họ đi thu cần lúc trời chưa sáng hẳn nên bỏ sót.
- Bọn ốc bọn cá ở đây chắc chẳng bao giờ biết còn có những vương quốc khác bên ngoài vương quốc đồng cỏ của chúng nó đâu nhỉ.
- Ừ. Tôi đáp, mải nhìn những ổ trứng ốc màu trắng như cục vôi ven bờ.
- Chúng nó sinh ra ở đây, lớn lên già đi rồi chết ở đây. Cha mẹ ông bà tổ tiên dòng họ nó cũng nối nhau ra đời rồi chết đi ở đây. Chúng nó không biết bên ngoài đồng cỏ còn có các đồng lúa, các con mương cũng có cá với ốc khác. Mỗi cánh đồng là một vương quốc của bọn cá và ốc khác sống ở đấy. Mỗi làng có nhiều đồng ruộng, nhiều vương quốc. Mỗi xã có nhiều làng, mỗi huyện có nhiều xã, mỗi tỉnh có nhiều huyện, cả nước có bao nhiêu là cánh đồng. Đúng là hằng hà sa số mày nhỉ. Vương quốc nhiều như cát sông Hằng.
Đại để nó nói vậy. Tai tôi lùng bùng nghe một mớ những câu "khác khác" với "vương quốc khác". Tôi chỉ nhớ hai câu cuối, ngày thường chúng tôi vẫn hay nói "hằng hà sa số", nhưng lúc ấy tôi mới hiểu ra nghĩa là nhiều như cát sông Hằng. Sông Hằng ở đâu tôi không biết, nhưng số hạt cát hai bên bờ bất cứ một con sông nào mà chẳng vô cùng nhiều.
- Chúng nó cũng không biết trên bờ còn có những loài khác, có loài người nữa.
- Chắc bọn cá tưởng người gỡ câu đổ trúm là những gã khổng lồ nhỉ.
- Tao nghĩ với bọn nó, con người phải là ông trời.
- Hay hôm nào mình thử bắt bọn ốc ở đây đem về thả ruộng lúa khác xem sao? Mày nghĩ vua của chúng nó là ốc hay cá?
Tôi nhớ những chậu đựng cá xăm xắp nước của những người bán cá ở chợ, thỉnh thoảng vẫn thấy một con bị táp mất một mảng đầu, nhưng nó vẫn sống.
- Tao nghĩ chỉ bọn cá có vua thôi. Nếu con cá vua bị cắn câu hay mắc trúm chúng nó sẽ tìm con khác kế vị. Chúng nó cãi nhau đánh nhau tranh nhau làm vua đấy. Có con bị cắn sứt một mảng đầu thấy chưa? Còn bọn ốc mỗi con có một cái nhà riêng, nó tu rồi.
Đến bây giờ tôi vẫn giữ ý kiến bọn ốc với bọn cá đồng cỏ phải coi con người là ông trời, là thượng đế, chứ không phải những gã khổng lồ. Bọn nó không biết tại sao nó bị bắt, không biết về kẻ đã bắt nó cũng như cách cắm câu thả mồi. Nó chỉ biết nó bị chết vì ăn. Rồi khi đồng cỏ bị lấp dần để xây nhà, vương quốc bị triệt xóa chúng sẽ cho đó là thiên tai. Tôi hình dung khi những xe đất đá đầu tiên đổ xuống lấp đồng cỏ, lũ cá nhanh nhẹn sẽ lao vút đi bỏ "chạy" ra xa, hoảng hốt kêu lên trời sập trời sập. Còn bọn ốc chậm chạp không có mắt sẽ không kịp hiểu chuyện gì.
Bọn ốc chậm chạp ấy… Hôm ấy về chúng tôi đổ ốc vào cho sống trong vại nước gạo để chúng thải hết đất trong ruột. Buổi tối chúng tôi còn cẩn thận úp chiếc rổ lên miệng vại, chặn thêm chiếc thớt gỗ nặng trịch lên, thế là yên chí. Nhưng qua một đêm bọn ốc đã chạy thoát gần hết. Mới sáng tinh mơ đứa bạn đã chạy qua gọi tôi. Nó kêu to mày ơi sang xem này, mất hết ốc rồi. "Mất hết ốc rồi!" mà giọng nó đầy háo hức. Tôi theo nó chạy sang, thấy sân nhà nó đầy ốc đang bò vung vãi như sung rụng bão. Chúng tôi kinh ngạc nhìn toàn cảnh ốc vượt ngục. Chiếc rổ úp trên miệng vại bị đẩy ghếch lên như cái miệng đang cười, hất cái thớt rơi xuống sân. Ốc trong vại vẫn đang lũ lượt theo nhau thoát ra qua cổng thành hé mở hình miệng cười đó. Leo qua khỏi miệng vại, bọn chúng thả mình rơi cùng cục xuống đất, rơi cả lên nhau, vỏ chạm vỏ phát ra những tiếng cục cục nhưng không con nào bị vỡ. Chúng co lại đóng cửa vảy nằm im dưới đất một lúc nghe ngóng, sau đó mới từ từ mở miệng thò ra khỏi vỏ bò đi. Hành trình chậm chạp đến sốt ruột. Vậy mà khi chúng tôi mở rổ lên thấy ốc trong vại đã mất vãn gần hết thật.
- Thảo nào cả đêm tao cứ nghe tiếng lục cục, lục cục ngoài sân.- Đứa bạn tôi nói.
Chúng tôi đi nhặt bắt lại nhưng chỉ được hơn nửa. Lũ ốc bò tản mát khắp nơi, bò ra tận ngoài vườn, núp dưới những luống rau cụm ngải, bụi sả chân rào. Thằng Vỹ đi qua thấy chúng tôi lom khom vạch tìm, nó biết ngay.
-Đã nói rồi, phải đậy kĩ lại không đêm nó bò đi hết mà không nghe.
- Đậy rồi, nhưng bọn nó vẫn hất ra được.
- Dốt lắm, phải đậy ngửa rổ lên chặn thớt vào trong, cha bọn chúng cũng không hất ra được.
- Trốn ra cũng bị bắt lại thôi. Làm như muốn thoát là thoát được. Đứa bạn tôi nói giọng chắc nịch.
Câu răn đe lũ ốc của đứa bạn không ngờ gần như vận vào chính nó. Năm mười sáu, mười bảy tuổi, chúng tôi cùng một lũ choai choai trong làng cựa quậy đòi "xin" bằng được đi công nhân trồng rừng khi có một lâm trường về tuyển. Mấy người già nói chúng tôi dại dột. Đang ở đồng bằng lại xin lên rừng núi. Kệ. Chúng tôi thích làm công nhân. Làm người của giai cấp công nhân tới tháng lĩnh lương mua gạo sổ, chả phải lo được mùa mất mùa, còn được phiếu vải 5 mét ưu tiên mua vải lụa vải lon may quần áo đẹp. Còn nữa, cái này mới là chính, chúng tôi háo hức muốn bay nhảy đến những nơi xa, muốn thoát khỏi "vương quốc hợp tác xã".
Thời gian đầu đến lâm trường cũng vui vì mới mẻ. Toàn nam thanh nữ tú trẻ trung ở nhiều địa phương khác nhau hợp lại, làm quen. Đã có nhiều đôi yêu nhau. Nhưng rồi xảy ra chiến tranh. Lâm trường vỡ trận, mạnh ai nấy chạy tán loạn. Vỹ và đứa bạn chạy trở về làng, như những con ốc muốn thoát ra khỏi vại không thành. Số khác quay trở lại lâm trường thời gian sau đó. Tôi không quay lại lâm trường cũng không về làng. Tôi đi tìm vương quốc khác.
Nay tôi về. đồng cỏ đã "biển dâu" thành Làng Mới. Tiền sảnh rộng như vậy sao lại bỏ không cho bất cứ ai cũng có thể đi qua hay dừng lại trú mưa, phải đặt bàn bán kem cà phê đồ ăn nhanh hay làm chỗ đậu xe chứ. Phòng khách để rộng như vậy làm gì, trong khi phòng ngủ nhà bếp nhà kho đều phải tính toán chật chội. Khoảng lặng trong bản nhạc làm người ta sốt ruột sao chẳng nghe thấy gì? Phải lấp đầy nó bằng âm thanh chứ. Tôi đã từng sốt ruột như vậy trong một lần nghe ca trù phát qua radio, khi tiếng ca tạm dừng chỉ còn nghe tiếng lách cách của nhạc cụ bằng hai thanh tre điểm tiếng trống con rời rạc.
Làng Mới nhìn gần giống một khu đô thị mới nhưng lôm côm hơn. Nhiều ngôi nhà lợp tôn giả ngói màu đỏ màu tím lô nhô chóp nhọn như lâu đài, thỉnh thoảng có những cái chóp tròn như củ hành củ tỏi giống đền thờ. Phía ngoài làng có mấy cái vũng hay ao được khoanh lại như những vết thủng trên chiếc chiếu bị cháy vì đổ đèn dầu.
Tôi tự nghĩ mình có ích kỉ không, khi cứ muốn đồng cỏ còn nguyên đó, vô dụng và hoang dại. Bất chợt tôi nhận ra phần hồn của đồng cỏ chính là ở sự hoang dại ấy. Hoang dại và không thuộc về ai.
- Bao lâu không về quê rồi?
Tôi giật mình. Người tài xế xe thồ đứng sau tôi từ lúc nào. Vẫn câu hỏi trống không lặp lại lần thứ hai. Anh ta đã thay chiếc áo thun có cổ bằng áo thun ba lỗ, đầu trần không mũ bảo hiểm lộ mái tóc lốm đốm muối tiêu, hiện nguyên hình một nông dân nguyên chất.
Vỹ. Chính xác là hắn. Thì ra hắn nhận ra tôi ngay từ lúc đầu tôi đến hỏi đi xe. Vỹ cũng là phu quân của con bạn dấm ốc với tôi ngày xưa.
- Vào nhà chơi đã, có Bính đang ở nhà, mới trẩy Đền Hùng về - Vỹ nói
Vậy ra cả hai đứa nó giờ đang ở trong Làng Mới này, trên đất đồng cỏ ngày trước. Làng Mới là tên tục dân gọi. Khi nghe tụi bạn nói hai đứa nó giờ đang ở trên Điền Thảo, tôi cứ tưởng Điền Thảo ở đâu xa không hỏi cặn kẽ, ra là tên chính thức, tên chữ của Làng Mới. Chắc chắn đã có lúc hai người này nhắc lại kỉ niệm thời dấm ốc và chuyện tôi bị sa hố bùn lầy.
Thất vọng là cảm giác ban đầu thoáng qua khi tôi thấy nhà Vỹ không ở trong số những lâu đài kiểu mới tím tím đỏ đỏ trong Làng Mới. Nó chỉ là ngôi nhà hai tầng đúc đơn giản hình hộp, có sân thượng lát gạch để làm sân phơi. Đơn giản nhưng chắc chắn không sợ gió bão, đúng chất nông dân làng tôi ăn chắc mặc bền. Lúc mới xây hẳn ngôi nhà cũng đẹp, nhưng có lẽ chủ nhà không có thời gian nên giờ nhìn nó hơi nhếch nhác. Thùng xốp, sọt nhựa, vỏ bao còn nguyên hàng chữ "cám siêu trứng" ngổn ngang một góc sân. Trên thềm một đống lưới, vợt và những xô thùng. Choán giữa phòng khách lừng lững hai sọt trứng vịt phủ rơm.
-Có bạn dấm ốc về chơi này - Vỹ nói vọng vào trong nhà
Đứa bạn ngó ra, cười toe: "Ô lời (ôi giời) mày về bao giờ?"
Vỹ đẩy dẹp chiếc ba lô du lịch cùng áo khoác ngoài và mấy quyển sổ ghi chép trên chiếc ghế dài vào một bên, rót nước mời tôi. Nước lá cây chi chi đấy, nó ngòn ngọt uống cho mát.
Hắn đi vào rồi quay ra nói tôi ngồi đây chơi nhá, giờ min phải chở trứng đi giao đã. Thông cảm vậy, nhà quê bận tối ngày.
-Bận thì cứ đi đi, kệ min - tôi bắt chước hắn.
Bính đi ra. Hai đứa nó giúp nhau đặt một khung sắt chuyên để chở hàng lên yên chiếc xe Vỹ đã chở tôi, đặt hai sọt trứng vào hai bên, chằng buộc chắc chắn. Tôi ngồi trong nhà như thừa ra bèn đứng lên định tham gia một tay, nhưng rõ ràng việc này không cần đến tôi. Trước khi phóng xe đi Vỹ nhắc lại "thông cảm nhá".
Đứa bạn, thôi từ đây gọi tên nó là Bính, vào nhà khoác thêm chiếc áo tay dài.
- Đi ra thăm lại đồng cỏ không?
Nó hỏi như biết trước tôi sẽ ngạc nhiên mà không thể từ chối. Tay nó đã cầm sẵn ổ khóa. "À quên, uống nước đi". "Uống rồi", tôi đáp và theo nó đi ra.
Nó lấy chiếc nón lá còn mới đưa tôi còn nó đội chiếc nón cũ mắc trên tường ngoài hiên.
-Trong Làng Mới này toàn người ở đâu đến, có nhiều nhà họ xây cho thuê, không ở, nên phức tạp hơn dưới làng. Làng cũ lên đây có mỗi nhà tao.
Bính nói. Nó nắm tay tôi đi vung vẩy trong lúc chúng tôi trên đường ra "thăm quan" vương quốc đồng cỏ xưa. Hóa ta tàn tích của vương quốc chính là mấy vết thủng trên chiếc chiếu bị cháy bên ngoài Làng Mới, là những ao nuôi ốc, ếch, cá và thả vịt. Một căn nhà nhỏ khoảng hai chục mét vuông được xây cạnh đó để chủ nhà làm thị vệ trông coi ban đêm. Dây điện và bóng đèn giăng mắc dưới mái hiên.
Bính "thuyết minh" đây là chỗ nhiều vũng lầy sâu nhất của đồng cỏ chúng tôi đã dấm ốc ngày ấy.
Tôi không biết có thể gọi đây là một phần đồng cỏ còn lại không. Các ao chỉ còn sót lại vài cụm năn lơ thơ lẫn với rất nhiều các loại bèo. Trên các bờ ao trồng nhiều chuối, lác đác ít cây chanh và đu đủ. Loại chanh không hạt lá to bằng lá bưởi, quả bằng nắm tay mọc thành chùm 5, 6 quả kéo cành nặng sát đất. Đu đủ quả cũng mọc từ gốc lên sai chen chúc. Trứng vịt rải trắng dưới các gốc chuối có quây lưới, còn đàn vịt đang vùng vẫy dưới ao.
-Chuối trồng để nuôi cá, cả lá cả quả chín bỏ hết xuống ao cho cá ăn. Đu đủ cũng vậy. Giống đu đủ cao sản này nhạt lắm chỉ để chín làm thức cho cá. Bán ngoài thành phố thì được, bán chợ quê không ai mua.
-Còn ốc cho ăn gì?
-Lá sắn, kia.
Ừ nhỉ. Lá sắn. Tôi đã nhìn thấy vạt cây sắn trồng quanh một đoạn bờ ao.
-Lá sắn coi như cho nó ăn rau, còn thức ăn vỗ béo phải là cám.
- Sao không cho ăn lá xoan à?
- Xoan tuyệt chủng rồi. Giờ tấc đất tấc vàng ai trồng xoan nữa.
Đã lâu lắm tôi mới thấy lại những ổ trứng ốc màu trắng đẻ bên bờ ao. Đã lâu đi đến đâu cũng chỉ thấy trứng đỏ của ốc bươu vàng, ngay cả gốc rau mua ở chợ về cũng bám đầy trứng ốc đỏ.
Bính hái vài lá sắn bỏ xuống mặt ao làm quà cho đám ốc con như thượng đế ban lộc, không bó lại thành từng bó như "tổ dấm" ngày xưa. Nó nói:
-Bọn này giờ ăn sướng, chỉ hai tháng đã béo múp nặng trịch. Ngày trước ốc đồng cỏ gầy quắt, toàn cỏ năn có cái chó gì ăn đâu. Cá rô cũng vậy, toàn xương, bỏ một dúm gạo vào trúm cũng ba, bốn thằng theo nhau chui vào. Nhà tao mua cá rô của tên Vỹ về mổ ra thấy trong bụng con nào cũng có một cục bột gạo bằng đầu đũa. Cá này bây giờ á, một bụng mỡ.
Nó mở khóa cửa "tháp canh" lấy ra hai chiếc sọt, hai đôi ủng, hai chiếc áo chống nắng liền mũ và găng tay cao su, chia cho tôi một đôi ủng và một chiếc áo. Chúng tôi vào vườn chuối, bắt đầu nhặt trứng bỏ vào hai chiếc sọt lót rơm. Bây giờ tôi mới thấy đôi ủng và chiếc áo bảo hộ có lý, nó bảo vệ tôi trước sự tấn công ồ ạt đông đảo của lũ muỗi. Tôi nhìn Bính nhặt trứng và làm theo. Cái nào nhỏ quá bỏ ra rổ riêng, bị giập bỏ riêng, vỏ quá mỏng bỏ riêng, to quá cũng để riêng.
-Trứng này chợ chỗ tao bán hai ngàn rưỡi đến ba ngàn- Tôi nói
-Họ bán lẻ thì vậy, còn thuế má chuyên chở. Đây tao bỏ chỉ hai ngàn. Có lúc chỉ được mười tám. Đấy là mình chở đi giao chứ để họ đến tận nơi đếm còn không được giá ấy.
-Chỗ trứng không đạt chuẩn này ăn sao hết?
-Chỗ ấy để bỏ cho hàng cơm. Mình có ăn thì ăn những quả hoa hậu trở lên chứ tội gì.
-Có sao đâu, những quả này ăn vẫn tốt mà.
-Gớm nữa, tiết kiệm làm mẹ gì. Đúng là trước thì cũng để ăn thật đấy, bán trầu ăn cái chũm cau mà lại. Nhưng mày biết không, đi du lịch chuyến này tao cứ như ốc ra khỏi vỏ mày ạ, thấy thiên hạ họ giàu quá. Nó tiêu tiền tỷ cứ như không ấy. Nó ăn…
-Thôi kệ xác họ. Nói chuyện đồng cỏ đi.
-Ừ (cười). Hồi bỏ lâm trường về một thời gian chúng tao chán quá. Đã ghi tên đi kinh tế mới rồi đấy nhưng chưa có đợt, phải chờ. Lúc có đợt lại nghe sắp chia ruộng khoán, nghe đồn giải thể hợp tác. Thì mày tính, bọn mình đẻ ra trong thời hợp tác xã, tao với tên Vỹ hay gọi triều đại hợp tác xã, lớn lên trong nó. Từ bé đã thấy mọi thứ vậy rồi đâu có nghĩ nó khác được. Vỹ bàn hay cứ ở lại xem thế nào. Đúng là thời hợp tác tuy đói nhưng đi làm tập thể vẫn vui hơn mày ạ. Lúc mỏi lưng đứng thẳng lên vặn vẹo còn có người chuyện trò cười đùa. Làm ruộng khoán nhà nào biết ruộng nhà ấy, ai cũng hùng hục, thui thủi, buồn muốn khóc được. Chỉ đến mùa gặt mới thấy vui.
Chúng tao được chia mấy khoảnh gần đồng cỏ, vì khi đi lâm trường đã cắt hộ khẩu rồi, nay quay về nhập lại cũng mất một thời gian. Nhập xong, những ruộng quanh làng đã chia xong. Mày biết đấy, ruộng gần đồng cỏ thửa nào cũng sâu cũng phèn, phải rải bao nhiêu là vôi.
Lúc ấy đồng cỏ vẫn bỏ hoang có ai làm gì đâu. Tên Vỹ bàn hay mình đắp ao nuôi cá nuôi ốc thử. Thế là khoanh chỗ này vì nuôi cá ao phải sâu. Thuê xe đổ đất đắp bờ, vét bùn, bơm nước, toàn vay nợ lãi. Nhưng bán cho các nhà hàng được lắm mày ạ. Sau có vài người thấy vậy cũng bắt chước. Mỗi người xắn một góc khoanh lại chiếm cứ một phương. Đồng cỏ bắt đầu bể dâu từ đấy. Cuối cùng một người khổng lồ đến san lấp hết để bán đất nền. Mấy người kia nhận tiền đền bù vì họ chưa đầu tư nhiều. Chúng tao tiếc xin thuê lại với giá của họ. Lại nợ.
Rồi hai đứa nhà tao đòi đi xuất khẩu lao động. Chúng tao thì muốn cho nó thi đại học, nhưng thằng lớn nó nghe người ta nói đi nước ngoài làm nhanh có tiền tươi để trả nợ cho bố mẹ. Thế là cộng cả tiền học tiếng học nghề, gọi là đào tạo cấp tốc, tiền vé máy bay, tiền tàu xe đi về trong thời gian chuẩn bị, mỗi đứa hết hơn trăm triệu. Nợ mới chồng nợ cũ. Mới trả hết nợ năm ngoái. Năm nay coi như khỏe. Tên Vỹ bảo tao du lịch một chuyến giải ngố với người ta cho khỏi tiếc đời. Còn hắn sáng nào cũng ra đầu đường lớn đón xe khách. Có người xuống thì chở, không có cũng nhìn ngựa xe trên đường xuôi ngược cho đỡ thiu người.
Trứng đã nhặt xong. Bính lót rơm vào một bị ni lông, xếp những cái trứng to đã để riêng vào đấy, đếm lại rồi lấy vài cái trong sọt bỏ thêm vào.
- Chỗ này cho mày mang về làng làm quà.
- Tao sẽ nói đây là quà của vua đồng cỏ ban.
- Đừng đùa. Với người làng mình cho biếu vài chục trứng họ còn quý hơn hộp bánh hàng trăm ngàn, cái này tao nói thật. Các cụ ghét nhất bị cho biếu hộp bánh khủng to kềnh càng mà mở ra trong toàn bao bì, lồng cồng lèo tèo được mấy cái bánh làm thuốc. Thần dân nhà quê chúng tao vẫn vậy.
- Chứ tao là thần dân nào?
- Biết đâu được. Mày bây giờ cũng "bể dâu" rồi thì sao. À quên, nãy giờ quên hỏi thăm. Còn mày sao?
- Tao chưa bao giờ làm gì ra được mấy trăm triệu cho con tao xuất cảng như hai đứa mày.
Chúng tôi bưng hai sọt trứng cất vào tháp canh, tháo ủng và aó bảo hộ chống muỗi trả lại triều đình. Bính khóa cửa.
- Đúng là ba năm giặt váy phải ngày trời mưa. Lâu ngày mới gặp mày về mà ốc vừa xuất lứa hết. Đợi tên Vỹ về quăng lưới bắt cá ăn vậy. Hắn nói hồi sáng đáng lẽ không lấy tiền mày nhưng cứ để xem mày có nhận ra không. Khi nào xong việc dưới làng thì lên đây ở với tao vài ngày. Nhiều chuyện để nói lắm.
Lượt về chúng tôi gặp vài người trên đường. Bính và họ chào hỏi nhau quen biết. Có người nhìn tôi tò mò. Bính cười cười nói: "Em tôi đấy, nhìn có giống không?"
- Có nhận hồ sơ đấu thầu em rể không? - Một người đàn ông đùa lại.
Bính nói người xứ khác đến đây họ mới biết đùa thế. Người làng mình vẫn thật thà lắm chả biết đùa.
- Những người này khi họ đến đây mua đất họ không biết mình đang "ngồi" trên một nơi trước kia là đồng cỏ đâu nhỉ - Tôi nói.
- Biết chứ, nhưng họ không quan tâm. Các vương quốc khác người ta còn lấp cả biển để xây nhà, kể gì đồng cỏ. Giống người có bao giờ chịu ngồi yên. Tí nữa Vỹ chở mày về dưới làng sẽ đi qua lối ruộng Bờ Đa, Cây Thị, Cống Bái, đố mày nhận ra. Ngày trước có ai nghĩ đến chuyện chạy ra giữa đồng xây nhà ở bao giờ.
-Rồi cũng xong.
-Thì vậy, rồi cũng xong.
Chúng tôi nhắc tới hai người gánh ốc trên đồng cỏ đã kéo tôi lên khỏi hố lầy ngày nhỏ. Bính nói ừ nhỉ, không biết họ là ai, tên gì và ở đâu. Giờ có gặp trên đường chắc cũng chẳng nhận ra nữa rồi...
Tin cùng chủ đề: Thi viết truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.