Truyện Kiều bằng tiếng Nga bắc một nhịp cầu văn hóa

Ngọc Anh (thực hiện) Thứ tư, ngày 04/11/2015 08:26 AM (GMT+7)
Ngày 6.11 tới, nhân dịp kỷ niệm 250 năm Ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức lễ ra mắt cuốn “Truyện Kiều” được dịch sang tiếng Nga tại Hà Nội.
Bình luận 0

Phóng viên NTNN trò chuyện với tiến sĩ, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng - chủ biên công trình này.

Thưa ông, được biết trước đây, Truyện Kiều từng được 2 dịch giả Larim và Xtenberg dịch sang tiếng Nga nhưng chỉ là một số phần nhỏ. Ước mơ dịch toàn bộ tác phẩm như một tập đại thành văn học này sang tiếng Nga là của rất nhiều thế hệ dịch giả. Vậy cơ duyên nào khiến đến cuối năm 2015 này điều đó mới trở thành hiện thực?

img

Nhóm dịch giả và nhà tài trợ trong buổi gặp mặt đầu tiên bàn ý tưởng. Từ phải sang:  TS Nguyễn Huy Hoàng, dịch giả Vũ Thế Khôi, dịch giả Đoàn Tử Huyến, TS Xocolov, TS Lê Văn Nhân, ông Hoàng Văn Vinh-nhà tài trợ. Ảnh: NVCC 

- Dịch Truyện Kiều ”sang tiếng Nga có vô vàn cái khó và trùng trùng điệp điệp rào cản về ngôn ngữ, văn hóa Đông- Tây, hệ thống các điển tích, điển cố dày đặc. Bởi thế, rất nhiều thế hệ dịch giả đã mong muốn làm việc này nhưng chưa ai làm trọn vẹn. Nhóm dịch giả chúng tôi cũng nằm trong những người có chung khát vọng ấy. Chúng tôi rất muốn người Nga sẽ đọc và hiểu được tác phẩm như một cuốn bách khoa toàn thư về văn hóa của Việt Nam. Trong nhiều lần nói chuyện, ông Phạm Xuân Sơn- Đại sứ Việt Nam tại Nga và tôi đã ấp ủ khát khao này, nhưng ngặt nỗi là thiếu nguồn tài chính.

Cơ duyên đã đến trong một lần chúng tôi tham gia đoàn cứu trợ bão lụt về miền Trung vào tháng 10.2013. Chuyến đi ấy có ông Phạm Xuân Sơn, một số doanh nhân và tôi. Qua trò chuyện, chúng tôi rất mừng khi được biết ông Hoàng Văn Vinh- một doanh nhân thành đạt tại Nga quê gốc Nghi Xuân (Hà Tĩnh) - cùng quê với đại thi hào Nguyễn Du - cũng có mong muốn này. Ông Vinh là Chủ tịch hội người Việt Nam tại tỉnh Xvedlov, LB Nga, TGĐ Công ty Zolotoi Drakon.

Thế là ngay lập tức, chúng tôi ký bản thỏa thuận, ông Vinh sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí cho việc dịch này, với sự chứng kiến của ông Nguyễn Thanh Bình- Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Cuối năm 2013, việc dịch chính thức được khởi động.

Nhóm dịch giả vừa có người Việt, vừa có người Nga và ông đã bay đi, bay về giữa 2 nước suốt 2 năm qua, chắc hẳn ông có nhiều điều để kể về quá trình ấy?

- Đúng là đến giờ phút này nhìn lại, chúng tôi thực sự cảm thấy ngạc nhiên vì những gì mình đã trải qua trong công việc khó khăn này. Chúng tôi gồm tôi làm chủ biên và hiệu đính; dịch giả, nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi dịch phần văn xuôi; dịch giả Đoàn Tử Huyến, nhà Việt Nam học Xocolov, nhà thơ Vaxili Pov và rất nhiều nhà Việt Nam học ở Viện Phương Đông (Nga) tham gia hiệu đính.

Công việc khó khăn, nặng nề nhất là của dịch giả Vũ Thế Khôi khi ông phải dịch toàn bộ 3.254 câu Kiều sang văn xuôi tiếng Nga sao cho lột tả được hết vẻ đẹp của văn hóa phương Đông, những tầng ngữ nghĩa dày đặc của Hán ngữ mà Nguyễn Du sử dụng trong tác phẩm. Chúng tôi làm việc theo kiểu cuốn chiếu, cứ được phần nào, thì tôi và anh Đoàn Tử Huyến, nhà nghiên cứu Xocolov lại hiệu đính, đây là một công trình tập thể được làm hết sức khoa học với tinh thần rất gấp rút thì mới kịp với dịp kỷ niệm. Khi đã có toàn bộ phần văn xuôi trong tay, chúng tôi mới chuyển đến các nhà chuyên môn tiếng Nga thì rất nhiều lỗi về phiên âm, ngữ pháp, văn phạm, vần được phát hiện và chỉnh sửa.

Được biết, để tìm ra người dịch phần văn xuôi “Truyện Kiều” sang thơ tiếng Nga là vô cùng khó khăn?

"  Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ ra mắt tác phẩm “Truyện Kiều” bằng tiếng Nga là một nghĩa cử cao đẹp, giúp cho độc giả quốc tế hiểu được tầm nhìn và chiều sâu văn hóa Việt Nam”.
 TS Nguyễn Huy Hoàng

- Phải may mắn lắm chúng tôi mới tìm được  Vaxili Pov- Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Nga, sinh năm 1983, bởi khi đi mời người dịch, rất nhiều người đã “đầu hàng” vì độ khó và vì trở ngại về thời gian bởi không dễ dành 1 năm để dịch 3.254 câu Kiều. Thế nhưng Vaxili Pov đã nhận lời, phần dịch thơ tiếng Nga của anh được hội đồng thẩm định đánh giá rất cao. Anh chính là người cởi được “nút thắt” cho toàn bộ những lo lắng của chúng tôi để cuối cùng, Truyện Kiều bằng tiếng Nga chính thức trở thành một nhịp cầu văn hóa giữa hai dân tộc.

Sau khi hoàn tất công trình đúng hẹn, đáp ứng được lòng mong mỏi của nhiều người, bản thân ông- người “cầm chịch” dự án cảm thấy thế nào?

- Tôi thấy đưa tác phẩm văn học Việt ra nước ngoài là việc rất khó, nhưng không thể không làm. Chúng ta có nền văn học 1.000 năm đồ sộ, một nền văn hiến lâu đời và mong mỏi độc giả nước ngoài biết đến mình thì không thể không làm việc này. Từ sau khi Liên Xô sụp đổ, số tác phẩm văn học Việt được dịch sang tiếng Nga chỉ đếm trên đầu ngón tay, đó là 1 khiếm khuyết rất lớn. Chúng tôi mong mỏi Nhà nước và các cơ quan, tổ chức hội trong nước có chiến lược đầu tư để dịch thêm nhiều tác phẩm nổi tiếng trong nước giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Nếu mỗi năm chúng ta làm được 3 quyển, thì trong vòng 10 năm, chúng ta sẽ có 30 quyển, một góc sách dày dặn trên giá sách nước bạn có hình ảnh của văn học Việt Nam. Ở Việt Nam có khá nhiều doanh nghiệp thành đạt, họ đầu tư lớn cho công tác từ thiện và tâm linh, nếu huy động được họ đầu tư cho việc quảng bá văn học Việt ra nước ngoài thì tuyệt vời. Như trong việc dịch “Truyện Kiều”, chúng tôi đánh giá rất cao tấm lòng và ý thức tôn vinh văn hóa dân tộc của doanh nhân Hoàng Văn Vinh.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem