Chuyến thăm Pháp năm 2011, GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam) tiếp xúc với tác phẩm này tại Viện Pháp, Paris. Ông kể: “Giữa kho sách bạt ngàn, giám đốc thư viện đã chuẩn bị sẵn những tác phẩm liên quan tới Việt Nam để giới thiệu. Khi thấy Lục Vân Tiên, tôi giật mình vì không tưởng tượng nổi lại có ấn phẩm độc đáo như vậy…”.
Ấn phẩm “độc nhất vô nhị”
Độc đáo, bởi bộ sách trên thuộc dạng bản thảo, nghĩa là không có phiên bản thứ hai. Phần nào, đó cũng là lý do khiến giới nghiên cứu VN và Pháp gần như chưa có thông tin rộng rãi về tác phẩm, trước khi nó được giới thiệu với GS Lê. “Nhiều người nói rằng tôi có công phát hiện bộ sách. Nhưng sự thực, đó là cơ duyên đến từ sự nhiệt tình của các bạn người Pháp” - ông nói.
Các trang trong của sách “Lục Vân Tiên cổ tích truyện”
Những dữ liệu liên quan tới bộ sách nhanh chóng được tìm hiểu. Đó là tác phẩm được đại úy pháo binh Eugene Gibert người Pháp tặng cho Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp vào năm 1899.
Trước đó, Gibert đã có thời gian làm việc tại Huế từ 1895 đến 1897. Hào hứng với truyện thơ Lục Vân Tiên, viên sĩ quan này đã cho chép tay lại truyện thơ bằng tiếng Pháp, với bản dịch năm 1893 của học giả Abel des Michels.
Công phu hơn, bên cạnh mỗi trang tiếng Pháp là một trang tiếng Nôm, kèm theo phần tranh minh họa được Gibert “đặt hàng” từ một họa sĩ có tên Lê Đức Trạch (hiện chưa tìm rõ được thân thế).
Dày hơn 300 trang, bộ Lục Vân Tiên chép tay này có tới 139 tờ tranh minh họa đa màu sắc. Mỗi tờ tranh lại có nhiều bức tranh nhỏ,(tổng số lên tới gần 1.200 bức) trong đó một bức được đặt phía trên để tạo điểm nhấn, còn các bức khác được đặt bên lề, “bọc”lấy phần chữ Nôm. Tất cả tranh đều bám sát nội dung truyện, đều mang đậm phong cách dân gian, với nét vẽ vô cùng sinh động.
“Những bức vẽ này vừa mang phong cách tranh Đông Hồ, vừa cho thấy ảnh hưởng của dòng tranh làng Sình lẫn mỹ thuật cung đình Huế. Nghĩa là rất đa dạng, độc đáo”- GS Lê nói. Cũng theo ông, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một bộ truyện Nôm Việt Nam được vẽ minh họa toàn bộ các trang bằng tranh màu. Các tư liệu để lại cho thấy: Gibert cũng đã có ý tưởng thực hiện một “ấn phẩm”tương tự với Truyện Kiều, nhưng phải quay lại Pháp nên không kịp.
Dấu mốc kết nối văn hóa Pháp - Việt
Theo đề nghị của GS Lê, từ “bản thảo” đặc biệt này, Viện Viễn Đông Bác Cổ đã lên kế hoạch xuất bản tác phẩm và giới thiệu tại Việt Nam. 5 năm qua, các học giả Pháp đã khá công phu để tổ chức nghiên cứu, hiệu đính và chủ giải - trước khi chính thức xuất bản bộ sách dưới cái tên Lục Vân Tiên cổ tích truyện.
Ấn bản do NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM phát hành vào tháng 5 vừa qua, bộ sách được in làm 2 tập với đầy đủ tranh minh họa (có bổ sung thêm bản dịch tiếng Anh và bản bằng chữ quốc ngữ).
Trong buổi tọa đàm tại Hà Nội tối 1/6, một câu hỏi được đặt ra: tại sao Eugene Gibert lại hứng thú với Lục Vân Tiên, thay vì Truyện Kiều? Và câu trả lời được đưa ra từ PGS Olivier Tessier, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp: không phải chỉ riêng Gibert, rất nhiều học giả Pháp cũng đã quan tâm tới truyện thơ này.
Bằng chứng là vào giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, tác phẩm đã được nhiều lần dịch ra tiếng Pháp, bởi những dịch giả khác nhau.
“Nam Bộ là mảnh đất đầu tiên người Pháp đặt chân đến VN. Và, họ sớm hiểu rằng, với người dân nơi đây, Lục Vân Tiên là tác phẩm có sức ảnh hưởng vô cùng lớn trên mọi phương diện của đời sống, cũng như nếp nghĩ” - PGS Olivier Tessier nói. “Nói cách khác, Lục Vân Tiên khi ấy cũng là chìa khóa quan trọng để hiểu về văn hóa và con người Nam Bộ”.
Nhưng, với trường hợp của Eugene Gibert, câu chuyện không chỉ đến ở sự tò mò. Những ghi chép được nhà nghiên cứu đưa ra cho thấy ông rất trân trọng và hào hứng với tác phẩm này, khi yêu cầu họa sĩ Lê Đức Trạch “thể hiện một cách trung thành nhất tất cả các nhân vật trong truyện, dưới diện mạo được truyền thuyết, thần thánh hóa; tất cả những động vật, thực vật và đồ vật được đề cập trong truyện, tất cả những nghi lễ của đời sống cá nhân hay cộng đồng…”.
“Cuốn sách này đánh dấu sự kết tinh sáng tạo của 4 gương mặt: nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, họa sĩ Lê Đức Trạch, Gibert và dịch giả Michels. Đó là một sự kết nối Pháp - Việt đầy thú vị từ hơn 100 năm trước, và lại càng có ý nghĩa khi bộ sách được xuất bản tại Việt Nam trong thời điểm bây giờ” - GS Phan Huy Lê khẳng định.
Sơn Tùng (Thể thao & Văn hóa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.