TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản nói về cách ly xã hội
TS Lê Hồng Sơn: Cách ly tập trung người về từ Hà Nội, TP.HCM là sai (kỳ 4)
Nguyễn Đức
Thứ tư, ngày 08/04/2020 11:41 AM (GMT+7)
TS Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng việc một số địa phương yêu cầu người dân đến từ hoặc đi qua vùng dịch Covid-19 phải cách ly tập trung và thu phí là chưa có căn cứ pháp lý.
TS Lê Hồng Sơn khẳng định, một số địa phương coi TP.Hà Nội và TP.HCM là vùng dịch Covid-19, người về từ vùng này phải cách ly tập trung là sai.
"Muốn công bố dịch, cơ quan chức năng phải có quyết định công bố cụ thể ở tỉnh nào, biện pháp ra sao, những người dân đến vùng khác như thế nào… Lúc đó mới có thể gọi là vùng dịch được, mọi người dân cần hiểu cho đúng, không tuỳ tiện", ông nói.
Trước đó, như Dân Việt đưa tin, TP. Hải Phòng, Đà Nẵng và một số địa phương khác có chỉ đạo thực hiện cách ly tập trung đối với tất cả người dân về từ vùng có người nhiễm dịch Covid-19 và yêu cầu phải tự chi trả chi phí cách ly.
Cụ thể đã có 10 người từ Hà Nội đến Hải Phòng thuộc diện cách ly phải tự trả phí gồm: ăn uống, sinh hoạt, nơi nghỉ là 75.000 đồng/ngày/người. Ở Đà Nẵng là 120.000 đồng/ngày/người.
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, Chỉ thị số 16 của Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 là rất cần thiết và phù hợp thực tế trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.
Chính phủ, các bộ ngành cũng đã đưa ra nhiều chính sách, giải pháp cũng rất kịp thời.
Tuy nhiên, các địa phương vẫn còn lúng túng, quyết liệt quá mức cần thiết khi thực hiện chỉ thị, xử phạt một số hành vi chưa rõ ràng.
"Đặc biệt là ở một số địa phương có tình trạng "ngăn sông, cấm chợ", đặt những trạm kiểm soát không cho người dân đi qua là sai", TS Lê Hồng Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, hiện nay, việc một số địa phương yêu cầu người dân từ những vùng có người mắc dịch đến địa phương phải cách ly và thu tiền phí là chưa chuẩn, chưa có căn cứ pháp lý, không có quy định nào bắt buộc người dân từ tỉnh này qua tỉnh khách phải cách ly và phải nộp tiền.
"Một số địa phương nói rằng họ căn cứ vào Chỉ thị số 16 của Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và Điều 38 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, nhưng tôi cho rằng cũng chưa đủ căn cứ pháp lý. Về vấn đề này, các địa phương cần phải xem lại một cách chuẩn mực", ông Sơn nói.
Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Lê Hồng Sơn cho rằng, các bộ ban ngành cần ngồi lại với nhau, cùng bàn và đưa ra cơ chế phù hợp. Bởi vì, khi người dân đi từ tỉnh này tới tỉnh khác nếu phải cách ly sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
"Thêm nữa, ở trong nước cũng phải có quy định cụ thể, ở đâu là vùng dịch, điều kiện nào được xác định là vùng dịch và người từ vùng dịch đi sang các địa phương khác thì cơ chế như thế nào, chính sách ra sao, có phải cách ly, thu tiền thế nào… Những nội dung này vẫn chưa được làm rõ và quy định cụ thể", ông Sơn nói thêm.
Ông Sơn cũng cho biết thêm, nhiều người coi TP.Hà Nội, TP.HCM hay những địa phương khác có người nhiễm Covid-19 là "vùng dịch" là chưa đúng, đang hiểu sai vấn đề.
Muốn công bố dịch, cơ quan chức năng phải có quyết định công bố cụ thể ở tỉnh nào, biện pháp ra sao, những người dân đến vùng khác như thế nào…
"Lúc đó mới có thể gọi là vùng dịch được, mọi người dân cần hiểu cho đúng, không tuỳ tiện", ông Sơn nói.
Ngay tại Thủ đô, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu xử phạt người ra đường không thuộc diện cho phép.
Trong ngày 5/4, UBND phường Trúc Bạch đã xử phạt hành chính 3 trường hợp ra ngoài không thuộc diện cho phép, với mức phạt 200.000 đồng/1 người.
Liên quan đến nội dung này, theo ông Sơn, việc phạt như vậy chưa phù hợp, chỉ nên nhắc nhở để người dân hiểu.
"Cách ly xã hội là cần thiết, còn xử phạt người ta lại là câu chuyện khác, muốn phạt một ai đó phải có căn cứ pháp lý và xác định hành vi của người ta. Hành vi đi ra ngoài không đúng mục đích rất mông lung, nếu như người đi câu cá họ ra chỗ thông thoáng, không tụ tập đông người, không ảnh hưởng đến ai thì sao lại phạt", ông Sơn băn khoăn.
Phóng viên Dân Việt cũng đã liên lạc với ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) để tìm hiểu về các nội dung nêu trên.
Tuy nhiên, ông Ba từ chối trả lời và nói rằng: "Chúng tôi có chức năng nhiệm vụ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, còn việc các tỉnh thực hiện các biện pháp trong phòng chống dịch phải xem văn bản cụ thể của từng địa phương mới trả lời được. Thêm nữa, việc đấy, không phải là (việc - PV) bộ phận của bên chúng tôi có ý kiến được. Theo tôi, các bạn cứ hỏi các luật sư về nội dung này trước đi đã".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.