TS Nguyễn Đình Thiên: “Cần nguồn lực mạnh, chưa cần lo cho ngân sách”

Huyền Anh Thứ hai, ngày 08/11/2021 18:42 PM (GMT+7)
Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế có lẽ không thể nhỏ như năm ngoái là 2% GDP, nhưng kỳ vọng có thể tới 10% – 15% GDP nếu không gây rủi ro, đồng thời tạo được động lực phục hồi và nắm bắt thời cơ tốt nhất cho nền kinh tế.
Bình luận 0

Đó là quan điểm của PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng được chia sẻ tại cuộc trò chuyện trực tuyến với Chủ đề "Trỗi dậy sau khủng hoảng".

Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế được thiết kế để "chớp" thời cơ hiếm có

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, quan điểm về dịch và tình thế chống dịch hiện nay đã thay đổi. Việt Nam không còn chạy đua theo nguyên lý zero-Covid, theo nghĩa là phải "làm sạch" xã hội này khỏi virus thì mới có thể làm ăn kinh tế được.

Quan điểm mới về dịch này tạo không gian cho Việt Nam mở cửa nền kinh tế trở lại, để mọi nguồn lực được phát huy một cách bình thường, đặc biệt là nguồn lực lao động sau một thời gian bị đứt đoạn, bị phong tỏa.

TS Nguyễn Đình Thiên: “Nguồn lực cần mạnh, đừng lo cho ngân sách” - Ảnh 1.

Quan điểm mới về dịch tạo không gian cho Việt Nam mở cửa nền kinh tế trở lại. (Ảnh: LT)

Bên cạnh đó, nền kinh tế thế giới bắt đầu bình thường hóa trở lại, thậm chí nhiều nơi trên thế giới suốt cả năm nay đã đang trở lại. Có một số lĩnh vực nó then chốt, khó khăn nhất như du lịch, hàng không, để mở cửa trở lại thì nhiều nước đã đang triển khai.

Việt Nam với độ mở cửa cao, thế giới mở cửa chính là điều kiện để Việt Nam tiếp cận với không gian phát triển, tạo điều kiện phát triển bình thường cho nền kinh tế Việt Nam.

Đồng thời, cách tiếp cận của Nhà nước, bao gồm trực tiếp có Chính phủ, Quốc hội, là hướng đến các vấn đề theo tâm thế dài hạ, thay vì chỉ "cấp cứu" như giai đoạn trước.

"Chúng ta có lẽ đã bớt cách tiếp cận kiểu cứu nguy. Bây giờ, chúng ta đặt vấn đề theo cách tổng thể hơn, tương thích với tiếp cận chống dịch", ông Thiên nhấn mạnh.

Với cách tiếp cận như vậy, các chính sách hỗ trợ, chính sách mở cửa, gói hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, theo tinh thần trỗi dậy cũng được thiết kế với cách tiếp cận để đón bắt được thời cơ này.

Tuy gói hỗ trợ hiện nay chưa chính thức, chưa được công bố, vẫn còn được thảo luận, vẫn còn được cân nhắc nhưng khí thế bắt đầu được lan tỏa. Đó là điều kiện phục hồi kinh tế, trong ba nền tảng cơ bản được xác lập - theo ông Thiên.

Nguồn lực cần mạnh, đừng lo cho ngân sách

TS Trần Đình Thiên cho biết những tổn thất của đại dịch đối với nền kinh tế là vô cùng nặng nề, đặc biệt là đối với khu vực kinh tế tư nhân – khu vực tạo ra 40% GDP của cả nước. Chính vì vậy, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ và nguồn lực hỗ trợ rất mạnh, đột phá.

"Đừng lo cho ngân sách. Tất nhiên, cũng không thể tùy tiện mà vẫn phải đảm bảo an toàn, không gây ra lạm phát quá mức, hay rối loạn tỷ giá,…", ông Thiên nhấn mạnh.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc chấp nhận bội chi ngân sách nhiều hơn và động thái quyết tâm xây dựng chương trình phục hồi kinh tế lớn như được đề cập trong các cuộc thảo luận gần đây - để hỗ trợ nền kinh tế nói chung, và khu vực tư nhân nói riêng là dấu hiệu đáng mừng.

TS Nguyễn Đình Thiên: “Nguồn lực cần mạnh, đừng lo cho ngân sách” - Ảnh 3.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng.

Đề cập tới quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, ông Thiên cho rằng, chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế này có lẽ không thể nhỏ như năm ngoái là 2% GDP, có thể nó không đến mức như Nhật Bản, đến 40-50% GDP.

"Chúng tôi cũng đã ngồi thảo luận về 1 chương trình hỗ trợ khoảng 10% GDP. Theo quan điểm của tôi, 10% GDP chưa có gì quá đáng cả so với nhiều quốc gia trên thế giới, các chương trình hỗ trợ của họ lên tới 30 – 40% GDP.

Nếu có thể tính toán đẩy đủ được, để bứt lên được thì tôi mong muốn gói hỗ trợ đó có thể hơn 10% GDP. 10%GDP khoảng 35 tỷ USD, hơn 10%GDP có thể là 40 – 45 tỷ USD và không chỉ dùng trong 2 năm mà có thể kéo dài ra 3 năm", ông Thiên nói.

Lý giải thêm về con số này, ông Thiên nói: Chúng ta không phải chỉ cứu những lực lượng cũ mà còn phải tạo ra cơ hội để tạo ra lực lượng mới phù hợp với thời địa mới chẳng hạn như ngành nghề mới, công nghệ mới,… Nếu chúng ta đứng dậy mà toàn cái cũ, trong khi thế giới có rất nhiều cái mới thì dù có thể tăng trưởng tốt nhưng tụt hậu là chắc chắn, bởi đẳng cấp của chúng ta khi đó không thay đổi còn các quốc gia khác là tiến lên.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem