"Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép vào vùng biển của Việt Nam đã tác động lớn đến đời sống kinh tế của Việt Nam, chúng ta mất từ 1 – 1,5 tỷ USD, tương ứng khoảng 0,7% GDP của đất nước", TS Nguyễn Đức Thành - Thành viên Nhóm tư vấn Chính sách cho Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) - khẳng định như vậy khi trả lời phóng viên về những tác động của sự kiện này đối với kinh tế Việt Nam và giải pháp trong thời gian tới.
TS Nguyễn Đức Thành
Thưa ông, tại sao có sự thay đổi trong cách đánh giá tác động của sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển của Việt Nam?
- Trước khoảng trung tuần tháng 6, tôi cùng nhiều chuyên gia khác đều đánh giá nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục kéo dài hành động này và đến cuối tháng 8.2014 mới rút giàn khoan về nước thì những tác động của sự kiện này sẽ vào khoảng 2 tỷ USD (tương ứng 1% GDP) của Việt Nam. Tuy nhiên, do các nỗ lực chính sách của Chính phủ, bộ ngành địa phương; nhận định đúng tình hình của các nhà đầu tư và việc Trung Quốc rút giàn khoan sớm, nên chúng tôi đã nghiên cứu lại và đánh giá con số tác động này đã giảm hơn.
Tác động của sự kiện này không có tính trực tiếp mà chủ yếu gián tiếp đến các ngành và lĩnh vực trong đó nặng nề nhất là ngành du lịch và nông, thủy hải sản xuất khẩu. Chúng tôi không nghiên cứu tác động riêng đối với các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp (DN) Việt Nam làm ăn với Trung Quốc.
Việc tác động vào GDP của Việt Nam chủ yếu ở lĩnh vực nào, ngành nào cụ thể thưa ông?
- Tác động của sự kiện hạ đặt giàn khoan với nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là gián tiếp, tác động chính đến các lĩnh vực: du lịch, thương mại song phương. Đặc biệt, lĩnh vực du lịch chịu tổn thất lớn trong tháng 6 khi có rất nhiều khách sạn báo bị hủy hoặc trống phòng do lo ngại từ khách du lịch quốc tế do tình hình. Theo thống kê, từ tháng 5 – 6.2014 18 khách sạn lớn nhất ở Việt Nam, số lượng khách du lịch hủy tour là 10%, từ tháng 6 – 7.2014 là 30%, gây thiệt hại khoảng 18 triệu USD cho ngành du lịch. Một điều đặc biệt là trong số lượng khách hủy tour đến Việt Nam, đa số là du khách Châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, lý do được chúng tôi nhìn nhận đó chính là tỷ giá đồng Nhân dân tệ hiện đang tăng lên, Chính phủ Trung Quốc không khuyến khích người dân đi du lịch ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, tác động của việc hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của một số doanh nghiệp (DN) sản xuất của Hồng Kông, Đài Loan, Singapore. Tuy nhiên, sau đó chúng ta đã có những biện pháp khắc phục kịp thời và được nhiều tổ chức quốc tế và chuyên gia đánh giá cao. Góc nhìn của các nhà đầu tư vẫn đánh giá tốt về tiềm năng của Việt Nam và coi vấn đề này chỉ ngắn hạn bởi ngay trong thời điểm diễn ra sự việc, Standard chartered vẫn đánh giá: Đầu tư vào Việt Nam trong lúc này vẫn có nhiều lợi nhuận.
Sự kiện có ảnh hưởng lớn đến đầu tư của DN Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian sắp tới không, thưa ông?
- Với quy mô nền kinh tế nhỏ hơn và bất lợi khi phụ thuộc thị trường với Trung Quốc ở 1 số ngành chúng ta rõ ràng bị ảnh hưởng. Chúng ta bị ảnh hưởng lớn từ mậu dịch khi tâm lý doanh nghiệp hai nước nghi ngại và một số đơn hàng bị hủy. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề “thời vụ” vì rất nhiều DN Trung Quốc đã trở lại giao thương ngay sau đó với DN Việt Nam. Rất không may, thời gian tháng 6 là cao điểm của quả vải xuất khẩu sang Trung Quốc không được như ý muốn.
Xét về tổng thể, Việt Nam chỉ ảnh hưởng ở thương mại, còn đầu tư, chúng ta không bị ảnh hưởng nhiều bởi vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam không nhiều và Trung Quốc cũng chỉ thặng dư với Việt Nam lớn ở mậu dịch. Trung Quốc không phải là nhà đầu tư lớn và có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nên chúng ta không phải lo ngại về vấn đề này.
Việt Nam sẽ phải làm gì nếu Trung Quốc có thể tái diễn hành động tương tụ trong tương lai?
- Vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ còn xuất hiện nhiều biến cố bởi lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố: “Biển đông là lợi ích cốt lõi” và 1 quốc gia hướng ra biển như Trung Quốc, thì họ sẽ làm mọi cách, tăng tần suất và không từ thủ đoạn nào để vươn ra chiếm lĩnh biển Đông hoặc biển Hoa Đông. Chúng ta đã và đang phải tập “sống chung với lũ” và phải coi vấn đề này lâu dài bởi sẽ phải giải quyết ở nhiều bước và nhiều thế hệ.
Tôi cho rằng việc Trung Quốc sử dụng các biện pháp này vừa là sự lo ngại nhưng cũng vừa không lo ngại bởi lẽ. Lo ngại của chúng ta lớn nhất vẫn là vấn đề an ninh và sự phụ thuộc về thương mại nếu có sự kiện tương tự xảy ra. Tuy nhiên, trong một thế giới toàn cầu hóa và đa phương như hiện nay, Trung Quốc sẽ không thể đơn phương hành động bất chấp luật pháp quốc tế bởi Việt Nam án ngữ 1 tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, không dễ gì Trung Quốc đạt được mục đích của họ.
Điều chúng ta lo lắng nhất chính là sự phụ thuộc của 1 số ngành quá lớn vào nguồn cung nguyên liệu; phụ thuộc thị trường đầu ra khi việc làm ăn với Trung Quốc đã quá dễ dãi đến nỗi các thương nhân Việt không muốn đi đâu xa để khai thác thị trường. Thái độ “ru ngủ” các nhà sản xuất nông, hải sản Việt Nam của các DN Trung Quốc đã đạt được mục đích. Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho Việt Nam, nhiều DN đã nhìn thấy bộ mặt thật khi chứng kiến cuộc chơi thương mại với Trung Quốc không ngọt ngào, đặc biệt là lĩnh vực cơ khí, điện, giao thông và dệt may. Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trái phép vào vùng biển của Việt Nam, là một biến cố để các ngành, lĩnh vực và DN coi đây là “biến cố cải cách”.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Theo Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.