TS Phạm Hải Chung
Thưa chị, nhiều khán giả đánh giá tình trạng “loạn gameshow” trên truyền hình hiện nay đã có tác động không tốt đến người xem. Quan điểm của chị thế nào?
- Một thời gian dài tôi không bật tivi lên xem phim Việt chỉ bởi đạo diễn bắt tôi phải tưởng tượng một diễn viên đang độn 1 cái gối không tròn trịa kia là người có bầu thật trong phim. Cũng như vậy, thời gian đầu tôi cũng rất ủng hộ một số gameshow như một món ăn mới thay đổi khẩu vị cho khán giả Việt, nhưng dần tôi cảm thấy sóng truyền hình lạm dụng phát những gameshow hời hợt không tôn trọng khán giả bởi rất nhiều lý do.
Khán giả truyền hình đang bị bão hòa bởi gameshow. (Trong ảnh: Diễn viên Nhã Phương thử sức ở gameshow: “Không giới hạn - Sasuke Việt Nam”. Ảnh minh họa). Ảnh: V.B
Tiến sĩ Jeffrey Schwartz - tác giả của cuốn You Are Not Your Brain từng nói: “Truyền hình thực tế có thể rất nguy hiểm. Nhưng đó không phải là lỗi của truyền thông, mà là việc thiếu hiểu biết hoặc không có sự hỗ trợ cần thiết của các thí sinh để đối mặt với những cảm giác xấu hổ khi trở thành trò cười trên các phương tiện đại chúng”.
TS Phạm Hải Chung trích dẫn
|
Ngày nay có nhiều gameshow trên các kênh truyền hình. Nhiều người cho rằng, sự phát triển của các trò chơi truyền hình này tỷ lệ nghịch với chất lượng. Theo chị nhận định này có đúng không?
- Quay trở lại bản chất của gameshow truyền hình, không chỉ ở Việt Nam mà còn trong bối cảnh thế giới. Gameshow ra đời nhằm phục vụ nhu cầu một bộ phận công chúng, mà ở Mỹ thời thập niên 30 hay 50 là một số gameshow cho các bà nội trợ. Bản chất các gameshow hay truyền hình thực tế (reality TV) là bài toán kinh tế cho các nhà sản xuất truyền hình bỏ ra ít chi phí hơn các bộ phim truyền hình mà lại thu hút được các nhà tài trợ và công chúng thị trường.
Gameshow là điều tất yếu, tuy nhiên vấn đề là khai thác và triển khai nội dung thế nào. Thậm chí, cũng chưa có một gameshow nào “made in Vietnam” mà hay, thu hút được mọi nhóm công chúng. Chúng ta nhìn thấy yếu tố thương mại, biển hiệu, logo của các nhà tài trợ hơn tính giải trí, xã hội, thay đổi trong các gameshow ở Việt Nam.
Chị có thể đưa ra một vài nhận xét, ví dụ để khán giả biết được xu hướng phát triển của gameshow trên thế giới hiện nay và tránh sự phát triển tự do, thiếu kiểm soát?
- Game show trên thế giới có lẽ đã đi vào thời kỳ bão hòa. Gameshow ở Việt Nam mới bắt đầu được khai thác trong vài năm gần đây, và không có cơ chế kiểm soát rõ ràng, ai cũng muốn làm nhưng chỉ làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Một thời gian nhiều nhà sản xuất khai thác các gameshow hài, nên xuất hiện rất nhiều chương trình hài na ná giống nhau và hời hợt.
Giám khảo trong một số trò chơi truyền hình hiện nay có nhiều vấn đề như: Chuyên môn chưa tới, tuổi đời trẻ và đời tư nhiều scandal... Chị chia sẻ gì về điều này?
- Nếu giám khảo không được một nhóm đông công chúng công nhận và phục thì họ sẽ tự kết thúc vòng đời của gameshow thôi. Ngay các gameshow trên thế giới như: “Britain's got talent” hay “The Voice U.S”… đến nay đã trả qua bao nhiêu năm vẫn được khán giả trung thành và yêu mến. Họ không cần chiêu trò gì nhiều. Tuy nhiên, giám khảo ở đây chuyên nghiệp, chứ tôi không nói về vấn đề chuyên môn như thế nào là đủ.
Phải chăng vì đội ngũ ban giám khảo trong các chương trình gameshow ở ta như vậy mà chất lượng chương trình đi xuống?
- Có rất nhiều yếu tố để một chương trình truyền hình thực tế không ăn khách. Có thể do concept (ý tưởng) chưa khác biệt, hoặc format (định dạng) chương trình, do giám khảo và cũng có thể do chất lượng thí sinh. Chúng ta nhìn thấy tất cả các vấn đề này ở hầu hết các gameshow được khai thác ở Việt Nam.
Gameshow là một dạng hoạt động văn hoá, giải trí cũng góp phần định hướng cho các bạn trẻ. Có điều, nhiều người trẻ có năng khiếu nghệ thuật nhưng không tìm đến các môi trường đào tạo chuyên nghiệp để thi vào và học tập bài bản mà chỉ chăm chăm tham gia gameshow nhằm nổi tiếng nhanh, đem lại nhiều cát-sê, được nhiều người biết đến... Vậy đây có phải là điều bất cập không, thưa chị?
- Do môi trường ở Việt Nam, văn hoá phổ thông dễ được nhiều công chúng tiếp nhận hơn. Một bạn học nhạc viện rất nhiều năm, học hát opera vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc kiếm sống và phát triển nghề nghiệp vì thiếu người nghe ở Việt Nam. Chính vì vậy họ sẽ phải tới những sân chơi có nhiều công chúng biết tới thôi.
Gameshow ở các nước phát triển cũng là cơ hội cho các bạn từ zero (số khong) trở thành hero (người hùng). Nếu những năm 70, 80 của thế kỷ trước, họ sẽ phải cần tới một hãng thu âm nổi tiếng hay một ông bầu sô giàu có, thì hiện giờ họ có thể trở nên nổi tiếng và được công chúng biết tới khi tham gia vào các gameshow truyền hình.
Gameshow hay truyền hình thực tế không có gì xấu, ngược lại rất tốt. Tôi lấy ví dụ ở Áo, đài truyền hình OKTO làm rất nhiều truyền hình thực tế về các vấn đề xã hội, về các nhóm yếu thế.
Vấn đề chính là chúng ta khai thác gameshow như thế nào, sẽ giống như câu trả lời làm sao để phim Việt thu hút khán giả Việt.
Xin cảm ơn chị!
Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc:
Cách tốt nhất là nên giữ mình
“Chúng ta không thể chối cãi gameshow đang là một xu hướng của xã hội. Tôi cũng không thích những điều này, nhưng “một cánh én không làm nên mùa xuân”, cách tốt nhất là nên giữ mình, đừng bị lôi kéo theo xu hướng mà mình thấy không phù hợp. Cải lương là sự kết hợp những gì tinh túy nhất của nhiều người, phải tập từ nửa năm trời mới cho ra một vở diễn, một câu nói ra có khi khán giả thuộc nằm lòng, vậy mà “cải lương còn chết”, còn không sống được với thời đại công nghiệp. Vậy thì, đối với một đêm thi, một tiểu phẩm chỉ có vài phút mà các bạn tập lại, diễn lại của các người xưa thì làm sao đủ sức “làm nổi da gà” của ban giám khảo. Tôi “nổi da gà” vì lời tán tụng "quá mức cần thiết" của ban giám khảo chứ không phải vì phần trình diễn của thí sinh”.
Nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh:
Gameshow nhiều quá, xem xong bị chóng mặt
“Tôi nói thật, gameshow bây giờ rất nhiều, trong đó có nhiều chương trình tôi xem xong bị chóng mặt. Nhưng với những cuộc chơi có nội dung thiên về quê hương, dân tộc, tôi lại rất hứng thú. Còn những gameshow hài, tôi giảm dần dần vì không muốn ngồi nhiều nữa. Nói thật là có ngồi cũng không biết nói gì vì quay tới quay lui, diễn lặp đi lặp lại cũng những nội dung đó. Sáng tạo dĩ nhiên có, nhưng vì có quá nhiều chương trình nên mọi thứ lại bị trùng lặp”.
Nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu:
Người chơi “giỡn mặt” khán giả truyền hình
"Khi xem các gameshow về diễn xuất tôi thấy người chơi không diễn mà đang “giỡn mặt” với khán giả truyền hình, tôi rất ghét những việc đó. Nếu làm giám khảo, tôi phải thỏa thuận với nhà sản xuất, chọn thí sinh này, loại thí sinh kia. Khi thí sinh diễn dở mà mình vẫn khen, làm sao tôi dám dạy học trò của mình. Vì vậy tôi không nhận lời làm giám khảo gameshow, tôi cực kỳ ghét gameshow. Tôi nói thật, những em đoạt giải quán quân gameshow về phải đi học lại diễn xuất. Giải thưởng đó chỉ là dịp may chứ chưa làm nghề được đâu. Một vài bạn bè, đồng nghiệp đã làm cho khán giả tưởng rằng nghề hát này dễ quá. Đâu phải ai cũng làm diễn viên được”.
V.P (tổng hợp)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.