TS. Trương Văn Phước: Không muốn "bế quan tỏa cảng" nhưng phải bảo vệ sức khỏe nhân dân
TS. Trương Văn Phước: Không muốn "bế quan tỏa cảng" nhưng phải bảo vệ sức khỏe nhân dân
Quốc Hải
Thứ hai, ngày 16/03/2020 15:27 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc miễn giảm thuế cho DN sẽ khiến cho ngân sách có giảm thu nhưng đó là một khoản giảm ngân sách rất cần thiết xem như một khoản trợ cấp cho các đối tượng bị tổn thương, ảnh hưởng từ dịch…
TS Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhận định như thế.
Theo ông Phước, nếu diễn biến dịch bệnh quá phức tạp và nguy hiểm thì đến kỳ họp Quốc hội tháng 5 sắp tới việc xem xét để nâng mức bội chi ngân sách so với GDP ở mức độ nào đó cũng có thể được đặt ra trong các cân đối chung của các chỉ tiêu ngân sách.
"Tôi nghĩ là không nên điều chỉnh lại các chỉ tiêu ngân sách cũng như các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác", ông Phước nói.
Sẽ khó trục lợi từ gói tín dụng 285 nghìn tỷ đồng
Thưa ông, mới đây các ngân hàng (NH) đã công bố gói tín dụng 285.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ông đánh giá thế nào về gói tín dụng này?
- Trước hết cần nói rõ, trong 285 nghìn tỷ đồng này gồm có gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ và các gói hỗ trợ về ngân sách 30 nghìn tỷ đồng nhằm để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như an sinh xã hội. Về gói tín dụng thì thực chất là hệ thống các NHTM từ trước tới nay vẫn cho vay các khách hàng của mình với dư nợ rất lớn xấp xỉ 7-8 triệu tỷ đồng.
Nên số lượng 250.000 tỷ này chỉ là sự phân bổ trong các NHTM và có đặc điểm là hỗ trợ cá nhân, DN đi vay trong bối cảnh dịch bệnh Corona. NHTM có thể miễn hoặc giảm lãi vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ dài thêm ra do tiêu thụ hàng hóa chậm, các khoản nợ đến hạn mà người vay không trả được thì có thể giữ nguyên nhóm nợ hiện hành mà không chuyển qua nợ quá hạn…
Tôi cho rằng gói tín dụng này là hết sức cần thiết bởi vì thực ra gói này gần như là đã tồn tại trong kết cấu nợ vay của NH rồi, nó không phải là một lượng tiền mới "bơm vào" nền kinh tế, nếu có chăng thì chỉ là thay đổi một tỷ lệ nhất định trong % tăng trưởng tín dụng năm nay. Nếu không có gói này thì nợ xấu có khả năng tăng lên, việc tiếp cận vốn của DN do bị nợ xấu cũng sẽ khó khăn hơn. Bản thân các NHTM cũng sẽ gặp khó khăn vì người vay không trả được nợ.
Về gói hỗ trợ ngân sách 30 nghìn tỷ, thì cũng rất là cần thiết vì do dịch Covid-19 này rất nhiều DN không có doanh thu do không tiêu thụ được sản phẩm nên việc miễn giảm thuế phí, lệ phí cho các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ giúp họ giải quyết phần nào khó khăn gặp phải. Kể các những vấn đề an sinh xã hội ứng phó với dịch thì cũng cần sự trợ giúp từ ngân sách.
Việc hỗ trợ DN khắc phục khó khăn bằng các gói tín dụng và tài khóa được cho là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, song theo ông, cần lường trước, kiểm soát các rủi ro nào có thể xảy ra từ việc trục lợi chính sách và có các điều chỉnh kịp thời để tránh đẩy lạm phát tăng cao?.
- Về gói tín dụng thì có tiên liệu được những rủi ro nào có thể xảy ra không? Với mục tiêu định hướng của gói tín dụng này thì tôi không nghĩ có rủi ro gì. Mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng trong hoạt động tín dụng thì vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc quy định rồi. Qua gói này, chính phủ cho các NHTM có được một số loại quyền mới chẳng hạn như giữ nguyên nhóm nợ mà không phải theo quy định là phải chuyển qua nợ quá hạn.
Chỉ là giải pháp giúp DN đối mặt với những khó khăn trong sản xuất, bán hàng… vượt qua cơn khó khăn hiện nay.Còn về gói ngân sách thì chắc hẳn các cấp quản lý về ngân sách Nhà nước cũng sẽ rất chặt chẽ, đảm bảo người thụ hưởng phải đúng đối tượng theo yêu cầu trong gói ngân sách này.
Việc trục lợi chính sách chắc chắn sẽ bị ngăn chặn, loại trừ nếu việc giám sát được thực hiện nghiêm túc. Còn về áp lực làm phát thì gói hỗ trợ tín dụng sẽ không tác động gì vì như đã phân tích trên gói này đã được hòa lẫn trong dòng tín dụng mà hệ thống ngân hàng cung ứng cho nền kinh tế, chỉ có khác là một vài quy định mới tạo sự thuận lợi hơn thôi.
Hạ lãi suất bao nhiêu và bằng cách nào?
FED mới đây đã hạ lãi suất, kèm theo đó một loạt các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới (kể cả khu vực châu Á) cũng đồng loạt hạ lại suất để hỗ trợ nền kinh tế, liệu Việt Nam có đi theo xu thế này? Nếu hạ lãi suất thì ảnh hưởng của hệ thống các ngân hàng sẽ ra sao? Còn nếu không hạ, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam ra thế giới có bị ảnh hưởng nhiều hay không?
- Trước hết cũng cần nói rõ cơ chế truyền dẫn lãi suất từ các quyết định của NHTW đến thị trường ở các nước khác nhau thì có những tác động không đồng nhất, thậm chí là rất khác nhau. Ở Mỹ chẳng hạn, ta thấy rõ lãi suất của Fed - tức là của NHTW Mỹ có những tác động rất lớn đến nền kinh tế và thị trường tài chính.
Lãi suất của NHTW Châu Âu, NHTW Nhật, kể cả NHTW của một số nước ở Châu Á cũng có những tác động quan trọng đến nền kinh tế nói chung. Việc hạ lãi suất mà chúng ta thường đề cập ở Việt Nam thì mang những nội hàm chằng chịt, phức tạp hơn nhiều. Đó là bởi vì khuôn khổ của chính sách tiền tệ tại Việt Nam và cơ chế hoạt động của thị trường liên ngân hàng khá khác biệt so với nhiều nước trên thế giới, một thị trường tài chính đang phát triển ở trình độ còn thấp…
Ở Việt Nam các loại lãi suất của NHNN, các tỷ lệ về dự trữ bắt buộc, mức độ cung ứng tiền… có tác động phần nào đến mặt bằng lãi suất. Việc tăng hay giảm lãi suất thực sự bắt nguồn từ hoạt động của NHTM. Những vấn đề như nợ xấu, thanh khoản của thị trường, thực trạng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng… thường được phản ảnh xác thực qua cung cầu tiền tệ lãi suất.
Hiện nay nhiều nước trên thế giới đều hạ lãi suất. Ở Mỹ vừa rồi giảm 0.5% lãi suất. Vào giữa tháng 3 này Mỹ lại đưa thuế suất của thuế lương (payroll tax) về 0% cho đến hết năm nhằm để kích thích tiêu dùng. Câu hỏi không phải là có nên hạ lãi suất hay không mà là nên hạ lãi suất bao nhiêu và bằng cách nào?.
Trong gói tín dụng 250 nghìn tỷ thì có vấn đề các NHTM sẽ giảm lãi suất cho người vay. Với dịch Covid-19 đang diễn tiến phức tạp tác động nhiều mặt vừa đến sản xuất, vừa đến tiêu dùng… thì nhu cầu vay tín dụng cũng đang thấp xuống. Có lẽ vốn huy động cũng sẽ tăng lên nhiều mà cho vay ít đi thì chắc hẳn lãi suất sẽ thấp xuống.
Thấp đến bao nhiêu thì còn tùy thuộc bao lâu nữa dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn ở Việt Nam và các nước trên thế giới. Lúc đó sản xuất, tiêu dùng sẽ tăng trở lại. Chính phủ cũng đang chỉ đạo để các dự án đầu tư công triển khai khẩn trương, quyết liệt… cũng sẽ giúp cho lãi suất không giảm quá nhiều.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh quan điểm "sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân". Tuy nhiên, nếu chúng ta "bế quan tỏa cảng" thì chắc chắn các thành phần kinh tế sẽ khó càng thêm khó. Vậy, theo ông, trong bối cảnh hiện nay, đâu là giải pháp để thực hiện được mục tiêu "kép" vừa đảm bảo sức khỏe người dân, vừa đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô?
- Qua chỉ thị 11 ngày 4/3/2020, Chính phủ không hề mong muốn "Bế quan tỏa cảng" mà quan điểm là phải bảo về tốt nhất sức khỏe của nhân dân, do đó lợi ích kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, sẽ bị hi sinh.
Tôi chỉ xin nhắc lại một số nội dung chủ yếu trong chỉ thị của Thủ tướng đó là tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn của ngân hàng, miễn giảm thuế, phí, lệ phí cho các đối tượng chịu ảnh hưởng. Nói chung là tạo mọi thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu…
Vấn đề khó hiện nay là trong khi dịch diễn biến phức tạp thì một mặt vừa mong muốn phục hồi, phát triển ngành du lịch, hàng không thì mặt khác phải kiểm soát chặt chẽ lượng khách du lịch đến từ các vùng dịch hoặc khách quá cảnh đến các vùng dịch trước khi đến Việt Nam.
Việc kiểm soát này tôi nghĩ không chỉ dựa vào lời khai của hành khách mà còn phải ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để nắm chắc các nơi mà hành khách đã đi qua… Đạt được các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô càng cao càng tốt, nhưng đảm bảo sức khỏe an toàn cho người dân vẫn là chỉ tiêu quan trọng nhất.
Một số ngân hàng, kể cả nhóm BIG4 đến thời điểm hiện tại đã bắt đầu bộc lộ những ảnh hưởng của Covid-19, chẳng hạn như tăng trưởng âm. Theo ông, nếu Covid-19 kéo dài trong một thời gian nữa, thì ảnh hưởng của kinh tế Việt Nam nói chung, của hệ thống các TCTD sẽ ra sao?
- Các dự báo về dịch có những kịch bản khác nhau. Với mức lây nhiễm như hiện nay, tổ chức WHO cho rằng dịch bệnh Covid-19 sắp tới sẽ diễn biến vô cùng phức tạp đòi hỏi hành động kiên quyết, cấp bách và các cam kết chính trị từ các nước để ngăn chặn dịch này. Do đó các nhà lãnh đạo trên thế giới, các NHTW và Bộ tài chính các nước đang cố gắng sử dụng nhiều biện pháp để ngăn ngừa kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.
Việt Nam chúng ta đang nỗ lực kiên cường để ngăn chặn, kiểm soát bằng được những ca lây nhiễm mới cũng như không để có người tử vong. Việc xử lý thành công mục tiêu ngăn chặn đẩy lùi dịch Covid-19 là một cấu phần quan trọng nhất trong các mục tiêu nhằm phát triển kinh tế xã hội ở nước ta.
Chúng ta phải khơi thông các lĩnh vực còn trì trệ, đẩy mạnh việc thực thi các giải pháp khẩn trương, táo bạo để bù đắp các lĩnh vực bị suy giảm. Đặc biệt các cơ quan Chính phủ và các địa phương cần đẩy nhanh việc thực hiện vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trong tháng 3 năm 2020 này. Cần tập trung vào việc hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng để tạo sức lan tỏa trong nền kinh tế.
Riêng đối với lĩnh vực NH, các DN đang khó khăn, áp lực nợ xấu có thể tăng lên. Nhưng nhờ có chỉ thị 11 các NHTM có thể kiểm soát được nợ xấu trong giới hạn hợp lý, hỗ trợ khoanh nợ giãn nợ, giảm lãi suất cho các DN, người vay tiền chịu tổn thất do dịch gây ra. Đồng thời kiên quyết tái cơ cấu lại NH mình để đảm bảo việc quản trị, điều hành NHTM thích ứng với những đòi hỏi khắc nghiệt do dịch gây ra, cũng như các chuẩn mực quốc tế mà hệ thống NH Việt Nam đang theo đuổi.
Làm tốt những vấn đề này thì các NHTM Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để tiếp tục sự phục hồi, phát triển như những năm vừa qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.