TSKH Ngô Viết Nam Sơn: Sông Sài Gòn tiềm năng rất lớn nhưng đáng tiếc thiếu một bản quy hoạch chung
KTS Ngô Viết Nam Sơn: Sông Sài Gòn tiềm năng rất lớn nhưng đáng tiếc thiếu một bản quy hoạch chung
Hồng Phúc
Thứ năm, ngày 29/02/2024 09:01 AM (GMT+7)
Theo TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn, tiềm năng của sông Sài Gòn là rất lớn, từ giao thông thủy, môi trường, kinh tế, du lịch… Tuy nhiên, đáng tiếc là cho đến nay, vẫn chưa có một bản quy hoạch tổng thể bài bản nào cho sông Sài Gòn để xứng tầm với một siêu đô thị có trên 300 năm lịch sử.
Học kinh nghiệm sông Seine phát huy tiềm năng sông Sài Gòn
Theo kế hoạch, ngày 2/3, UBND TP.HCM sẽ tổ chức hội thảo phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine.
Hội thảo nhằm đánh giá kết quả nghiên cứu chiến lược phát triển hành lang sông Sài Gòn của liên doanh tư vấn AVSE Global, Viện Quy hoạch vùng Paris IPR, cùng các chuyên gia, đối tác và cơ quan quản lý; thảo luận, góp ý giữa các nhóm danh tư vấn quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Sông Sài Gòn đoạn chảy dọc trên địa phận TP.HCM khoảng 80km có giá trị và tiềm năng rất lớn. Ảnh: Hồng Phúc
Hội thảo cũng sẽ đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm thực tiễn từ các dự án dọc sông Seine; đề xuất cơ chế thực hiện và lập quy hoạch chỉnh trang, phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của sông Seine.
TP.HCM đánh giá, xem xét cân nhắc nội dung tích hợp quy hoạch dọc hành lang sông Sài Gòn vào quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; làm rõ hơn trục phát triển sông Sài Gòn, gắn kết với hệ thống không gian mở đa chức năng…
TP.HCM sẽ triển khai các chiến lược, chương trình kế hoạch quản lý phát triển các ngành lĩnh vực và địa bàn dọc sông Sài Gòn (du lịch, giao thông, logistics, nông nghiệp công nghệ cao, văn hoá giải trí và kinh tế đêm) trên các địa bàn dọc hành lang sông Sài Gòn.
Sông Sài Gòn đang thiếu bản quy hoạch tổng thể
Trao đổi với Dân Việt, TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết đa số các đô thị lớn thế giới đều phát triển dọc theo sông nước, hoặc là đô thị biển, hoặc là đô thị ven sông, nhờ sự tiện lợi và rẻ tiền của giao thông đường thủy.
Sông Sài Gòn dài 256km từ biên giới Campuchia đến cửa biển Cần Giờ, trong đó đoạn chảy dọc trên địa phận TP.HCM khoảng 80km có giá trị và tiềm năng rất lớn.
Theo ông Sơn, giá trị đầu tiên của sông Sài Gòn là giá trị giao thông đường thủy, cho đến nay chỉ mới được khai thác một phần nhỏ. Thứ hai là giá trị cảnh quan. Phát triển cảnh quan ven sông có thể gắn kết với phát triển du lịch và phát triển đô thị ven sông, mang lại giá trị cộng thêm cho các dự án địa ốc.
Thứ ba là giá trị môi trường xanh. Dân số TP.HCM trên 10 triệu người nhưng không gian xanh trên đầu người lại thấp nhất so với các đô thị lớn trên cả nước, chỉ khoảng 0,5m2/người. Vì vậy, nếu có thể nâng tầm hành lang xanh hai bên sông hồ, kênh rạch thì sẽ đóng góp không nhỏ vào mục tiêu quy hoạch không gian xanh 10m2/người, tăng không gian xanh cộng cộng lên ít nhất 20 lần, nâng cao chất lượng môi trường và giảm ngập.
Thứ tư, sông Sài Gòn có thể trở thành trục cảnh quan văn hóa công cộng xương sống của đô thị, nơi hội tụ những công trình công cộng văn hóa lịch sử (bảo tàng, hòa nhạc, triển lãm, thư viện…), kinh tế xã hội (nhà sinh hoạt cộng đồng, dịch vụ thương mại…) và sức khỏe - môi trường (thể dục thể thao, thư giãn…). Thứ năm, sông Sài Gòn là nơi sinh sống cho nhiều loài sinh thực vật đặc trưng, cần được bảo vệ, cải thiện môi trường và duy trì đa dạng sinh học.
“Tóm lại, tiềm năng của sông Sài Gòn là rất lớn nhưng chúng ta chỉ mới khai thác một phần rất nhỏ. Đáng tiếc là cho đến nay, vẫn chưa có một bản quy hoạch tổng thể bài bản nào cho sông Sài Gòn và khu vực đô thị cũng như nông thôn ở hai bên để xứng tầm với một siêu đô thị có trên 300 năm lịch sử”, ông Sơn nói.
Theo chuyên gia, để phát triển sông Sài Gòn, trước tiên cần có một bản quy hoạch tổng thể bài bản, với sự đồng lòng của UBND TP.HCM và các sở, ban ngành, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đơn vị cùng chung tay với nhau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.