Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Vào ngày 4/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Viện Toán học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) và Ủy ban quốc gia về Toán của UNESCO tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề "Toán - Tin ứng dụng trong chuyển đổi số nông nghiệp, thực phẩm và phát triển nông thôn".
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh cho biết, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đến nay tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số phát triển nông nghiệp thông minh, tạo ra nhiều nông sản chất lượng cao.
Một số sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa chủ lực đã và đang được các hợp tác xã đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tăng nhanh về quy mô, chất lượng và sức cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, các mô hình sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao và thiếu liên kết chuỗi giá trị, chưa khai thác được hết tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học của vùng đất Thừa Thiên Huế.
Theo ông Hoàng Hải Minh, trong xu thế chuyển đổi số hiện nay, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao am hiểu về công nghệ thông tin, đặc biệt được đào tạo sâu về chuyên ngành toán - tin.
Ông Lê Anh Hoàng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp số nhận định: "Chúng ta hay cho rằng vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân là việc của các nhà khoa học nông nghiệp mà quên rằng đó là các vấn đề hội tụ, là các hàm nhiều biến, nhiều phương trình và việc cùng thiết lập bài toán với nhau trên cơ sở tri thức ngành mới tìm ra được đáp số tốt nhất".
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp số khẳng định, toán học và tin học chuyên ngành vô cùng quan trong của một đất nước trong kỷ nguyên 4.0 và không xa là 5.0. "Toán học và tin học phải được hoà quyện với những lĩnh vực khoa học thường thức như nông nghiệp, sinh học, tài nguyên đất, nước, rừng… thì mới khai thác tối ưu được nguyên khí và tài nguyên của Việt Nam", ông Lê Anh Hoàng nói.
Hội thảo đã gợi mở cho ngành nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp của Thừa Thiên Huế nói riêng nhiều vấn đề trong việc chuyển đổi số của nông nghiệp, thực phẩm và quan trọng là những giải pháp về nông nghiệp số thông minh. Ngành nông nghiệp tỉnh thu về được những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích cũng như những cơ hội hợp tác về chuyển đổi số trong tương lai, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số của quốc gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.