TT-Huế: Làm sao chặn “giặc” cá rô phi phá lúa hơn cả ốc bươu vàng?

Trần Hòe Thứ ba, ngày 23/04/2019 16:27 PM (GMT+7)
Về tình trạng cá rô phi đen sinh sôi nảy nở tràn lan, diệt không xuể ở các kênh mương, sông hói, phá lúa hơn cả ốc bươu vàng thời gian vừa qua ở thị xã Hương Thủy, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên- Huế nói về giải pháp ngăn chặn tình trạng “giặc” cá rô phi đen này.
Bình luận 0

Liên quan đến tình trạng “giặc” cá rô phi phá lúa hơn cả ốc bươu vàng, ngày 23.4, PV báo Dân Việt đã trao đổi với ông Dương Văn Chính- Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên- Huế).

Ông Dương Văn Chính cho biết, tình trạng cá rô phi đen phá hoại lúa xảy ra nghiêm trọng vào thời điểm đầu vụ đông xuân. Thời điểm này, khi lúa mới được gieo cấy, sau mỗi đợt mưa nước các sông, hói dâng lên thì cá rô phi tràn vào ruộng phá lúa. Các địa phương xảy ra tình trạng cá rô phi phá hoại lúa nhiều nhất là các xã Thủy Phù, Thủy Tân và các địa phương có ruộng lúa nằm ở vùng thấp trũng. 

img

Cá rô phi đen-loại thủy sản phá lúa hơn cả ốc bươu vàng ở thị xã Hương Thủy.

Theo ông Chính, loài cá rô phi đen này phát triển rất nhanh, số lượng tăng đột biến, nhất là khi thời tiết mưa nhiều. Cơ quan chức năng địa phương chưa tìm được câu trả lời về việc tại sao loại cá này xuất hiện dày đặc trong những năm gần đây. Loài cá này chủ yếu được sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi, giá bán rẻ nên người dân không mấy mặn mà trong đánh bắt.  

Về giải pháp ngăn chặn cá rô phi đen phá hoại lúa, ông Chính cho biết, việc này không đơn giản do cá sống ở các sông, hói và khi nước sông, hói dâng lên thì cá tràn vào đồng ruộng phá lúa và sinh sản rất nhanh. “Nói về giải pháp thì khó, chỉ có khi nước ở ruộng lúa cạn thì cá không còn môi trường để tồn tại phát triển”- ông Chính nói.

Theo người dân ở thị xã Hương Thủy, trước tình hình cá rô phi hại lúa, họ đã sử dụng một số loại ngư lưới cụ đánh bắt cá làm thức ăn cho gia súc, gia cầm hoặc đem bán nhưng hiệu quả đem lại không đáng kể. Nguyên nhân là bởi loài cá này sinh sản quá nhanh, đánh bắt không xuể. Việc tháo cạn nước các kênh mương để cá rô phi chết cũng đã được thực hiện nhưng khi kênh mương có nước trở lại thì cá lại xuất hiện và gây hại.

“Nhiều năm rồi cứ mỗi lần tôi gieo sạ vụ đông xuân là xuất hiện nhiều cá rô phi đen lớn chừng 2 ngón tay tràn vào ruộng. Chúng đi thành đàn dài, lúa nảy mầm bị cá ăn sạch, phải chờ nước rút để gieo sạ lại nên thiệt hại lớn”- ông Nguyễn Hòa (xã Thủy Tân) cho biết.

Như tin đã đưa, khoảng 3 năm trở lại đây, cá rô phi đen ở các kênh mương, sông hói trên địa bàn thị xã Hương Thủy sinh sôi rất nhanh và tràn vào các đồng ruộng. Rất nhiều diện tích lúa trên địa bàn thị xã bị cá rô phi đen phá hoại, gây thiệt hại lớn cho người nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem