TT-Huế: Phó Chủ tịch huyện được cấp đất rừng nói gì?

Trần Hòe Thứ bảy, ngày 24/11/2018 10:34 AM (GMT+7)
Phó Chủ tịch huyện ở Thừa Thiên - Huế nói về việc bản thân cùng vợ được cấp đất rừng ven biển.
Bình luận 0

Liên quan đến thông tin nhiều cán bộ ở Thừa Thiên- Huế được cấp đất rừng bất thường tại khu vực ven biển, ngày 23.11, PV Dân Việt đã trao đổi với ông Hồ Trọng Cầu- Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc.

Ông Cầu và vợ ông này là 2 trong số 15 cán bộ, cựu cán bộ và người nhà cán bộ đứng tên chủ sở hữu 15 lô đất ven biển thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc).

Ông Cầu cho biết, sau năm 1975, 15 lô đất rừng ven biển thôn Cảnh Dương nói trên thuộc đất rừng phòng hộ. Lúc này chính quyền phát động trồng rừng dương trên đất này rồi giao cho xã quản lý. Về sau diện tích rừng dương này được giao cho Hợp tác xã Bình Dương (xã Lộc Vĩnh) quản lý.

img

Khu vực đất rừng ven biển thôn Cảnh Dương do những cán bộ, cựu cán bộ và người nhà cán bộ đứng tên sở hữu. 

Trong thời gian diện tích đất rừng này thuộc quản lý của Hợp tác xã Bình Dương, xảy ra một số trận bão khiến rừng dương bị gãy. Lúc này, ngoài tận dụng những cây dương bị gãy để làm chất đốt, một số người dân địa phương còn chặt phá rừng dương, hợp tác xã không quản lý được.

Theo ông Cầu, trước thực trạng trên, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc tham mưu UBND huyện thu hồi đất rừng để giao cho một số hộ dân và công đoàn một số cơ quan trồng và bảo vệ, chăm sóc rừng. Trong số những tổ chức công đoàn được giao đất rừng có Công đoàn Văn phòng UBND huyện Phú Lộc.

Ông Cầu nói rằng, sau khi được giao đất rừng, Công đoàn Văn phòng UBND huyện Phú Lộc tiến hành chia lô, phân thửa rồi làm thủ tục giao cho 15 đoàn viên. Mỗi đoàn viên được giao bình quân 1.600m2 đất để trồng và chăm sóc rừng. Các đoàn viên chính thức được giao đất từ năm 1995.

Ông Cầu cho hay, khi Công đoàn Văn phòng UBND huyện được giao đất rừng, ông là Phó Chánh Văn phòng UBND huyện, còn vợ ông là nhân viên tạp vụ cơ quan này. Vì vợ chồng ông đều là đoàn viên của Công đoàn Văn phòng UBND huyện nên cũng được chia đất rừng như những đoàn viên khác.

Ông Cầu cho rằng, theo Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định 02 của Chính phủ về hướng dẫn cấp đất lâm nghiệp thì công đoàn cũng được giao đất và cán bộ là đối tượng cũng được giao đất giống như người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, hiện 15 lô đất rừng này đang được quản lý dưới diện đất rừng sản xuất, còn theo quy hoạch Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô thì diện tích này là khu đất thương mại, dịch vụ.

Như tin đã đưa, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế đang làm rõ thông tin cho rằng nhiều cán bộ được cấp đất rừng bất thường tại khu vực ven biển thôn Cảnh Dương. Ông Phan Văn Quang- Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế đã trực tiếp về thôn Cảnh Dương để xác minh thông tin vụ việc.

img

Khu vực đất cấp cho cán bộ nằm sát bờ biển, được cho là có "tương lai béo bở" bởi đã được quy hoạch là đất thương mại, dịch vụ. 

Trước đó, ông Huỳnh Đăng Truyền (SN 1957, trú thôn Cảnh Dương) có đơn thư phản ánh việc ông này có thửa đất khai hoang và canh tác đã hàng chục năm bỗng dưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) mang tên người khác.

Diện tích đất mà ông Truyền canh tác hiện đang đứng tên 2 người nguyên là cán bộ tại huyện Phú Lộc. Đó là ông Phạm Viết Phong- nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc và ông Nguyễn Kim Trường- nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc.

Ngoài ra, 13 lô đất liền kề với lô đất ông Truyền canh tác hiện cũng đều do những cán bộ, cựu cán bộ và người nhà cán bộ đứng tên chủ sở hữu. Đó là các cá nhân: Nguyễn Mãi, Phạm Xuân Thư, Hồ Trọng Cầu, Lê Thị Kim, Nguyễn Kha, Lê Thị Xuân Mai, Nguyễn Văn Tiến, Trần Trai, Nguyễn Thị Xô, Trần Tuyết Lan, Dương Quang Kháng, Nguyễn Thị Nghị, Nguyễn Xê.

Trong số 13 cá nhân nói trên, ông Hồ Trọng Cầu hiện đang là Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc và bà Lê Thị Kim là vợ ông Cầu; ông Nguyễn Văn Tiến hiện đang là cán bộ HĐND tỉnh Thừa Thiên- Huế. Theo thông tin từ Phòng TNMT huyện Phú Lộc, những lô đất trên UBND huyện Phú Lộc cấp sổ đỏ cho các cá nhân vào năm 2010.

Ông Huỳnh Đăng Truyền cho biết, sau ngày đất nước giải phóng, gia đình ông cùng một số hộ dân di chuyển tới khu vực ven biển thôn Cảnh Dương lập nghiệp. Năm 1993, tận dụng những khoảng trống hoang hóa trong vùng đất ven biển trước nhà, gia đình ông Truyền làm hồ nuôi cá và trồng cây để phát triển kinh tế.  

Theo ông Truyền, năm 1995, khi nghe tin diện tích đất này được chuyển đổi thành rừng sản xuất, ông viết đơn xin chính quyền địa phương xem xét cấp sổ đỏ thửa đất mình đang canh tác nhưng bị UBND xã Lộc Vĩnh từ chối với lý do đây là đất rừng do xã quản lý.

Sau đó, dù không được cấp sổ đỏ nhưng gia đình ông Truyền vẫn tiếp tục trồng cây trên đất. Thời gian gần đây, ông tiếp tục viết đơn xin cấp sổ đỏ thì bất ngờ nhận được thông tin thửa đất mình đang canh tác đã thuộc quyền sở hữu của người khác.

Sổ đỏ diện tích đất này cùng nằm trên bản đồ giải thửa và được cấp cùng với diện tích của 13 lô đất khác nằm dọc bãi biển Cảnh Dương.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem