Chia sẻ về những ngóc ngách đằng sau dự án đồ sộ này, bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH cho biết: “Nhân duyên” để bà đến với nghề sản xuất sữa là từ bản tin về sữa nhiễm melamine gây ung thư ở Trung Quốc vào năm 2008. Khi cơ quan chức năng kết luận sữa trong nước không có melamine, bà thở phào.
Nhưng khi biết có đến 92% sữa trong nước là sữa bột nhập khẩu, trong nước không có doanh nghiệp nào sản xuất sữa mà chủ yếu là kinh doanh sữa, bà quyết định đầu tư cho dự án bò sữa sản xuất quy mô công nghiệp. Trang trại TH cũng là nơi giúp bà Thái Hương thực hiện được mong muốn của bản thân là làm việc gì đó có ích cho sức khỏe người Việt Nam, góp phần nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt, cũng như giảm nhập siêu cho ngành sữa nước nhà.
Trang trại “tốc hành”
Trang trại TH có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD. Giai đoạn 1 là 350 triệu USD sẽ hoàn thành vào cuối năm nay hoặc giữa năm 2013, với quy mô đàn bò 45.000 con. Đến năm 2017, dự kiến dự án sẽ có 137.000 con bò và nhà máy chế biến đạt công suất 500 triệu lít/năm. Ngoài ra, TH đang phát triển các ngành nghề khác như trồng rau, củ, quả trong nhà kính phục vụ xuất khẩu, chuẩn bị đầu tư hệ thống sản xuất chế biến dược liệu và hương liệu. TH sẽ chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình trong Hội thảo Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thông qua đối tác công tư diễn ra tại Hà Nội vào ngày 3.8 tới.
Xin bà cho biết, trang trại TH được xây dựng như thế nào?
- Trước việc 92% nguồn nguyên liệu sữa của Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, tôi nghĩ mình phải làm ngay, không thể chậm hơn. Chúng tôi tìm đến Israel, một đất nước có khí hậu bán sa mạc, gần tương đồng với Việt Nam nhưng là nơi xuất khẩu nông sản, chủ yếu là rau củ quả và sữa sang châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.
Về thổ nhưỡng, Israel chỉ đạt 50/100 điểm; còn công nghệ và quy trình là tuyệt đối 100/100. Nếu đem so sánh với Việt Nam, thổ nhưỡng của chúng ta là 100/100 điểm, nhưng công nghệ gần như là con số 0 nếu không nói là điểm âm. Vì vậy, dù chưa một lần đặt chân đến Israel, tôi chấp nhận bỏ ra 48 triệu USD ký hợp đồng tư vấn.
Việc thứ hai là tìm đất để mở trang trại. Tôi đến Hòa Bình để tìm cơ hội đầu tư nhưng chính quyền ở đó chưa thực sự mặn mà với dự án. Lúc đó, ông Phan Đình Trạc - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nay là Bí thư Tỉnh ủy mời tôi triển khai dự án tại đây.
Dù sinh ở Nghệ An nhưng tôi không ngờ Nghĩa Đàn lại phù hợp với dự án này đến vậy. Sau này, tôi mới biết được rằng ở Việt Nam có hai vùng đất đỏ bazan màu mỡ là Nam Đăk Lăk và Bắc Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn). Chỉ 18 tháng sau, chúng tôi cho ra dòng sữa đầu tiên. Trong khi đó, phía đối tác Israel khẳng định rằng, để hình thành dự án này ít nhất phải mất 5 năm.
Như vậy có nghĩa là TH hoàn toàn đi mua và thuê nước ngoài?
- Cách làm của chúng tôi nói ngắn gọn là sự kết hợp giữa trí tuệ Việt - tài nguyên thiên nhiên Việt và công nghệ đầu cuối của thế giới. Đi mua, đi thuê của thế giới nhưng cần phải có bản lĩnh. Israel tư vấn cho chúng tôi mua bò của New Zealand, nhưng khi làm hợp đồng, đối tác đưa ra các điều kiện đều nghiêng về họ.
Tôi nhất định hủy bỏ bản hợp đồng này và chuyển hướng tìm sang thị trường Uruguay, Úc, Canada. Chỉ 3 ngày sau, chủ tịch doanh nghiệp New Zealand phải sang đàm phán và đồng ý thỏa mãn các điều kiện về bảo hành trong vận chuyển, chăm sóc cho đến khi bò cho sữa… của chúng tôi.
Khi đàn bò đầu tiên về nước, vì chưa trồng được cây cỏ nào, tôi quyết định nhập khẩu cỏ Mỹ về cho bò ăn để bò quen với khí hậu. Khi bò quen dần cũng là lúc tôi trồng xong cỏ và cao lương ngay tại Nghĩa Đàn. Khi bò cho sữa, chưa có nhà máy chế biến, chúng tôi thuê lại nhà máy chế biến sữa ở Hưng Yên. Vào tháng 10 này, chúng tôi sẽ hoàn thiện nhà máy chế biến sữa của chúng tôi ở ngay tại Nghĩa Đàn.
Việc thuê ngoài hoàn toàn như vậy làm giá thành sản phẩm đắt lên và sẽ khó khăn trong thu hồi vốn?
- Người ta nói rằng, đầu tư cho nông nghiệp (NN) khó thu hồi vốn, nhưng điều đó chỉ đúng với mô hình sản xuất truyền thống, manh mún. Khi áp dụng công nghệ cao, khả năng thu hồi vốn cao và chắc chắn. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là không tối ưu hóa lợi nhuận mà phải hợp lý hóa lợi ích; có nghĩa là Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông đều phải cùng có lợi.
Nhưng khi đầu tư quy mô lớn thì lợi ích hợp lý hóa ấy cũng sẽ lớn như lợi nhuận vượt bậc. Sau hơn 2 năm đầu tư, doanh thu thuần của TH True Milk năm 2011 là trên 1.000 tỷ đồng, năm 2012 dự kiến là 3.700 tỷ đồng, 2015 là 15.000 tỷ đồng, 2017 là 23.000 tỷ đồng. Năm 2011, TH đã đóng góp cho Nghệ An 205 tỷ đồng tiền thuế. Điều đó không phải là điều mà doanh nghiệp nào cũng làm được.
“Cách mạng” thì luôn gặp khó
Khó khăn nhất trong việc thực hiện một dự án nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là gì?
- Khó khăn nhất chính là nhận thức. Khi chúng tôi lấy đất ở Nghĩa Đàn, nhiều người nói rằng, nông trường viên làm gì để sống. Chúng tôi đã đưa ra một bộ chính sách để hỗ trợ nông trường viên như sử dụng lao động, để lại quỹ đất cho họ tương đương với nông dân trong vùng, hỗ trợ con cái học hành.
Nhận thức của lao động trong công ty cũng là một vấn đề. Chúng tôi luôn chú trọng công tác hướng dẫn và đào tạo thêm. Khi đi làm cách mạng sẽ bị những người không hiểu biết hoặc hiểu biết nhưng không đồng thuận gây khó khăn. Chúng tôi biết và chấp nhận điều đó.
Có thông tin cho rằng, bò của TH không thực sự phát triển tốt, một số lượng bò bị chết. Bà có bình luận gì về thông tin này?
- Đó là bò đực bị thải chứ không phải bò chết nhiều. Với những con bò đực, chúng tôi bán đi, sau đó trích ra 5 triệu đồng mỗi con bán được để mua một con bê giống trong nước hỗ trợ các hộ nông dân ở Nghệ An. Hiện nay, chúng tôi đã hỗ trợ được cho 1.000 hộ dân theo phương thức này.
Bò cái sinh ra ở trang trại TH không có thế hệ con lai vì chúng tôi cho nhập khẩu tinh trùng bò tốt nhất, cùng giống về để phối giống. Vì vậy, bò sữa sinh ra ở VN đều cho sữa bằng hoặc hơn so với bò mẹ vì đã quen với khí hậu. Còn việc bò cái chết là có, nhưng số lượng rất ít, đó cũng là điều tự nhiên thôi.
Có quan niệm cho rằng, sữa bò nuôi theo mô hình công nghiệp của TH khó bổ dưỡng bằng sữa nuôi theo phương thức thả rông, ăn cỏ trên đồng?
- Chăm sóc vật nuôi một cách tự nhiên là tốt nhất, nhưng tự nhiên ở đây phải là tự nhiên chọn lọc. Nếu ở các vùng ôn đới thì cho bò ăn cỏ tự nhiên là tốt vì các virus lạ sau 6 tháng mùa đông đã chết hết.
Còn vùng nhiệt đới, 4 mùa xanh tươi ẩm thấp như chúng ta, virus lạ giữa các cánh đồng rất nhiều, bò thả rông không tốt vì bị virus lạ xâm nhập. Cũng như người phụ nữ, trong các tháng mang thai ăn uống phải được tẩm bổ và kiêng khem. Vì thế, với bò, cỏ phải được ủ chua để diệt virus có hại. Như vậy là tôi bảo vệ tính thiên nhiên, trừ virus ra, chứ không làm mất đi tính thiên nhiên. Đó là chưa kể đến khâu vắt sữa, chế biến của chúng tôi được làm khép kín sẽ cho ra dòng sữa tốt nhất.
Kỳ vọng về nền nông nghiệp diện mạo mới
Bà đang vận động thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp NNCNC mà bà sẽ là chủ tịch. Có vẻ như bà đang muốn có một tham vọng lớn hơn những gì đang có ở trang trại TH ?
- Tôi muốn kêu gọi phát triển một hệ thống doanh nhân yêu nước. Nước ta với hơn 70% dân số là nông dân, sống nhờ vào NN; vì thế phải phát triển kinh tế ở khu vực này. Việt Nam trải qua một thời gian quá dài với nền sản xuất manh mún, lạc hậu và cần một nền sản xuất công nghiệp quy mô lớn và không có cách nào khác là NNCNC.
Điều đó cho thấy, đưa CNC vào NN là quan trọng như thế nào. Tôi mất rất nhiều tiền để thuê tư vấn về CNC. Tôi muốn những kinh nghiệm của mình có thể chuyển cho những người khác để họ tiết kiệm được tiền.
Là doanh nghiệp thứ 3 được cấp chứng nhận doanh nghiệp NNCNC, TH có nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước?
- Đến thời điểm này, Bắc Á và TH True Milk chưa được hỗ trợ gì từ ngành NN ngoài việc hỗ trợ cấp đất của tỉnh Nghệ An. Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về tam nông là hết sức đúng đắn nhưng các doanh nghiệp đầu tư về NN rất ít vì chưa có biện pháp khích lệ họ.
Theo tôi, chính sách tam nông phải lôi kéo được sự tham gia của tầng lớp doanh nhân. Ngoài ra, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải tập trung được quỹ đất. Quỹ đất trước tiên cần lấy hiện nay là các nông, lâm trường; sau đó mới huy động từ người dân.
Xin cảm ơn bà!
Hồ Sỹ Lực (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.