Từ 1/8, tình trạng mua bán bất động sản "2 giá" sẽ chấm dứt?

Thái Nguyễn Chủ nhật, ngày 14/07/2024 20:44 PM (GMT+7)
Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ 1/8 sẽ giúp thị trường thị trường phát triển bền vững, tránh phát sinh những tiêu cực. Trong đó, tình trạng mua bán nhà "2 giá" sẽ bị ngăn chặn khi các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng.
Bình luận 0

Mua bán nhà đất "2 giá" gây thất thu thuế

Nhiều địa phương cho biết trong nhiều năm qua, tình trạng kê khai giá chuyển nhượng trên hợp đồng công chứng, kê khai nộp thuế, phí chưa đúng giá trị thực tế còn diễn ra khá phổ biến. Để ngăn chặn tình trạng kê mua bán nhà đất "2 giá", nhiều địa phương đã phải tuyên truyền đến người dân các trường hợp mua bán, chuyển nhượng bất động sản giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế là hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Nếu cá nhân, tổ chức có hành vi liên quan đến việc trốn thuế và thu phí công chứng không đúng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bản chất của mua bán nhà đất "2 giá" là giá bán cao nhưng lại ghi trong hợp đồng giá thấp nhằm trốn thuế, gây thất thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Khi chuyển nhượng bất động sản, giá thể hiện trên hợp đồng không đúng với giá thực tế giao dịch, người mua và người bán có thể thỏa thuận và lập song song 2 loại hợp đồng.

Từ 1/8, tình trạng mua bán bất động sản "2 giá" sẽ chấm dứt?- Ảnh 1.

Tình trạng mua bán nhà đất "2 giá" gây thất thu thuế Nhà nước (Ảnh: TN)

Thứ nhất, hợp đồng chuyển nhượng bất động sản có công chứng chứng thực theo quy định với giá nhà đất khai thấp hơn nhiều so với giá đất thực tế giao dịch để làm thủ tục đăng ký biến động. Thứ hai, hợp đồng viết tay do hai bên tự ký ghi theo giá thực tế giao dịch để phòng ngừa khi tranh chấp tại tòa án.

Tình trạng nhà đất "2 giá" cũng có nhiều trường hợp hai bên mua và bán bất động sản không ký kết hợp đồng chuyển nhượng mà ký kết hợp đồng ủy quyền (trong đó người được ủy quyền có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với bất động sản) nhằm tránh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản.

Nhiều chuyên gia nhận định để quản chặt việc trốn tránh nghĩa vụ thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, cái gốc của vấn đề là giá bất động sản. Nếu muốn không còn chế độ nhà đất "2 giá", không muốn việc thị trường bất động sản bị thổi giá, làm giá… thì cần quản chặt giá bất động sản.

Luật Kinh doanh bất động sản ngăn chặn mua bán nhà đất "2 giá"

Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực thi hành sớm từ ngày 1/8/2024 quy định một số điểm mới trong kinh doanh bất động sản như việc thanh toán mua bất động sản phải chuyển khoản, giá mua bán trong hợp đồng phải ghi đúng thực tế.

Cụ thể, Điều 47 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định giao dịch trong kinh doanh bất động sản như sau: giá bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản, dự án bất động sản được đưa vào kinh doanh do các bên thỏa thuận và được ghi trong hợp đồng, trường hợp Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản ghi đúng giá giao dịch thực tế trong hợp đồng, chịu trách nhiệm trong việc ghi giá giao dịch trong hợp đồng không đúng với giá giao dịch thực tế.

Điều 48 Luật Kinh doanh bất động sản quy định về việc thanh toán trong kinh doanh bất động sản, trong đó quy định chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản nhận tiền thanh toán theo hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh bất động sản từ khách hàng thông qua tài khoản mở tại tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Từ 1/8, tình trạng mua bán bất động sản "2 giá" sẽ chấm dứt?- Ảnh 2.

Giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng ngăn chặn tình trạng nhà đất "2 giá" (Ảnh: TN)

Các chuyên gia cho rằng hiện nay, tiền mặt đang được giao dịch tự do khiến cho việc mua bán bất động sản không được kiểm soát. Hơn nữa, nhiều người có thể sử dụng tiền mặt từ các nguồn không rõ để đi mua bất động sản, bao gồm cả tiền hợp pháp và phi pháp.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc yêu cầu giao dịch mua bán bất động sản phải chuyển qua ngân hàng sẽ giúp cơ quan an ninh tiền tệ truy xuất rõ nguồn gốc và dòng tiền, phát hiện các giao dịch bất thường, đồng thời các cơ quan ngân hàng yêu cầu khai báo nguồn gốc khi chuyển tiền vào hệ thống ngân hàng. Do đó, quy định này mặc dù có thể làm chậm lại hoạt động kinh doanh bất động sản, nhưng là chi phí xã hội cho một nền kinh tế trong sạch.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc mua bán có tiền chênh ngoài hợp đồng bằng hình thức kê khai hai giá khi bán hàng là hành vi vi phạm pháp luật về thuế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, người mua nhà chấp nhận điều đó để đỡ phải chịu khoản thuế từ số tiền ngoài hợp đồng và như vậy là đã tiếp tay cho chủ đầu tư trốn thuế.

"Cả khách hàng và doanh nghiệp đang thấy lợi trước mắt mà không nhìn thấy cái hại lâu dài, bởi thực trạng này góp phần khiến cho thị trường bất động sản thiếu minh bạch. Do đó, việc thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng nhằm tăng tính minh bạch của thị trường bất động sản, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, chống thất thu ngân sách nhà nước và góp phần phòng, chống rửa tiền", ông Châu nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem