Lấy ý kiến về sửa đổi Hiến pháp 1992
Một hoạt động chính trị rất đáng chú ý, nhận được sự quan tâm của nhân dân trong năm 2012 là việc triển khai bàn thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bên cạnh việc bàn thảo ở Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tới đây toàn bộ dự thảo sửa đổi sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân (dự kiến từ ngày 2.1 đến hết tháng 3.2013).
Các nội dung trọng tâm lấy ý kiến đóng góp của nhân dân là: Lời nói đầu, chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp, kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
|
Từ 1.1.2013, các hộ nghèo sẽ được miễn thủy lợi phí. |
Tăng lương tối thiểu vùng
Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn, đời sống của người làm công ăn lương tiếp tục “dậm chân tại chỗ”, thì sau niềm vui nhỏ là Chính phủ vẫn sẽ tăng lương tối thiểu vùng (dù chậm mất 2 tháng so với thông lệ, từ 1.7.2013, và chỉ tăng 100.000 đồng), người lao động còn có thêm niềm vui là mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ 1.1.2013.
Theo Nghị định 103/2012, mức lương tối thiểu vùng mới áp vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động từ đầu năm tới chia theo 4 vùng I, II, III, IV, lần lượt là 2.350.000 - 2.100.000 - 1.800.000 và 1.650.000 đồng/tháng. Các mức lương này cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250.000 - 350.000 đồng/tháng. Đây là cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tiền lương.
Nhiều luật mới có hiệu lực Từ 1.1.2013, một loạt các luật mới chính thức có hiệu lực thi hành. Đó là Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật bảo hiểm tiền gửi; Luật Giáo dục đại học; Luật Giá... Đặc biệt, một luật quan trọng, từng thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội trong quá trình soạn thảo và thảo luận thong qua là Luật Biển Việt Nam. Lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982.
Muốn chạy xe trên đường, phải đóng phí
Dù còn nhiều ý kiến tranh luận, đề nghị lùi (dù thực tế đã lùi nửa năm), thậm chí phản đối..., nhưng theo Nghị định 18/2012 và Thông tư số 197/2012 của Bộ Tài chính, việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1.1.2013.
Việc tranh luận ban đầu là về mức phí, sự lo âu “phí chồng phí”, nhưng sau đó với các quy định cụ thể và giải thích của cơ quan chức năng, vấn đề người dân quan tâm hơn là liệu họ đóng phí rồi, chất lượng đường sá có tốt hơn lên - theo đúng mục đích của việc thu loại phí này?
Thực tế, theo nhiều người dân, mức đóng phí không phải là cao: Mức phí thấp nhất đối với ôtô là 130.000 đồng/tháng, áp dụng cho xe dưới 9 chỗ; mức phí cao nhất 1,04 triệu đồng/tháng, dành cho xe tải, xe chuyên dùng trọng tải trên 27 tấn.
Còn với xe máy, người sử dụng phải nộp 50.000 - 100.000 đồng/năm cho xe dưới 100cm3; nộp 100.000 - 150.000 đồng/năm cho xe từ trên 100.000cm3... Chủ xe ôtô đóng phí theo chu kỳ đăng kiểm tại cơ quan đăng kiểm; chủ xe máy nộp tại xã, phương.
Một điều “an ủi” (có lẽ có ý nghĩa với các chủ xe ôtô) là việc các trạm thu phí đường bộ Nhà nước sẽ được dỡ bỏ cũng từ 1.1.2013 (riêng các trạm chuyển quyền thu phí, trạm thu phí BOT sẽ giữ thu đến khi hoàn vốn mới xoá bỏ).
Miễn thủy lợi phí, siết nhập nông sản
Theo nội dung Nghị định 67/2012, mức thu thủy lợi phí sẽ tăng đối với khu vực miền núi cả nước; đồng bằng sông Hồng; Trung du Bắc Bộ và Bắc khu IV; Nam khu IV và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ (riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long mức thu vẫn giữ nguyên như hiện nay). Đáng chú ý là với quy định mới, hộ nghèo không phải lo vì được miễn thủy lợi phí đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao hoặc công nhận cho họ.
Cũng liên quan đến nông tam nông, trong nỗ lực đảm bảo nguồn thực phẩm cung cấp cho người dân VN sạch hơn, an toàn hơn, Bộ NNPTNT đã ra Thông tư 13 về siết chặt kiểm soát chất lượng hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu. Thực hiện thông tư này, từ 1.1.2013 sẽ cấm nhập khẩu toàn bộ các mặt hàng nông sản của những nước chưa thực hiện đăng ký với Việt Nam theo quy định.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), đến đầu tháng 12, mới có 11/59 quốc gia có xuất khẩu nông sản, nguyên liệu từ nguồn gốc thực vật vào Việt Nam hoàn thành hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật và truy xuất (chiếm chưa tới 20%).
Thanh Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.