Ngày 13.6, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, các Đại biểu Quốc hội đã thống nhất thông qua Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi.
Dự thảo luật có nhiều nội dung được sửa đổi, bố sung, trong đó có những nội dung mới có tính đột phá mạnh mẽ nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, tạo cơ chế pháp lý để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
Thứ nhất, quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế được coi là điểm mới quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân và chia sẻ trách nhiệm đối với cộng đồng.
Thứ hai, Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế còn khuyến khích người dân tham gia BHYT theo Hộ gia đình.
Theo đó, các thành viên trong hộ gia đình (trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo hợp đồng lao động, theo chế độ với người có công, bảo trợ xã hội, HSSV…) sẽ phải tham gia BHYT theo mức sau:
Người thứ nhất của hộ phải đóng bằng 6% mức lương cơ sở. Người thứ hai, ba, tư phải đóng bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi sẽ đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Đại diện hộ gia đình sẽ phải đóng đủ số tiền thuộc trách nhiệm của hộ vào quỹ BHYT theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.
Thứ ba, bổ sung đối tượng tham gia BHYT. Để bảo đảm bình đẳng giữa các đối tượng trước pháp luật và thống nhất việc quản lý, tổ chức thực hiện chính sách BHYT trong hệ thống, dự thảo Luật trình Quốc hội bổ sung đối tượng thuộc lực lượng quân đội và công an phải tham gia BHYT và giao Chính phủ quy định lộ trình tham gia BHYT phù hợp với đặc thù của lực lượng này.
Bổ sung đối tượng người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được Ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT.
Thứ tư, Dự thảo Luật bổ sung quy định: Trẻ em dưới 6 tuổi được quỹ BHYT chi trả điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt; trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến hết tháng 9 của năm đó. Ủy ban nhân dân cấp xã được quy định thêm trách nhiệm, phải lập danh sách đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ đồng thời với việc cấp giấy khai sinh.
Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 sẽ chính thức có hiệu lực vào 1.1.2015.
(Theo Đời sống & Pháp luật)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.