Từ Bill Gates của Microsoft đến Jeff Bezos của Amazon: Khi các CEO tỷ phú rời bỏ "ngai vàng"
Từ Bill Gates của Microsoft đến Jeff Bezos của Amazon: Khi các CEO tỷ phú rời bỏ "ngai vàng"
Huỳnh Dũng
Thứ hai, ngày 13/12/2021 08:11 AM (GMT+7)
Cựu Giám đốc điều hành Twitter, Jack Dorsey vừa ghi tên mình vào một danh sách dài các chuyên gia công nghệ rời bỏ công ty mà họ thành lập. Nhưng điều gì khiến họ phải lùi sang một bên, và điều đó có tốt cho việc kinh doanh không?
Từ Bill Gates của Microsoft đến Jeff Bezos của Amazon, hầu hết những người đã tạo ra những gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon thống trị cuộc sống của chúng ta kể từ đó nay đã dần giao quyền lực cho người khác.
"Có rất nhiều lời bàn tán về tầm quan trọng của một công ty do 'người sáng lập lãnh đạo'. Cuối cùng thì tôi tin rằng, điều đó đang bị hạn chế nghiêm trọng", Dorsey nói trong lá đơn từ chức được đăng tuần trước trên mạng xã hội Twitter mà ông đã giúp thành lập năm 2006.
Thực tế, các nhà sáng lập công nghệ trước đây đã từ chức vì nhiều lý do, từ sức khỏe của họ cho đến mong muốn theo đuổi các sở thích khác. Steve Jobs bị ung thư tuyến tụy khi ông từ chức giám đốc Apple vào năm 2011 và qua đời chỉ sáu tuần sau đó. Còn Gates đã từ chức CEO Microsoft vào năm 2000 để tập trung vào công việc từ thiện của mình, trong khi Bezos tập trung vào công ty vũ trụ Blue Origin của mình kể từ tháng 7/2021.
Và việc Jack Dorsey từ chức Giám đốc điều hành của gã khổng lồ internet Twitter là sự ra đi mới nhất trong số các vụ từ chức kỷ lục của Giám đốc điều hành công nghệ trong hai năm qua. Nhà phân tích công nghệ người Mỹ Rob Enderle cho biết: "Không có gì lạ khi một nhà sáng lập mất hứng thú". Ông nói với hãng tin AFP: "Khi một công ty phát triển, nó sẽ thay đổi rất nhiều. Trong bối cảnh mới, công ty phải chèo chống, thay đổi liên tục từ các mảng kinh doanh, hành chính và đối mặt với các luật pháp mới đề ra trong ngành".
Riêng đối với Dorsey, các ưu tiên của ông ấy dường như đã chuyển sang với tiền điện tử. Tiểu sử trên Twitter của ông ấy chỉ đơn giản là cụm từ: "#bitcoin"; Ông ấy không còn đam mê Twitter nữa", nhà phân tích công nghệ Enderle nói.
Ông Enderle cũng chỉ ra sự xáo trộn của thời kỳ Donald Trump, khi tổng thống Mỹ này lúc bấy giờ sử dụng Twitter như một cái loa trước khi ông khởi động gây tranh cãi, điều này bất ngờ như một nguồn cơn tức giận đối với Dorsey. "Tôi nghĩ các sự kiện kịch tính và chính trị đã đè nặng lên Dorsey và rõ ràng, trong khi phần lớn nỗ lực gần đây của Dorsey cũng đã dồn tập trung vào sàn giao dịch Bitcoin", Enderle nói thêm.
Một phần của "sự ghẻ lạnh" từ những người sáng lập có thể là sự thừa nhận rằng thời thế đã thay đổi. Ông Adam Kovacevich, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Chamber of Progress, một công ty công nghệ Mỹ cho biết, Twitter đã ở trong một hoàn cảnh rất khác cả về văn hóa và chính trị khi Dorsey trở lại công ty vào năm 2011. Vào thời điểm đó, "Đảng Dân chủ coi công nghệ là ngành của họ". Phương tiện truyền thông xã hội ngày càng phổ biến và ngày càng được người dùng chấp nhận. Có một cơn sốt công nghệ, không chỉ ở Thung lũng Silicon, mà còn ở Washington DC, có khả năng định hình mối quan hệ béo bở của các công ty này với chính phủ.
Nhưng sau đêm bầu cử 2016, Facebook và Twitter - từng là những ngôi sao sáng của sự đổi mới của Mỹ và vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu đã chứng tỏ là mối đe dọa đối với đảng Dân chủ và quyền lực của họ. Sau đó, các công ty chuyển từ cách tiếp cận chủ yếu thụ động đối với diễn ngôn chính trị sang cách tiếp cận tích cực hơn, đáng chú ý nhất là khi Twitter cấm Trump khỏi nền tảng sau cuộc bạo động ngày 6 tháng 1 tại Điện Capitol. Khi làm như vậy, mạng xã hội đã tạo ra kẻ thù ở cả hai bên lối đi.
Ảnh hưởng lâu dài
Từ chức CEO không phải lúc nào cũng có nghĩa là người sáng lập của một gã khổng lồ công nghệ sẽ tách mình ra khỏi công ty hoàn toàn. Những người sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin vẫn có cổ phần kiểm soát trong gã khổng lồ tìm kiếm và vẫn nằm trong hội đồng quản trị của công ty mẹ Alphabet. Trong khi đó, Bezos vẫn là chủ tịch điều hành của Amazon và đã báo hiệu rằng ông muốn "tiếp tục tham gia vào các sáng kiến quan trọng của Amazon". Ông cũng giữ lại khoảng 10% cổ phần của Amazon, trị giá khoảng 180 tỷ USD - phần lớn tài sản của ông.
Thực tế, Sundar Pichai của Alphabet, Satya Nadella của Microsoft, Andy Jassy của Amazon và Giám đốc điều hành mới của Twitter, Parag Agrawal, tất cả đều có kiến thức nội bộ sâu sắc sau nhiều năm thăng tiến cấp bậc trong công ty. Nhưng việc thay thế những người sáng lập bằng những người quản lý cũ không phải là không có rủi ro, dù họ có đủ năng lực hay không, Enderle lập luận.
Ông nói: "Các nhà điều hành tiếp theo ngày càng tập trung vào lợi nhuận tiền tệ ngắn hạn hơn là chiến lược tồn tại dài hạn; Đó là lý do tại sao có rất ít công ty tồn tại được 100 năm, bởi vì chu kỳ đó bắt đầu sau khi người sáng lập chủ chốt rời đi".
Zuckerberg tiếp theo?
Một số nhà lập pháp lạc quan rằng, sự thay đổi lãnh đạo có thể dẫn đến các cuộc thảo luận hiệu quả hơn về cách định hình tương lai của ngành công nghệ. "Tất nhiên, chúng tôi chưa thấy các CEO công nghệ từ chức ở Facebook", đại diện Tom Malinowski tờ D-NJ nhận định.
Mark Zuckerberg của Facebook nổi bật với tư cách là người sáng lập lớn nhất ở Thung lũng Silicon cuối cùng vẫn giữ chức vụ CEO - nhưng "thực trạng vị trí" của anh ấy cũng đã bị đặt dấu hỏi muộn. Công ty mẹ của Facebook gần đây đã được đổi tên thành Meta trong một đợt đổi thương hiệu sau một thời kỳ khó khăn của gã khổng lồ truyền thông xã hội.
Frances Haugen, người tố cáo có tài liệu bị rò rỉ cho thấy Facebook biết các trang web của mình có hại theo nhiều cách khác nhau, đã lập luận rằng công ty không thể khắc phục các vấn đề đó khi Zuckerberg vẫn nắm quyền.
"Tôi nghĩ Facebook sẽ mạnh mẽ hơn với những người lãnh đạo sẵn sàng tập trung vào sự an toàn cho người dùng, không như cách phát triển đầy "góc tối" như ở hiện tại", cô ấy nói tại hội nghị công nghệ Web Summit ở Lisbon vào đầu tháng này.
Những người trong công ty cho rằng, quyền lực bên trong Facebook vẫn tập trung một cách bất thường trong tay Zuckerberg, người nắm giữ triều đại Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành đã không bị gián đoạn kể từ khi anh và các sinh viên Harvard thành lập Facebook vào năm 2004. "Zuck chưa bao giờ thực sự học cách trở thành một CEO thực thụ," Enderle thẳng thắn chia sẻ. "Những sai lầm mà anh ấy mắc phải là những sai lầm nghiêm trọng khiến Facebook gặp rủi ro cao, và là những sai lầm đó tôi không tin rằng một CEO có kinh nghiệm lại có thể mắc phải".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.