Các công ty chứng khoán định giá cổ phiếu MSN ở mức 137.000 đồng
Từ chiến lược offline-to-online của Masan: Các công ty chứng khoán định giá cổ phiếu MSN ở mức 137.000 đồng
N.A
Thứ tư, ngày 07/07/2021 16:37 PM (GMT+7)
Ngày 7/7, Credit Suisse đã công bố báo cáo phân tích về cổ phiếu MSN của Masan Group và đưa ra định giá mới. Theo đó, ngân hàng này đưa ra giá mục tiêu của MSN là 137.0000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, giá mục tiêu của MSN theo phân tích của HSC và Mirae Asset lần lượt là 134.000 đồng và 131.000 đồng/cổ phiếu.
Kết quả kinh doanh dự kiến của VinCommerce (VCM) vào năm 2021, cũng như tiềm năng tăng trưởng của nền tảng tích hợp offline-to-online được cho là yếu tố khiến các chuyên gia chứng khoán nâng giá mục tiêu ngắn hạn của MSN.
Mới đây, vào ngày 1 tháng 7 năm 2021, Masan Group công bố tăng tỉ lệ sở hữu tại The CrownX từ 80,2% lên 84,9%. Với định giá The CrownX khoảng 7,3 tỷ USD, giao dịch được ước tính giá trị 343 triệu USD.
Ban điều hành Masan tin tưởng giao dịch này đã sử dụng tối ưu lượng tiền mặt của công ty và kỳ vọng vào quỹ đạo lợi nhuận và tăng trưởng của The CrownX.
Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group cho biết: "2021 là năm đánh dấu bước ngoặt của VCM khi hệ thống bán lẻ này bắt đầu có lợi nhuận. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tái mở rộng hệ thống điểm bán để xây dựng chuỗi bán lẻ dẫn đầu về quy mô, đồng thời duy trì đà cải thiện lợi nhuận. Đây chính là nền tảng để chúng tôi gia tăng đầu tư nhằm đẩy nhanh chiến lược tích hợp từ offline đến online".
Masan kỳ vọng, VCM sẽ tiếp tục cải thiện lợi nhuận dựa trên kết quả EBIT hòa vốn vào tháng 6-2021.
"Mục tiêu này cũng đã có lộ trình hướng đến EBIT dương trong nửa cuối năm 2021" - ông Danny Le cho biết.
Với khoảng 300 - 500 cửa hàng mang thương hiệu VinMart+ được mở mới trong năm nay, Masan đang hướng đến mục tiêu tăng số lượng điểm bán của VCM lên 3.000 điểm, tương đương với số lượng điểm bán khi Masan mới sáp nhập hệ thống này. Các cửa hàng mới dự kiến sẽ đạt EBITDA hòa vốn từ 6-12 tháng nhờ mô hình chuỗi cung ứng được cải tiến hiệu quả hơn, biên lợi nhuận thương mại tăng và danh mục sản phẩm phù hợp thị hiếu giúp thúc đẩy lưu lượng khách đến cửa hàng.
Bên cạnh đó, mô hình Kiosk Phúc Long trong VinMart sẽ giúp gia tăng lưu lượng khách và lợi nhuận của VinMart+. Hiện có 50 cửa hàng VinMart+ đã thực hiện thí điểm việc tích hợp mô hình kiosk Phúc Long. Mô hình này dự kiến đóng góp thêm 5 triệu đồng vào doanh thu hàng ngày của mỗi cửa hàng.
Về việc chia sẻ lợi ích giữa hai đơn vị, kiosk Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với VCM, tương ứng 1 triệu đồng mỗi ngày.
VCM đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 sẽ có 1.100 cửa hàng VinMart+ tích hợp mô hình kiosk Phúc Long. Với mức đóng góp doanh thu trên, biên EBITDA của cửa hàng VinMart+ tích hợp kiosk Phúc Long dự kiến sẽ gia tăng 4%.
Mô hình bán lẻ offline-to-online của Masan cũng liên tục hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tháng 5/2021, nhóm các nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia đã rót 400 triệu USD để mua 5,5% cổ phần của Công ty The CrownX. Theo thỏa thuận này, VCM sẽ trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên Lazada – sàn thương mại điệ tử lớn nhất Đông Nam Á của Alibaba. Qua đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được phục vụ hàng hóa đáp ứng tiêu chí "Tươi ngon thượng hạng" dù mua sắm tại kênh online hay siêu thị/cửa hàng.
Trước đó, vào tháng 4/2021, Masan Group xác nhận SK Group (Hàn Quốc) đã mua 16,26% cổ phần của VCM tại Masan với tổng giá trị tiền mặt là 410 triệu USD. Với giao dịch này, VCM được định giá 2,5 tỷ USD cho 100% vốn chủ sở hữu.
Masan cũng đang có kế hoạch huy động thêm 300-400 triệu USD vốn đầu tư vào The CrownX trong nửa cuối năm 2021.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.